Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2009/CT-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 12 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔNG KẾT 10 NĂM THỰC HIỆN CÔNG TÁC GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG – AN NINH (2001 – 2010)

Thực hiện Chỉ thị số 62-CT/TW ngày 12 tháng 02 năm 2001 của Bộ Chính trị (Khóa VIII) về tăng cường công tác Giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới và Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Giáo dục quốc phòng – an ninh trong tình hình mới, Nghị định số 15/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về Giáo dục quốc phòng – an ninh, trong những năm qua công tác giáo dục quốc phòng – an ninh được triển khai rộng rãi, dần đi vào nền nếp và có hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh còn bộc lộ một số hạn chế: nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân, trong đó có cả cán bộ chủ trì đối với công tác giáo dục quốc phòng – an ninh trong tình hình mới và âm mưu của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam chưa được đầy đủ, sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa được quan tâm đúng mức; đội ngũ giáo viên, giảng viên về giáo dục quốc phòng – an ninh thiếu về số lượng, chất lượng còn hạn chế, phương pháp tổ chức thực hiện môn học ở nhiều cơ sở giáo dục – đào tạo chậm đổi mới, tỷ lệ cán bộ, đảng viên được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh theo quy định của pháp luật chưa cao, nhất là cán bộ cấp cục, vụ, viện và tương đương (đối tượng 2). Công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng – an ninh cho toàn dân có lúc, có nơi chưa được coi trọng đúng mức, hiệu quả còn hạn chế. Tiến độ xây dựng các Trung tâm giáo dục quốc phòng sinh viên chưa thực hiện đúng kế hoạch đề ra, các chính sách về giáo dục quốc phòng – an ninh còn có những bất cập …

Để phát huy thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, đưa công tác giáo dục quốc phòng – an ninh ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc, có hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn Đảng, toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tổ chức tổng kết 10 năm (2001 – 2010) thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh trên phạm vi toàn quốc.

2. Nội dung tổng kết:

Đánh giá đầy đủ, khách quan những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những việc chưa làm được, những hạn chế, làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh những năm qua; đề xuất chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục quốc phòng – an ninh trong tình hình mới; hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng – an ninh; tiến hành khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh thời gian qua.

3. Phương pháp và thời gian tổng kết:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) soạn thảo báo cáo tổng kết và gửi lên Ủy ban nhân dân, Hội đồng giáo dục quốc phòng – an ninh huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, không tổ chức hội nghị tổng kết ở cấp xã.

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện soạn thảo báo cáo tổng kết và gửi lên Ủy ban nhân dân, Hội đồng giáo dục quốc phòng – an ninh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không tổ chức hội nghị tổng kết ở cấp huyện.

c) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh), các Bộ, Ban, ngành Trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 (sau đây gọi chung là Bộ, ngành) tổ chức hội nghị tổng kết công tác giáo dục quốc phòng – an ninh.

- Hội nghị do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổng kết có thành phần gồm: Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh cấp tỉnh, đại diện các Sở, Ban, ngành không là thành viên trong Hội đồng, các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp Trung ương có trụ sở trên địa bàn, đại diện Ủy ban nhân dân cấp huyện, các Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh cấp huyện. Việc tổng kết ở cấp tỉnh hoàn thành trong tháng 8 năm 2010;

- Hội nghị do các Bộ, ngành tiến hành tổng kết có thành phần gồm: cơ quan Bộ, ngành, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, ngành. Việc tổng kết hoàn thành trong tháng 9 năm 2010.

d) Cấp quân khu do Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh quân khu chủ trì tổng kết có thành phần gồm: Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh quân khu, đại biểu các cơ quan thuộc quân khu và Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh cấp tỉnh. Việc tổng kết hoàn thành trong tháng 9 năm 2010;

đ) Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức hội nghị tổng kết gắn với họp Hội đồng đánh giá kết quả công tác giáo dục quốc phòng – an ninh năm 2010, thành phần gồm: Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh Trung ương, Ban Thư ký và cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương không là thành viên Hội đồng; hoàn thành công tác tổng kết trong quý IV năm 2010;

e) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ, ngành, Bộ Tư lệnh các quân khu báo cáo Thủ tướng Chính phủ (qua Cơ quan giúp việc Ban Thường trực Hội đồng – Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng Tham mưu) kế hoạch tổ chức tổng kết trước ngày 05 tháng 02 năm 2010; kết quả tổng kết trước ngày 10 tháng 10 năm 2010.

4. Kinh phí bảo đảm:

a) Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh Trung ương và quân khu sử dụng ngân sách Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh Trung ương.

b) Các Bộ, ngành Trung ương sử dụng ngân sách của Bộ, ngành.

c) Cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương.

5. Tổ chức thực hiện:

a) Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các quân khu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các Bộ, ngành tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này, bảo đảm công tác tổng kết đạt kết quả thiết thực, tiết kiệm và tổng hợp kết quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Ban Thi đua khen thưởng Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam hướng dẫn khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác giáo dục quốc phòng – an ninh.

c) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bộ Tư lệnh các quân khu, Hội đồng Giáo dục quốc phòng – an ninh các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91;
- Các Đại học: Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP Hồ Chí Minh;
- Các Quân khu: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và BTL Thủ đô Hà Nội;
- Các thành viên HĐGDQP-ANTW;
- Cơ quan Thường trực HĐGDQP-ANTW;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NC (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân