ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2010/CT-UBND | TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 10 năm 2010 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NƯỚC LƯU VỰC HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NAY ĐẾN NĂM 2011 VÀ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
Trong thời gian qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc ngăn ngừa, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng nhiều giải pháp khác nhau vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài. Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vấn đề bức xúc cần phải được tập trung giải quyết, đặc biệt là việc ô nhiễm nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai, hệ thống sông, kênh, rạch của thành phố.
Hiện tượng xả các chất thải không qua xử lý, hoặc chưa xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật còn nhiều; nhiều cơ sở sản xuất có ngành nghề gây ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, giấy, bột giấy, cao su, thuộc da, hóa chất, lương thực, thực phẩm,… nhưng khả năng về xử lý chất thải kém, thường xả thẳng vào nguồn nước các sông, kênh, rạch. Những hoạt động này dù đã được cơ quan chức năng bảo vệ môi trường kiểm tra, thanh tra và xử lý nhưng chưa triệt để, sự giám sát còn thiếu đồng bộ. Công tác quản lý nhà nước trong thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế; chưa kết hợp chặt chẽ việc phát triển kinh tế, đầu tư với bảo vệ môi trường.
Từ những nguyên nhân trên, nhằm từng bước cải thiện chất lượng môi trường sông, kênh, rạch, đặc biệt là hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai trên địa bàn thành phố đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, đáp ứng nguồn cấp nước sạch cho hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở - ban - ngành thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện; lãnh đạo các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan thực hiện ngay các giải pháp cấp bách từ nay đến cuối năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015 như sau:
1. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Giao nhiệm vụ cho Chi cục Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường làm cơ quan đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc phối hợp với các cơ quan Trung ương liên quan, 11 tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (gọi tắt là Đề án sông Đồng Nai); đồng thời chủ động, tham mưu tổ chức điều phối triển khai các nhiệm vụ, dự án bảo vệ môi trường nhằm thực hiện Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố có hiệu quả;
b) Chủ trì, phối hợp các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố, định kỳ 06 tháng tổng hợp báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố;
c) Tăng cường, hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng nước mặt trên địa bàn thành phố, hệ thống quan trắc chất lượng nước thải tự động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; thường xuyên thực hiện chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường nói chung và chất lượng nước sông, kênh, rạch thành phố; làm đầu mối thông tin, chia sẻ dữ liệu với các Sở - ngành liên quan và các tỉnh, thành trên lưu vực sông Đồng Nai, Ủy ban sông Đồng Nai;
d) Chủ trì và phối hợp với các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Ngăn ngừa, ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm nguồn nước một cách triệt để; tổ chức bộ máy nhân sự và trang thiết bị nhằm ứng phó sự cố môi trường và giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường;
đ) Nghiên cứu đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển cơ chế cộng đồng tự quản và giám sát môi trường;
e) Chịu trách nhiệm là cơ quan thường trực, tham mưu toàn diện cho Ủy ban nhân dân thành phố về tình hình triển khai thực hiện Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố; theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện.
2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở - ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện kiểm soát các nguồn thải vào hệ thống kênh thủy lợi, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm;
b) Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành liên quan tuyên truyền, vận động người dân sử dụng đúng và hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp.
3. Giám đốc Sở Công Thương có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân quận - huyện kiểm soát môi trường trong lĩnh vực ngành công thương, các cụm công nghiệp tập trung;
b) Kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đi đôi với hình thành các cụm công nghiệp bảo đảm các điều kiện về xử lý môi trường.
4. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm:
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân quận - huyện tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn thành phố;
b) Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đầu tư hệ thống xử lý nước thải bệnh viện, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân thành phố.
5. Giám đốc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm hành lang an toàn giao thông thủy; việc neo đậu buôn bán của các ghe, tàu trên sông, kênh, rạch trái phép và việc xả thải chất thải xuống sông, kênh, rạch.
6. Giám đốc Công an thành phố có trách nhiệm:
Tăng cường công tác kiểm tra môi trường định kỳ, đột xuất tại các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng; có biện pháp xử lý thật kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.
7. Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố có trách nhiệm:
Đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, dự án đầu tư các hệ thống xử lý nước thải tập trung đô thị; Tăng cường nạo vét, tạo thông thoáng dòng chảy phục vụ tiêu thoát nước của hệ thống kênh, rạch có mức độ ô nhiễm cao; Vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải tập trung Bình Hưng, Bình Hưng Hòa.
8. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:
a) Thực hiện lồng ghép kế hoạch kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản gắn liền với công tác bảo vệ môi trường; chủ trì nghiên cứu cơ chế chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phối hợp, thống nhất với Sở Tài chính trong việc cân đối, bố trí ngân sách vốn nhà nước và các nguồn vốn khác nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố;
b) Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương nghiên cứu, đề xuất việc hạn chế hoặc không cấp phép hoạt động mới đối với những ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nguồn nước của các hệ thống sông, kênh, rạch.
9. Giám đốc Sở Tài chính:
Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác nhau hàng năm và 05 năm để thực hiện các nhiệm vụ, Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố đảm bảo đạt hiệu quả và đúng tiến độ.
10. Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp và Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Sở - ngành liên quan tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở hoạt động trong Khu công nghiệp, Khu chế xuất và Khu công nghệ cao; đặc biệt là việc đấu nối nước thải của các cơ sở sản xuất vào hệ thống xử lý nước thải tập trung; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền quy định;
b) Kiểm tra việc vận hành thường xuyên của Nhà máy xử lý nước thải tập trung đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý thải ra môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền quy định.
11. Giám đốc các Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn: theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của mình xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến việc phát triển các nhiệm vụ thuộc Đề án sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố.
12. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm:
a) Phối hợp với các Sở - ngành liên quan triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Đề án sông Đồng Nai;
b) Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, kiện toàn tổ chức ngành tài nguyên môi trường cấp quận - huyện và phường - xã; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn.
13. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện cần quán triệt công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác bảo vệ môi trường nước sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói riêng vào kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương trong năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015; phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững; giải quyết kịp thời những điểm nóng ô nhiễm môi trường phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương; kiên quyết không buông lỏng công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các sở - ngành, quận - huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này; tổng hợp, báo cáo định kỳ và đề xuất kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho Ủy ban nhân dân thành phố.
14. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác bảo vệ môi trường nước và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 2 Chỉ thị 01/2009/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ môi trường vùng cửa sông và ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 3 Chỉ thị 03/2007/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở trung tâm các huyện, thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 1 Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác bảo vệ môi trường nước và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 2 Chỉ thị 01/2009/CT-UBND tăng cường công tác bảo vệ môi trường vùng cửa sông và ven biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu
- 3 Chỉ thị 03/2007/CT-UBND về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ở trung tâm các huyện, thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu