Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20-TTg

Hà Nội, ngày 20 tháng 03 năm 1963 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH CÁC ĐỊNH MỨC TIÊU DÙNG VẬT TƯ KỸ THUẬT

 THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Trong các lĩnh vực sản xuất, vận tải và xây dựng cơ bản, chúng ta đều dùng rất nhiều vật tư. Số lượng vật tư tiêu dùng chiếm một tỷ trọng lớn (trên 70%) trong giá thành các sản phẩm công trình xây dựng và trong phí vận tải. Nếu chúng ta giảm bớt được lưọng tiêu dùng vật tự (dù chỉ vài %) trong quá trình sản xuất, xây dựng, vận tải thì có thể tiết kiệm được một số tài sản lớn, sẽ làm tăng thêm của cải cho xã hội, đẩy mạnh hơn nữa cuộc phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân. Do đó cần phải tích cực phấn đấu giảm bớt lượng tiêu dùng vật tư.

Định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật là biện pháp hiệu quả nhất để thực hành tiết kiệm vật tư. Nó còn là cơ sở khoa học cho công tác kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân, cho việc thực hiện chế độ hoạch toán kinh tế và cải tiến quản lý xí nghiệp.

Trong các phong trào cải tiến quản lý xí nghiệp, xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trước đây và phong trào thi đua với Duyên hải hiện nay, các Bộ, các ngành và các cơ sở bước đầu đã có xây dựng một số định mức tiêu dùng vật tư cho các sản phẩm, nhưng các ngành chưa chú ý tổng kết kinh nghiệm trong việc tiêu dùng vật tư để xây dựng những định mức tiên tiến.

Về xây dựng cơ bản Ủy ban Kế hoạch Nhà nước đã ban hành định mức sử dụng vật liệu số 1080 từ năm 1959 và bản định mức số 277 tháng 02-1961, nhưng các công trường xây dựng chưa thực hiện được đầy đủ.

Vì vậy nên các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật từ trước đến nay ở các Bộ, các ngành và các cơ sở xây dựng lên mới chỉ là những tài liệu tham khảo, chưa có tác dụng chỉ đạo sản xuất.

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp từ ngày 17 đến 20-11-1962 nhận định rằng: việc xây dựng và ban hành các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật trong sản xuất, vận tải, xây dựng cơ bản và quản lý chặt chẽ các định mức đó theo hướng không ngừng phấn đấu làm cho các định mức ngày càng tiến bộ, chẳng những có ý nghĩa quan trọng mà còn là một nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Bắt đầu từ năm 1963 chúng ta cần tiến hành tổng kết lại việc tiêu dùng vật tư ở các cơ sở, tiến hành xây dựng và lần lượt ban hành một cách có hệ thống các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật chủ yếu, đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc thực hiện các định mức ấy, để làm đà cho việc phát triển toàn diện và đưa dần công tác định mức vào nề nếp đặng phục vụ việc kế hoạch hoá và quản lý nền kinh tế quốc dân ngày càng tốt hơn.

I. NỘI DUNG VÀ PHẠM VI ĐỊNH MỨC TIÊU DÙNG VẬT TƯ KỸ THUẬT

a) Nội dung cụ thể của định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật gồm:

1. Định mức tiêu dùng các loại nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu và điện lực:

- Cho sản xuất một đơn vị sản phẩm, đơn vị công việc;

- Cho xây dựng một đơn vị khối lượng công trình;

- Cho một đơn vị kinh doanh vận tải (tấn km, hành khách km).

- Cho sửa chữa.

2. Định mức sử dụng công suất thiết bị, máy móc và phương tiện vận tải, bốc dỡ trong sản xuất, khai thác, vận tải và thi công.

3. Định mức tồn kho vật tư ở cơ quan cung cấp và dự trữ vật tư cho sản xuất ở đơn vị cơ sở (sẽ có thông tư hướng dẫn riêng).

Tính chất của công tác định mức rất phức tạp, nhất là việc định mức sử dụng công suất thiết bị, máy móc có nhiều khó khăn, nên trong năm 1963 chúng ta cần tiến hành trước các định mức tiêu dùng các loại nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, điện lực và định mức tồn kho vật tư, đồng thời chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sang năm 1964 tiếp tục tiến hành định mức sử dụng công suất thiết bị, máy móc được tốt.

b) Phạm vi định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật:

Do tình hình kinh tế của ta phát triển chưa đều, trình độ kỹ thuật giữa các thành phần (quốc doanh và hợp tác xã) cũng như giữa các khu vực kinh tế (trung ương và địa phương) còn chênh lệch nhau nhiều, nhiều xí nghiệp còn ở trình độ bán cơ giới sản phẩm chưa theo đúng quy cách mẫu mực thống nhất, nên việc định mức không thể làm toàn diện một lúc. Vì vậy, trong lúc đầu phạm vi định mức cần hướng vào các trọng điểm sau đây:

1. Về sản phẩm:

Chủ yếu là định mức tiêu dùng vật tư đối với những sản phẩm làm theo thiết kế hay công thức chế tạo của các cơ quan kỹ thuật trong nước, hoặc nước ngoài cung cấp. Trong xây dựng cơ bản thì chủ yếu là định mức đối với các khối lượng xây dựng, lắp máy, đặt diện và đường ống thông dụng ở nhiều công trường (bảng danh mục các sản phẩm và công trình cần định mức sẽ do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, các Bộ, các ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ duyệt).

2. Về Vật tư:

Chủ yếu định mức các loại vật tư do Nhà nước quản lý và phân phối (bảng danh mục này cũng do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước phối hợp với Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, các Bộ, các ngành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ duyệt).

3. Về cơ sở:

Chủ yếu tiến hành định mức ở những xí nghiệp quốc doanh và công tư hợp doanh, bao gồm các xí nghiệp công nghiệp, lâm nghiệp, nông trường, trạm máy kéo, xí nghiệp vận tải và công trường xây dựng cơ bản.

Đối với hợp tác xã thì bước đầu chỉ định mức những mặt hàng do Nhà nước giao nguyên liệu cho hợp tác xã sản xuất.

II. PHƯƠNG PHÁP VÀ THỜI GIAN TIẾN HÀNH

Việc xây dựng định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật phải dựa vào các phương pháp thống kê so sánh, phương pháp quan sát và phương pháp phân tích khoa học.

Nhưng về trình độ khoa học kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp, chưa thể lấy phương pháp phân tích khoa học làm chủ yếu, nên cần áp dụng phương pháp thống kê so sánh là phương pháp thích hợp nhất với trình độ của ta hiện nay, đồng thời với việc dùng phương pháp thống kê so sánh, có thể dùng cả phương pháp quan sát và kết hợp với phương pháp phân tích khoa học.

Để việc định mức trong năm 1963 làm được tốt, cần tiến hành làm hai bước:

a) Bước thứ nhất:

Tổng kết mức tiêu dùng vật tư hiện nay và bước đầu xây dựng định mức mới. Phương pháp áp dụng trong bước thứ nhất chủ yếu là phương pháp thống kê so sánh:

- Kết hợp với việc sơ kết công tác quý 01-1963, các Bộ, các ngành cần tiến hành tổng kết mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật thực tế trong năm 1962 và đầu năm 1963 đối với những sản phẩm chủ yếu ở các cơ sở thuộc ngành mình quản lý;

- Dựa vào những tài liệu tổng kết từ dưới lên, đồng thời kết hợp với việc nghiên cứu tình hình của các cơ sở về mặt cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức và cải tiến quản lý sản xuất, các ngành bước đầu xây dựng những định mức mới áp dụng cho năm 1963 và 1964.

Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, sơ kết tình hình thực hiện những định mức về xây dựng cơ bản đã ban hành, nghiên cứu xây dựng bổ sung các định mức mới.

Việc sơ kết tình hình thực hiện mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật và xây dựng định mức mới đều phải tính thống nhất theo đơn vị quy ước.

Sau khi các định mức mới được xây dựng ở cơ sở, các Bộ, các ngành có thể xét duyệt và tạm thời cho thi hành sau khi đã được sự đồng ý của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hay Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước (nếu là định mức xây dựng cơ bản). Các đơn vị cơ sở phải thực hiện theo các định mức đó.

b) Bước thứ hai:

Thẩm tra và xác định lại các định mức do các Bộ, các ngành đã tạm thời cho thi hành:

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Ủy ban Khoa học Nhà nước và Bộ sở quan tâm sẽ lần lượt nghiên cứu và thẩm tra lại các định mức để ban hành chính thức theo như bản phân cấp đã quy định.

Để công tác định mức tiêu dùng vật tư phát huy được tác dụng tích cực trong năm 1963 và tạo cơ sở cho việc xây dựng các định mức mới tiến bộ hơn cho năm 1964, bước thứ nhất phải hoàn thành trong vòng tháng 07 năm 1963, và bước thứ hai phải hoàn thành trước khi trình dự án kế hoạch năm 1964 lên Hội đồng Chính phủ.

Việc quy định thành hai bước công tác để xây dựng các định mức chỉ áp dụng trong năm 1963. Sau này khi công tác định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật đã trở thành thường xuyên, hàng năm cần phải xây dựng và ban hành các định mức mới. Kể từ năm 1964 trở đi, hàng năm trong khi lập kế hoạch kinh tế quốc dân những năm sau, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, các Bộ, các Tổng cục và các Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh có trách nhiệm xét duyệt và ban hành các định mức ngay từ khi giao sổ kiểm tra cho các cơ sở vào khoảng tháng 06 hoặc chậm nhất là tháng 07 của năm ấy.

III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM GIỮA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TOÀN BỘ CÔNG TÁC ĐỊNH MỨC

a) Xét duyệt và ban hành các định mức:

Việc xét duyệt và ban hành các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật tiến hành theo nguyên tắc phân cấp sau đây:

- Thủ tướng Chính phủ xét duyệt ban hành những định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật đối với những sản phẩm và những vật tư chủ yếu do Nhà nước quản lý (danh mục này do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước xây dựng, Thủ tướng Chính phủ xét duyệt);

- Các Bộ, Tổng cục xét duyệt và ban hành những định mức đối với những sản phẩm và những vật tư không ghi trong danh mục Nhà nước quản lý (danh mục này do các Bộ, Tổng cục xây dựng và có sự tham gia ý kiến của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước hay Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước nếu danh mục này thuộc về xây dựng cơ bản).

Để giải quyết công việc được nhanh chóng, Thủ tướng Chính phủ ủy nhiệm cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước tổng hợp, xét duyệt các định mức xây dựng từ dưới lên. Trong công tác này Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Khoa học Nhà nước; các Bộ, Tổng cục vật tư, Tổng cục Thống kê, và các Tổng cục quản lý sản xuất.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và Ủy ban Khoa học Nhà nước cần có quan hệ chặt chẽ với nhau để việc lập định mức và quản lý thực hiện định mức được tốt, nhất là cần phối hợp để xây dựng được các định mức tổng hợp, phục vụ yêu cầu kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân.

- Căn cứ vào trình độ quản lý của các xí nghiệp, công trường, các Bộ, các Tổng cục có thể uỷ nhiệm cho Giám đốc xí nghiệp và Trưởng ban chỉ huy công trường xét duyệt định mức đối với những sản phẩm phụ và những vật liệu phụ, được kể rõ từng thứ trong khi ủy nhiệm.

- Tất cả những định mức do các Bộ, các Tổng cục xét duyệt và ban hành đều phải sao gửi cho Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước (nếu là định mức xây dựng cơ bản), Tổng cục Vật tư và Tổng cục Thống kê để theo dõi.

b) Xây dựng các chính sách, chế độ có liên quan đến việc xây dựng và quản lý các định mức:

Để bảo đảm thực hiện các định mức được nghiêm chỉnh và xây dựng các định mức ngày càng tiến bộ, cần phải xây dựng và ban hành các chế độ, chính sách có liên quan đến việc xây dựng xét duyệt và quản lý các định mức.

Thủ tướng Chính phủ phân công cho các cơ quan, bước đầu xây dựng một số chính sách, chế độ sau đây để trình Hội đồng Chính phủ xét duyệt và ban hành trong năm nay:

- Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cùng với Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Lao động xây dựng chế độ thưởng phạt trong công tác thiết kế, cung cấp, bảo quản và sử dụng vật tư kỹ thuật. Chế độ này phải chú ý đến lợi ích vật chất và động viên tinh thần để khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác thiết kế, cung cấp, bảo quản và sử dụng vật tư;

- Tổng cục vật tư phối hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ, các Tổng cục xây dựng các chế độ về cung cấp vật tư kỹ thuật, chế độ thu hồi và sử dụng các thứ nguyên liệu, vật liệu thải ra;

- Bộ Công nghiệp nặng xây dựng chế độ đăng ký các bản thiết kế chế tạo sản phẩm cơ khí;

- Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước quy định và ban hành các thiết kế mẫu về xây dựng cơ bản;

- Ủy ban Khoa học Nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật về nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho các sản phẩm theo trình độ và yêu cầu kinh tế kỹ thuật của ta, đồng thời cần chỉnh đốn công tác đo lường trong toàn quốc để giúp cho việc quản lý định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật được dễ dàng, và bảo đảm chất lượng của sản phẩm được đúng tiêu chuẩn.

Từ nay đến tháng 09-1963 các Ủy ban, các Bộ và các Tổng cục cần báo cáo kết quả của việc xây dựng các chính sách, chế độ trên đây để Thủ tướng Chính phủ xét duyệt và ban hành.

c) Theo dõi, thống kê và quản lý định mức:

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Tổng cục Thống kê, Tổng cục vật tư và các Bộ, các Tổng cục quản lý sản xuất có trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện các định mức và các chính sách, chế độ đã được ban hành.

Thủ tướng Chính phủ giao cho Tổng cục Thống kê nghiên cứu hướng dẫn việc thống kê định mức từ cơ sở lên và báo cáo thường kỳ lên Chính phủ theo chế độ hiện hành.

Bắt đầu từ ngày công bố định mức, các đơn vị cơ sở phải coi việc phấn đấu thực hiện và thực hiện thấp hơn các định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật là một nhiệm vụ công tác quan trọng (ngang với việc thực hiện kế hoạch sản lượng). Đánh giá kết quả công tác của đơn vị sản xuất phải căn cứ vào việc thực hiện các định mức tiêu dùng vật tư của các đơn vị ấy. Những đơn vị nào hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch về sản lượng, nhưng tiêu dùng vật tư quá mức, hoặc để tồn kho vật tư quá định mức của Nhà nước, đều coi là chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Công tác định mức tiêu dùng, vật tư kỹ thuật đối với chúng ta là một công tác mới mẻ, có nhiều khó khăn phức tạp và sẽ làm thường xuyên, nên ở các cơ quan quản lý sản xuất xây dựng và vận tải từ trung ương đến các đơn vị cơ sở phải có bộ phận chuyên trách do một đồng chí thủ trưởng trực tiếp lãnh đạo. Ở các Bộ, các Tổng cục phải cử một đồng chí Thứ trưởng hoặc Tổng cục phó phụ trách.

Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ môn: kỹ thuật, kế hoạch, cung cấp, thống kê, tài vụ và cần tăng cường cán bộ khá về nghiệp vụ và kỹ thuật để đảm nhiệm công tác định mức được tốt.

Về mặt chỉ đạo thực hiện, cần chú ý các vấn đề sau đây:

- Định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật và quản lý chặt chẽ các định mức đã ban hành làm một việc đổi mới trong chế độ sản xuất và quản lý kinh tế chắc chắn được tuyệt đại đa số cán bộ và công nhân hưởng ứng, nhưng cũng không tránh gặp phải những trở ngại do tư tưởng bảo thủ của một số người. Vì vậy, cần phải thường xuyên giáo dục cho cán bộ, công nhân, viên chức quán triệt ý nghĩa mục đích của công tác này, động viên được mọi người tham gia tích cực vào việc xây dựng các định mức và thi đua cải tiến kỹ thuật làm cho các định mức ngày càng tiến bộ hơn;

- Định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật là một cuộc đấu tranh chống lãng phí của cải, vật chất, nên phải kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm; cải tiến công tác quản lý kinh tế tài chính; chống tham ô, lãng phí, quan liêu”, coi nó là một nội dung cụ thể của cuộc vận động này.

Định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật là một công tác tổng kết trình độ kỹ thuật và sáng kiến phát minh của quần chúng, nên các đoàn thể quần chúng như công đoàn, thanh niên, cần tham gia tích cực công tác này. Các cơ quan tuyên truyền, báo chí cần tuyên truyền rộng rãi các thành tích về thực hiện định mức, đồng thời cũng cần nêu lên các khuyết điểm trong công tác để rút kinh nghiệm.

Công tác định mức tiêu dùng vật tư kỹ thuật là một công tác quan trọng để nâng cao chất lượng kế hoạch hoá nền kinh tế quốc dân, là cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch cung cấp vật tư kỹ thuật và là một biện pháp để đấu tranh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham ô.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Ủy ban, các Bộ, các Tổng cục và các Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh phải hết sức coi trọng và tăng cường lãnh đạo công tác này được tốt.

 

 

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 


Lê Thanh Nghị