THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/2000/CT-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 2000 |
VỀ CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN XUẤT - NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ THỜI KỲ 2001 - 2010
Trong 10 năm qua, lĩnh vực xuất - nhập khẩu đã đạt được nhiều thành tựu lớn và thực hiện được mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 1991 - 2000. Kim ngạch xuất khẩu năm 2000 có khả năng tăng gấp trên 5,6 lần so với năm 1990, đạt mức tăng trưởng bình quân 18,4%/năm, đóng góp tăng trưởng GDP hàng năm, giúp nền kinh tế vượt qua thời kỳ khủng hoảng vào đầu những năm 90. Xuất khẩu đang là đầu ra quan trọng cho nhiều ngành kinh tế, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để chuẩn bị cho thời gian tới, vừa qua tại phiên họp tháng 8 năm 2000, Chính phủ đã thảo luận và góp ý kiến cho Đề án Chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thời kỳ 2001 - 2010 do Bộ Thương mại trình bày. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã họp với các doanh nghiệp trong cả nước bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Chính phủ đánh giá, mặc dù đạt nhiều thành tích, công tác xuất, nhập khẩu, nhất là xuất khẩu vẫn còn không ít tồn tại, chủ yếu do: trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp, sức cạnh tranh của hàng hóa yếu, giá thành sản phẩm cao nhưng chất lượng lại kém; sản xuất chưa bám sát thị trường, chưa tranh thủ được thị trường để khơi thông sản xuất, trong khi thị trường là vấn đề sống còn của công tác xuất khẩu; chính sách, cơ chế xuất, nhập khẩu trong mấy năm gần đây đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực, nhưng chưa thật ổn định; các Bộ, ngành chưa chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.
Để hoàn chỉnh và triển khai Chiến lược phát triển xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ thời kỳ 2001-2010 và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh xuất, nhập khẩu quán triệt những nội dung cơ bản và xúc tiến thực hiện những công việc dưới đây:
a) Cơ cấu xuất khẩu phải được chuyển dịch mạnh theo hướng gia tăng các sản phẩm chế biến, chế tạo, chú trọng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao; bên cạnh đó, phải quan tâm khai thác các mặt hàng chủ yếu sử dụng nguyên, vật liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động mà thị trường trong, cũng như ngoài nước có nhu cầu; đồng thời, phải khai thác mọi nguồn hàng có khả năng xuất khẩu; phấn đấu cân bằng cán cân thưởng mại vào những năm 2009-2010 và xuất siêu vào thời kỳ sau năm 2010.
b) Chú trọng nâng cao giá trị gia công và chất lượng từng sản phẩm xuất khẩu; giảm xuất khẩu hàng chế biến thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu bằng công nghệ mới; giảm gia công, đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nguyên, vật liệu chất lượng cao trong nước với công nghệ mới; cải thiện hệ thống hạ tầng cơ sở nuôi, trồng, sử dụng các loại giống cây, con có sản lượng, chất lượng cao và công nghệ chế biến thích hợp đi đôi với các biện pháp bảo vệ môi trường; phải có quy hoạch vùng nguyên liệu cho từng nhóm sản phẩm; quy trình quản lý sản xuất phải được tổ chức lại một cách khoa học và tiết kiệm nhất; từng bước xây dựng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia cho các loại hàng hóa xuất khấu với nhãn hiệu "sản xuất tại Việt Nam".
c) Sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng được những yêu cầu đa dạng của thị trường thế giới, đặc biệt là yêu cầu về chất lượng, mẫu mã hàng hoá. Mỗi loại hàng hóa phải hình thành được các thị trường chính, chủ lực và tập trung khả năng mở rộng các thị trường này, đồng thời chủ động mở rộng sang các thị trường khác theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ buôn bán; phải có đối sách cụ thể với từng thị trường và từng bước giảm dần việc xuất khẩu qua các thị trường trung gian. Định hướng chung là tận dụng mọi khả năng để duy trì tỷ trọng xuất khẩu hợp lý vào các thị trường đã có ở Châu Á, đặc biệt là thị trường Nhật, đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu trực tiếp vào các thị trường có sức mua lớn như Mỹ, Tây Âu, thâm nhập, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu vào các thị trường Đông Âu, Nga, SNG và khu vực châu Mỹ, châu Phi.
Công tác thị trường, xúc tiến thương mại có ý nghĩa rất quan trọng, phải được triển khai mạnh mẽ nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho xuất khẩu. Các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cần được cụ thể hóa và gắn với hoạt động đối ngoại, tranh thủ ngoại giao hỗ trợ việc ký kết các Hiệp định khung, các thoả thuận và các Hợp đồng dài hạn có giá trị lớn với các quốc gia, các Tổ chức quốc tế, các thị trường lớn để tạo đầu ra ổn định và từ đó có cơ sở cho đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị nội địa hóa, giá trị gia tăng hàng xuất khẩu.
Theo chức năng của mình, các Bộ, ngành, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Các Hiệp hội ngành hàng phải có vai trò tích cực trong việc phối hợp nỗ lực của các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường công tác tìm kiếm thị trường, khách hàng; xây dựng và thỏa thuận các chương trình hành động nhằm bảo vệ, nâng cao uy tín cũng như quyền lợi chung của Hiệp hội, của mỗi thành viên và của quốc gia trong cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã sản xuất được và sản xuất có chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế; tăng cường tiếp cận các thị trường cung ứng công nghệ nguồn và có khả năng đầu tư hiệu quả như Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản.
Các chính sách, cơ chế điều hành nhập khẩu trong giai đoạn này phải được xem xét phù hợp với tiến trình thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Chính phủ ta với các Tổ chức quốc tế, khu vực và các cam kết đa phương, song phương khác.
Các chương trình, dự án xuất khẩu có mục tiêu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đi vào hoạt dộng, được ưu tiên cấp tín dụng nhà nước và vay vốn ngân hàng để thực hiện, được hưởng các ưu đãi về chính sách đầu tư nếu sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chủ động có kế hoạch bố trí các nguồn vốn tín dụng cho các chương trình, dự án sản xuất và xuất khẩu trong thời kỳ 2001 - 2010, không để xây ra tình trạng thiếu nguồn vốn đầu tư cho sản xuất hàng xuất khẩu.
Trước mắt, trong năm 2000 và đầu năm 2001 phải tập trung xử lý các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đã nêu về các lĩnh vực hải quan, dịch vụ, thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng.
Để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, cần nghiên cứu và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dựa trên các nguyên tắc về thuế quan, môi trường, an toàn sức khoẻ và vệ sinh dịch tễ, cũng như các nguyên tắc thỏa thuận buôn bán song phương, hỗ trợ các ngành sản xuất hàng hóa lớn trong nước, nhất là sản xuất nông nghiệp; có cơ chế chống độc quyền, chống gian lận thương mại và kiểm soát việc buôn bán ở các khu vực biên giới.
Yêu cầu Bộ Thương mại và các Bộ, ngành hữu quan trong cuối quý I năm 2001, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các chương trình cụ thể về xuất khẩu và hoàn thiện chính sách nêu trên.
| Nguyễn Mạnh Cầm (Đã ký)
|