ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 21/2011/CT-UBND | Nghệ An, ngày 01 tháng 07 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN “NGÀY PHÁP LUẬT” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
Thực hiện Chỉ thị 32-CT/TW ngày 09 tháng 12 năm 2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) và Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, nhân dân; Công văn số 3535/HĐPH ngày 04/10/2010 của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ về việc chỉ đạo triển khai thực hiện “Ngày pháp luật”, ngày 18/10/2010, UBND tỉnh đã có Công văn số 6455/UBND-TH về việc thực hiện thí điểm “Ngày pháp luật”. Các cơ quan, đơn vị được chọn thí điểm đã thực hiện nghiêm túc, đạt được những kết quả, hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, có cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện còn hình thức, hiệu quả chưa cao; chưa tập trung phổ biến các nội dung pháp luật có liên quan trực tiếp đến các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức tôn trọng chấp hành pháp luật của toàn thể cán bộ, nhân dân, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:
1. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” tại cơ quan, đơn vị thuộc ngành, địa phương mình:
1.1. Chủ thể tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật” là cơ quan, đơn vị, địa phương , các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Nghệ An (các Sở, ban, ngành, tổ chức, MTTQ, các đoàn thể cấp tỉnh, các đơn vị, tổ chức trực thuộc; chính quyền cấp huyện, xã và các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc, các tổ chức, đoàn thể cùng cấp; các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, các đơn vị kinh tế...).
“Ngày pháp luật” được tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người sử dụng lao động, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang nhân dân, đoàn viên, hội viên, các tổ chức, đoàn thể và tất cả các tầng lớp nhân dân, trong đó tập trung ưu tiên cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
1.2. Về hình thức triển khai:
Căn cứ vào tình hình cụ thể cũng như điều kiện đặc thù (hoặc kế hoạch công tác), các Sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện chủ động lựa chọn hình thức triển khai “Ngày pháp luật” phù hợp dưới các hình thức sau: Tổ chức học tập, quán triệt văn bản pháp luật tập trung (có báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia giới thiệu về các nội dung pháp luật); sưu tầm tài liệu để tự nghiên cứu (đề cương giới thiệu Luật, văn bản pháp luật, sách, báo, tờ gấp pháp luật...); tổ chức tọa đàm, giao lưu, sân khấu hóa, biểu diễn nghệ thuật, trao đổi thảo luận về các nội dung pháp luật; tổ chức học tập thông qua nghiên cứu tại Tủ sách pháp luật, qua các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép việc phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức nội dung sinh hoạt khác của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là trong các buổi sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hoặc các hình thức khác phù hợp với đơn vị mình với thời lượng và thời gian thích hợp.
1.3. Nội dung thực hiện “Ngày pháp luật”: Cần gắn và phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị thuộc ngành, địa phương, tập trung giới thiệu những văn bản pháp luật mới được Nhà nước ban hành, các văn bản hướng dẫn chỉ đạo có liên quan trực tiếp đến phạm vi quản lý, lĩnh vực hoạt động, công tác của cơ quan, đơn vị, địa phương, hoạt động chuyên môn và đạo đức công vụ nhằm nâng cao ý thức pháp luật, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng nếp sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật trong cán bộ, nhân dân.
1.4. Thời gian tổ chức:
“Ngày pháp luật” được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần vào thứ 2 tuần đầu tiên của tháng; nếu do tính chất công việc chuyên môn không thể tổ chức sinh hoạt được vào thứ 2 tuần đầu tiên của tháng thì tổ chức vào một ngày khác trong tháng, đảm bảo mỗi tháng phải tổ chức thực hiện được một “Ngày pháp luật”.
1.5. Kinh phí tổ chức “Ngày pháp luật” được trích từ nguồn kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật được bố trí hàng năm (theo dự toán được ngân sách nhà nước cấp), kết hợp với nguồn kinh phí hoạt động chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương; việc sử dụng kinh phí cho “Ngày pháp luật” được thực hiện theo các quy định hiện hành.
2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện:
2.1. Đối với các Sở, ban ngành cấp tỉnh:
a) Các đơn vị đã thực hiện thí điểm tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo chương trình, kế hoạch đã xây dựng; các đơn vị bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch, chuẩn bị điều kiện để tổ chức thực hiện ở các cơ quan, đơn vị mình.
b) Sở Tư pháp - cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh có trách nhiệm:
- Tham mưu giúp UBND tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra việc triển khai tổ chức thực hiện “Ngày pháp luật”; định kỳ 6 tháng, năm tổng hợp, báo cáo đánh giá về tình hình, kết quả triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
- Kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện “Ngày pháp luật” và phê bình những cơ quan, đơn vị chấp hành chưa tốt nội dung của Chỉ thị này;
c) Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An và các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp để tuyên truyền về “Ngày pháp luật”. Chú trọng thường xuyên đưa tin, bài giới thiệu về phương pháp, cách làm hay cũng như những tấm gương tốt của tập thể, cá nhân trong việc tuyên truyền và thực hiện “Ngày pháp luật”.
2.2. UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các phòng ban trực thuộc và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc “Ngày pháp luật”.
2.3. Đề nghị các ban của cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức trong phạm vi trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện ở đơn vị, tổ chức mình.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 1696/QĐ-UBND về Kế hoạch thực hiện Ngày pháp luật năm 2013 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 2 Quyết định 1533/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Ngày pháp luật năm 2013 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 3 Chỉ thị 12/2012/CT-UBND về triển khai thực hiện "Ngày pháp luật" trên địa bàn tỉnh Hậu Giang
- 4 Công văn 3535/HĐPH thực hiện “Ngày pháp luật” do Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Chính phủ ban hành
- 5 Chỉ thị 32-CT/TW năm 2003 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân do Ban Bí thư ban hành