Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ TIẾP TỤC THÚC ĐẨY VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 (KHOÁ IX) VỀ KINH TẾ TẬP THỂ

Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và Chương trình hành động của Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định số 94/2002/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2002, các Bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu, thể chế hoá, ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tập thể tiếp tục phát triển. Nhiều mô hình hợp tác xã đã hình thành, hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết còn chưa thật sâu rộng, đầy đủ như yêu cầu của công tác này. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, nội dung một số văn bản chưa phù hợp. Bộ máy quản lý chuyên trách, đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước ở các Bộ, ngành và các địa phương đối với hợp tác xã còn nhiều bất cập. Việc tổ chức, chỉ đạo khắc phục những yếu kém của khu vực kinh tế tập thể chưa tập trung, chưa tạo được chuyển biến căn bản theo yêu cầu của Nghị quyết.

Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về kinh tế tập thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tiếp tục và thường xuyên tuyên truyền, quán triệt sâu rộng trong ngành và địa phương mình để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tính tất yếu khách quan của việc phát triển kinh tế tập thể; xây dựng mô hình và tổng kết, phổ biến nhân điển hình tiên tiến; coi việc phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị mình và phân công trách nhiệm cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

- Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam khẩn trương hoàn thành các công việc đã được phân công tại Quyết định số 94/2002/QĐ-TTg ngày 17 tháng 7 năm 2002. Đồng thời có kế hoạch theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; tổ chức sơ kết thực hiện Nghị quyết, kịp thời bổ sung các giải pháp để tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hoàn chỉnh Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) để trình Quốc hội.

Trong quý IV năm 2003, ban hành văn bản tiêu chí đánh giá phân loại hợp tác xã nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Xây dựng Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã ở các cấp các ngành, các chức danh trong hợp tác xã, thời gian hoàn thành trong quý IV năm 2003.

Trình Chính phủ Chương trình phát triển kinh tế tập thể đến năm 2005 và 2010 vào cuối quý I năm 2004.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ dự án đã được duyệt và kế hoạch đào tạo, tổng hợp và cân đối, phân bổ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, các chức danh trong hợp tác xã, nhất là đối với các hợp tác xã nông nghiệp cho các bộ, ngành, địa phương và Liên minh hợp tác xã Việt Nam.

Chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm nợ tồn đọng của hợp tác xã nông nghiệp trong năm 2003 theo Quyết định số 146/2001/QĐ-TTg ngày 2 tháng 10 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 31/2002/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2002 của Bộ Tài chính. Trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý các khoản nợ đã lên lưới thanh toán của hợp tác xã phi nông nghiệp trong quý IV năm 2003.

Hướng dẫn triển khai áp dụng thuế môn bài phù hợp với từng loại hợp tác xã trong quý IV năm 2003. Hướng dẫn quy chế quản lý tài chính đối với hợp tác xã phi nông nghiệp trong quý II năm 2004.

Trình Chính phủ trong quý I năm 2004 Đề án thành lập và cơ chế sử dụng Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Hướng dẫn cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính đối với hợp tác xã được giao đất không thu tiền và hợp tác xã thuê đất hoặc chuyển sang thuê đất, thời gian hoàn thành vào quý IV năm 2003.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc "dồn điền, đổi thửa" trên nguyên tắc tự nguyện, tự thoả thuận và các bên cùng có lợi, kết hợp tổ chức quy hoạch lại đồng ruộng, sử dụng đất đai có hiệu quả, thời gian hoàn thành vào quý IV năm 2003.

Tổng hợp tình hình và đề xuất hướng xử lý các hợp tác xã nông nghiệp chưa chuyển đổi hoặc giải thể theo Luật hợp tác xã hiện hành để báo cáo Chính phủ trong quý IV năm 2003.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam xây dựng dự thảo Điều lệ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chức danh quản lý hợp tác xã, xã viên và người lao động làm việc cho hợp tác xã; Điều lệ bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với nông dân, người lao động tự do và những người lao động trong hợp tác xã không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trình Chính phủ vào cuối quý IV năm 2003.

Xây dựng Đề án đào tạo nghề, lao động chuyên môn kỹ thuật làm việc ở khu vực kinh tế tập thể, thời gian hoàn thành cuối quý IV năm 2003.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thuỷ sản, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành dự thảo Nghị định về giao đất không thu tiền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã nông nghiệp, thuỷ sản, làm muối để làm mặt bằng xây dựng trụ sở hợp tác xã, sân phơi, nhà kho, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất, trình Chính phủ vào quý II năm 2004.

7. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn về tổ chức và chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 10 của Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 5 tháng 11 năm 2002, Nghị định số 02/CP ngày 2 tháng 1 năm 1997 và Mục 4 của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hoàn thành trong quý IV năm 2003.

8. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng chính sách khuyến khích các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ liên kết với hợp tác xã chuyển giao các thành tựu khoa học, công nghệ mới cho hợp tác xã, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý I năm 2004.

9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng và chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã và các hình thức kinh tế hợp tác vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo quy định tại Nghị quyết số 02/2003/NQ-CP ngày 17 tháng 1 năm 2003 của Chính phủ và các quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay của tổ chức tín dụng.

Tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 57-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 135/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân vào quý I năm 2004. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ để hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân phát triển an toàn, hiệu quả.

Hướng dẫn Quy chế hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã, thời gian hoàn thành trong quý I năm 2004.

10. Liên minh hợp tác xã Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng kết, nhân điển hình tiên tiến, phát động phong trào thi đua trong các hợp tác xã; tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình, dự án đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã thuộc phạm vi Liên minh hợp tác xã Việt Nam phụ trách.

11. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý về kinh tế tập thể ở địa phương để có đủ năng lực tham mưu giúp tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh theo dõi, hướng dẫn thực hiện các chính sách, nghiệp vụ đối với khu vực kinh tế này. Tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ đã được phân công trong chương trình hành động của Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đoàn thể trong quá trình thực hiện và căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương mình để có các giải pháp phù hợp, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển nhanh, vững chắc, hiệu quả.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)