Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/CT-UBND

Đồng Nai, ngày 11 tháng 08 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ

Thực hiện Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, ngày 05 tháng 8 năm 2008, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Chỉ thị về việc kiện toàn, củng cố tổ chức, hoạt động và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải.

Trong những năm qua, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trong toàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, hòa giải kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân nhằm xây dựng và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư, góp phần phòng ngừa và hạn chế các vi phạm pháp luật, hạn chế tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, ổn định tình hình chính trị, xã hội của địa phương. Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế như: Mạng lưới hòa giải hoạt động chưa đồng đều, Tổ hòa giải ở một số nơi hoạt động còn mang tính hình thức, chiếu lệ dẫn đến hiệu quả hoạt động thấp, một bộ phận tổ viên Tổ hòa giải còn hạn chế về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải dẫn đến chất lượng hòa giải nhiều việc chưa cao, nhiều Tổ hòa giải chưa cập nhật đầy đủ thông tin về các vụ việc hòa giải, gây khó khăn cho công tác quản lý, đặc biệt là kinh phí dành cho công tác hòa giải, chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cho tổ viên Tổ hòa giải nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Nhằm tiếp tục triển khai Pháp lệnh số 09/1998/PL-UBTVQH10 ngày 25/12/1998 về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BTP ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Tư pháp về tăng cường công tác hòa giải ở cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai chỉ thị:

1. Giao trách nhiệm Sở Tư pháp:

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa củng cố, kiện toàn, hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động hòa giải trong phạm vi địa phương.

- Hàng năm xây dựng kế hoạch tổ chức hướng dẫn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng hòa giải và đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho người làm công tác hòa giải bằng nhiều hình thức như: tập huấn, tọa đàm, tổ chức hội thi...

- Sơ kết, tổng kết phong trào hòa giải, đề nghị khen thưởng kịp thời những cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh.

2. Giao trách nhiệm Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:

- Rà soát, củng cố, kiện toàn và thống kê tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng hòa giải ở xã, phường, thị trấn để hòa giải các vụ tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai.

- Củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của Tổ hòa giải ở ấp, khu phố bảo đảm 100% ấp, khu phố có ít nhất một Tổ hòa giải để góp phần hòa giải kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân trên địa bàn ấp, khu phố.

- Tiến hành rà soát, kiểm tra về cơ cấu tổ chức và hoạt động của các Tổ hòa giải đã được thành lập ở các ấp, khu phố. Việc bầu chọn Hòa giải viên và Tổ trưởng Tổ hòa giải phải tiến hành theo đúng quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở và Điều 7, Điều 8 Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18/10/1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

- Tăng cường các biện pháp chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải các tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và hoạt động hòa giải của các Tổ hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời các tranh chấp tại cơ sở. Đồng thời thực hiện các thủ tục trình tự hòa giải theo đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo cơ quan tài chính cùng cấp bố trí kinh phí cho hoạt động hòa giải theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của liên Bộ Tài chính và Tư pháp.

3. Đối với các Sở, ngành:

- Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo cơ quan tài chính cấp huyện lập dự toán và thủ tục thanh quyết toán kinh phí chi cho hoạt động hòa giải theo quy định tại Thông tư liên tịch số 73/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 14/5/2010 của liên Bộ Tài chính và Tư pháp về việc “Hướng dẫn việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”.

- Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành có trách nhiệm phối hợp Sở Tư pháp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và tạo điều kiện tốt cho hoạt động của công tác hòa giải ở cơ sở.

4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác:

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng, củng cố Tổ hòa giải ở cơ sở và Hội đồng hòa giải xã, phường, thị trấn; giúp đỡ, tạo điều kiện cho hoạt động hòa giải và tham gia hòa giải theo quy định của pháp luật.

5. Báo Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai:

Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động hòa giải, kịp thời đưa tin biểu dương gương người tốt, việc tốt trong phong trào hòa giải ở cơ sở.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp (báo cáo);
- Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại TP. HCM;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh;
- UBMTTQ, các đoàn thể;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, TX, TP (thực hiện);
- Chánh, Phó VP UBND tỉnh;
- Đài PTHT, Báo ĐN, Báo LĐĐN;
- Lưu: VT, NC, TTCB.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Trí