ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 18 tháng 4 năm 1990 |
CHỈ THỊ
VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP CẤP BÁCH HỖ TRỢ CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH VÀ CỦNG CỐ HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ.
Gần một năm nay, những khó khăn chung về kinh tế đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều đơn vị kinh tế quốc doanh và ngoài quốc doanh. Một số đơn vị hoạt động không có hiệu quả, bị thua lỗ, thậm chí có những đơn vị bị phá sản. Trong đó, có những đơn vị vay tiền ở hợp tác xã tín dụng nhưng không có khả năng trả nợ, nợ quá hạn kéo dài, trực tiếp gây nên tình trạng lỗ lã liên tục trong nhiều tháng gần đây cho các hợp tác xã tín dụng trên địa bàn thành phố. Thậm chí có những hợp tác xã tín dụng bị thâm hụt hơn số vốn tự có của bản thân mình.
Trong lúc đó, một số Trung tâm tín dụng bất hợp lệ bị bể bạc do lừa đảo, gian dối, đánh cắp nhiều tỷ đồng của dân như vụ Phạm Công Tước ở Bình Thạnh. Một số cơ sở như : Xưởng tư doanh nước hoa Thanh Hương lợi dụng chủ trương huy động vốn để sản xuất, lừa đảo chiếm đoạt gần trăm tỷ đồng của dân tạo nên tâm lý bất ổn định trong nhân dân. Trong một thời gian ngắn, bị tác động hàng loạt của các dữ kiện trên, người gởi tiền đồng loạt rút tiền ra khỏi các hợp tác xã tín dụng gây ra tình trạng mất khả năng chi trả tức thời trong toàn bộ hệ thống hợp tác xã tín dụng thành phố. Nguy cơ phá sản hàng loạt hợp tác xã tín dụng gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền lợi của số đông người gởi tiền sẽ tạo thành tâm lý hoang mang, bất ổn trong dân, ảnh hưởng đến nhiều mặt chính trị, tâm lý xã hội khác.
Vì vậy, chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố là phải cố gắng cứu hệ thống hợp tác xã tín dụng thành phố thoát khỏi nguy cơ sụp đổ hiện nay mà vấn đề trước nhất là bảo đảm cho khu vực quốc doanh trả nợ và lãi đầy đủ cho các hợp tác xã tín dụng đồng thời tích cực hỗ trợ cho hợp tác xã tín dụng đòi được nợ đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Bên cạnh đó thực hiện các biện pháp thanh lọc và củng cố các hợp tác xã tín dụng hợp lệ đồng thời nghiêm trị bằng pháp luật những người, những đơn vị lừa đảo, gian dối gây thiệt hại đến tài sản của nhân dân, thiệt hại đến tài sản XHCN. Chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố được Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng chấp nhận và hỗ trợ cho thành phố vay tiền lập một quỹ dự phòng hỗ trợ cho những đơn vị kinh tế quốc doanh đang gặp khó khăn vay trả nợ cho hợp tác xã tín dụng. Đây là vấn đề hết sức cấp bách, do đó Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị :
I.- THỰC HIỆN VIỆC ĐẢO NỢ CHO CÁC ĐƠN VỊ KINH TẾ QUỐC DOANH TRẢ TIỀN VAY CỦA HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG.
Trách nhiệm xét đảo nợ cho các đơn vị kinh tế quốc doanh để trả cho hợp tác xã tín dụng trước hết là trách nhiệm của cơ quan chủ quản của đơn vị kinh tế quốc doanh đang thiếu nợ hợp tác xã tín dụng (của Giám đốc sở, công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện đối với đơn vị thuộc quận huyện). Trách nhiệm của bản thân Giám đốc, Chủ nhiệm đơn vị kinh tế thiếu nợ hợp tác xã tín dụng là phải báo cáo đầy đủ nợ, có (kể cả tài sản, vật tư, hàng hóa tồn kho), lập phương án kinh tế bảo đảm trả được nợ trong thời hạn một năm.
Để việc đảo nợ được tiến hành nhanh chóng, Giám đốc sở, công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện phải lập danh sách các đơn vị trực thuộc có thiếu nợ hợp tác xã tín dụng, số tiền nợ, tiến lãi phải trả. Trên cơ sở danh sách các đơn vị trực thuộc thiếu nợ, tiến hành phân loại như sau :
Loại 1 : Những đơn vị có tài sản đủ bảo đảm nợ vay nhưng đang gặp khó khăn trong hoạt động nên chưa trả được nợ.
Loại 2 : Những đơn vị không có đủ tài sản bảo đảm nợ vay tuy hoạt động đang khó khăn nhưng có khả năng trả được nợ vay.
Loại 3 : Những đơn vị sản xuất, kinh doanh không có hiệu quả, cần thanh lý tài sản để trả nợ.
Cách xử lý :
- Đối với những đơn vị loại 1 thì Giám đốc sở, công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận huyện bảo lãnh và chuyển hồ sơ đến các ngân hàng chuyên doanh (các đơn vị vay thuộc các ngành công thương nghiệp thì chuyển cho Ngân hàng công thương thành phố và Sàigòn công thương ngân hàng, các ngành ngoại thương chuyển cho ngân hàng ngoại thương, các đơn vị vay đầu tư cơ bản thì chuyển cho ngân hàng đầu tư xây dựng cơ bản v.v…) để được giải quyết cho vay trả nợ cho hợp tác xã tín dụng.
- Đối với những đơn vị loại 2 thì Giám đốc sở, công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố hoặc Ủy ban nhân dân quận huyện bảo lãnh và cam kết trả số tiền vay. Các đơn vị loại này cần có phương án hoạt động và cơ quan chủ quản có kế hoạch và biện pháp hỗ trợ tích cực giúp cho đơn vị vượt qua khó khăn. Sau đó, chuyển ngay danh sách đến Ủy ban nhân dân thành phố để xem xét phê duyệt. Danh sách được phê duyệt này sẽ chuyển đến Chi cục Kho bạc thành phố (Chi cục Kho bạc thành phố Hồ Chí Minh được Ủy ban nhân dân thành phố ủy nhiệm làm nhiệm vụ kế toán và thủ quỹ cho quỹ dự phòng của thành phố) để mời Giám đốc đơn vị kinh tế quốc doanh đến ký nhận nợ với Chi cục Kho bạc. Sau khi đơn vị kinh tế quốc doanh đã ký nhận nợ, Chi cục Kho bạc sẽ báo ngay cho hợp tác xã tín dụng chủ nợ và chuyển tiền về tài khoản của hợp tác xã tín dụng tại Chi nhánh ngân hàng công thương quận để hợp tác xã tín dụng nhận tiền về chi trả cho dân.
Trong khi áp lực rút tiền đang mạnh mẽ, nghiêm cấm các hợp tác xã tín dụng sử dụng số tiền này để chi rút vốn của cổ đông hoặc cho vay tiếp tục. Ủy ban nhân dân quận huyện cùng Ban chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động tín dụng quận chịu trách nhiệm kiểm soát hàng ngày việc sử dụng tiền vào mục đích chi trả tiền gởi của dân đối với từng hợp tác xã tín dụng.
Danh sách các đơn vị nói trên phải hoàn tất và gởi Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố trước ngày 25/4/1990. Để việc làm được nhanh chóng và có cơ sở đối chiếu các hợp tác xã tín dụng cần gởi trực tiếp giấy báo nợ cho sở chủ quản hoặc Ủy ban nhân dân quận, huyện.
II.- TÍCH CỰC VÀ KIÊN QUYẾT ĐÒI NỢ CÁC CÁ NHÂN VÀ ĐƠN VỊ KINH TẾ NGOÀI QUỐC DOANH VAY NỢ HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG.
Trách nhiệm thu hồi nợ cá nhân và các đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh vay trước hết là trách nhiệm của bản thân hợp tác xã tín dụng. Trong tình hình này, Ủy ban nhân dân quận, huyện yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân quận, huyện chủ trì phối hợp với ngành chức năng tích cực hỗ trợ tạo điều kiện cho hợp tác xã tín dụng đòi được nợ.
1/ Đối với nợ đã quá hạn có thế chấp tài sản thì kiên quyết thành lập Ban thanh lý phát mãi tài sản thế chấp với sự chứng kiến của Tòa án nhân dân quận huyện và chủ tài sản nếu chủ tài sản đồng ý cho phát mãi. Trường hợp chủ tài sản thế chấp không đồng ý nhưng cũng không có biện pháp trả nợ hữu hiệu thì Ban thanh lý vẫn được phép tiến hành phát mãi, mọi thiệt hại do bên vi phạm hợp đồng tín dụng chịu. Tài sản thế chấp sau khi bán, phòng thuế trước bạ, phòng Công chứng được phép xác nhận quyền sở hữu cho bên mua tài sản thế chấp này.
2/ Đối với nợ quá hạn không có thế chấp tài sản, một mặt tích cực và kiên quyết thu hồi nợ với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng, mặt khác nếu cá nhân, đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh không trình bày được biện pháp khả thi và thời gian trả nợ cụ thể thì lập thủ tục truy tố trước Tòa án để xét xử nhằm ngăn chặn hiện tượng cố tình chây ì, giựt nợ hợp tác xã tín dụng đang ngày càng lan rộng.
III.- VIỆC ỔN ĐỊNH TÂM LÝ NGƯỜI GỞI TIỀN, CHẶN ĐỨNG TÌNH TRẠNG RÚT TIỀN ÀO ẠT Ở CÁC HTX TÍN DỤNG LÀ VẤN ĐỀ CÓ Ý NGHĨA RẤT QUAN TRỌNG, RẤT QUYẾT ĐỊNH TRONG VIỆC ĐƯA HTX TÍN DỤNG THOÁT KHỎI NGUY CƠ SỤP ĐỔ HÀNG LOẠT.
Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các hội quần chúng, các Câu Lạc bộ hưu trí, các đơn vị, cơ quan, xí nghiệp, các cơ quan truyền thông đại chúng có kế hoạch triển khai tuyên truyền sâu rộng làm cho tuyệt đại bộ phận đảng viên, cán bộ công nhân viên, đoàn viên, cán bộ hưu trí và nhân dân nhận rõ ở đây dứt khoát không phải là quan hệ giữa Nhà nước với dân, mà là quan hệ giữa người gởi tiền và các hợp tác xã tín dụng, các cơ sở huy động vốn. Nhà nước bảo vệ lợi ích của dân, và khi lợi ích chính đáng của dân bị xâm phạm, thì có phần trách nhiệm của Nhà nước. Trách nhiệm của chính quyền chỉ trong phạm vi đó. Tuyệt nhiên Nhà nước không lãnh hết trách nhiệm về phần mình. Không thể bắt Nhà nước phải chi trả bằng ngân sách. Từ đó phải hướng dư luận vào việc tập trung lên án bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của dân, bọn chây ì, giựt nợ tín dụng. Phải ổn định tâm lý cho người gởi tiền, tránh đổ xô rút tiền khi chưa đến hạn, làm cho tình hình phức tạp thêm. Trong việc này, chúng ta phải hết sức kiên trì giải thích, vì người gởi tiền nóng ruột sợ mất của. Hết sức chú ý đập tan những luận điệu xuyên tạc, kích động của kẻ xấu, kẻ địch xung quanh vấn đề này.
IV.- THANH LỌC VÀ CỦNG CỐ HỆ THỐNG HỢP TÁC XÃ TÍN DỤNG.
Song song với những biện pháp nhằm giúp hệ thống hợp tác xã tín dụng thoát khỏi nguy cơ sụp đổ hàng loạt nói trên; với kết quả kiểm tra toàn bộ các hợp tác xã tín dụng được tiến hành trong tháng 3/1990 theo tinh thần Chỉ thị 02/CT-UB của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân quận chủ động phối hợp với ngân hàng Nhà nước khu vực I tiến hành xếp loại các hợp tác xã tín dụng nhằm xác định những hợp tác xã tín dụng nào được duy trì, hợp tác xã tín dụng nào cần thanh lý ngay hoặc sẽ thanh lý. Việc xếp loại này phải tiến hành xong trước ngày 25/4/1990 để thành phố thực hiện việc quy hoạch trên toàn địa bàn.
Đối với những Trung tâm tín dụng không hợp lệ đang mất khả năng chi trả do bộ phận điều hành có dấu hiệu tiêu cực hay phạm pháp, Ủy ban nhân dân quận có trách nhiệm báo cho cơ quan chức năng thực hiện sự giám sát quản lý, trường hợp cần thiết thì truy tố trước Tòa án.
V.- TRIỂN KHAI THỰC HIỆN.
Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm phát hành Chỉ thị này đến các sở ban ngành, công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận trong vòng 24 giờ sau khi ký ban hành.
Giám đốc các sở, thủ trưởng ban ngành, các công ty trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân quận huyện nghiêm chỉnh và nhanh chóng tổ chức thực hiện, tổng hợp và báo cáo đúng thời gian quy định trong chỉ thị.
Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố chỉ đạo cho Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân quận huyện thông suốt tình hình và có kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân quận huyện trong việc thực hiện.
Đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, các đoàn thể, mặt trận, câu lạc bộ hưu trí phối hợp góp phần ổn định dư luận quần chúng đối với hoạt động của hợp tác xã tín dụng trên địa bàn thành phố.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |