Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 22/2005/CT-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG CÁC GIẢI PHÁP GIẢM CHI PHÍ ĐẦU VÀO, TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP VẬN TẢI HÀNG KHÔNG VÀ HÀNG HẢI

Thời gian qua, mặc dù có nhiều sự kiện xảy ra trên thế giới như sự kiện ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại Mỹ, dịch SARS đầu năm 2003 tại nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành hàng không, hàng hải nói riêng, nhưng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải trong hai ngành hàng không và hàng hải vẫn giữ nhịp độ tăng trưởng đều qua các năm. Các con số thống kê cho thấy các doanh nghiệp trong hai ngành hàng không, hàng hải đã nỗ lực duy trì kinh doanh ổn định và có lợi nhuận. Giai đoạn 2001-2004, các doanh nghiệp vận chuyển hàng không Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 9,7%/năm về hành khách và 18,7% /năm về hàng hoá, bưu kiện. Tổng số tầu vận tải biển năm 2000 chỉ có 336 chiếc các loại đến nay đã tăng lên 1007 chiếc, năm 2004, đội tàu biển Việt Nam chuyên chở được hơn 36 triệu tấn hàng hoá trong đó có 23,1 triệu tấn vận tải nước ngoài.

Có được kết quả đáng kể trên trước hết là do các cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách điều hành vĩ mô phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi và kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp vận tải hàng không, hàng hải, đặc biệt là do sự cố gắng phát huy tính sáng tạo và đưa ra những giải pháp tích cực để thực hiện có hiệu quả kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hàng không, hàng hải. Các doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư đổi mới phương tiện, thiết bị, công nghệ. Đội tàu bay, tàu biển quốc gia được trẻ hoá và tăng thêm về số lượng, phát huy tốt vai trò chủ lực vận tải của ngành, các doanh nghiệp vận tải đã tích cực khai thác, tìm kiếm thị trường và nguồn khách, nguồn hàng mới để nâng cao thị phần vận tải.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hàng không và hàng hải chưa vững chắc, còn chịu nhiều tác động của các yếu tố bên ngoài. Khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế còn yếu, thị phần quốc tế chiếm lĩnh chưa cao, thị trường nội địa nhỏ nhưng cạnh tranh hết sức gay gắt, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vận tải biển. Bên cạnh đó, sức thu hút của các cảng hàng không, cảng biển đối với hoạt động quốc tế còn bị hạn chế do mức phí và lệ phí hàng không, hàng hải còn tương đối cao so với các nước trong khu vực.

Việt Nam đã, đang và sẽ chủ động hội nhập quốc tế để phát huy và tận dụng những ưu thế sẵn có trong thương mại quốc tế như giá nhân công rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, khí hậu đa dạng. Các doanh nghiệp vận tải hàng không và hàng hải cần tăng cường sức cạnh tranh của mình hơn nữa trước những yêu cầu và thách thức của quá trình hội nhập quốc tế và khu vực, để góp phần chủ động, tích cực trong quá trình giao lưu thương mại quốc tế giữa Việt Nam với các nước. Trước mắt, cần nhanh chóng tìm các giải pháp nhằm giảm chi phí đầu vào để góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, hàng hải. Việc xây dựng các giải pháp và lộ trình giảm chi phí đầu vào, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hàng không, hàng hải phải bám sát các nội dung sau đây:

a) Tăng năng suất vận tải, giảm chi phí để giảm giá thành đi đôi với nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm.

b) Phát triển kết cấu hạ tầng, đầu tư các trang thiết bị, phương tiện hiện đại.

c) Nâng cao năng lực quản trị kinh doanh để có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp các nước trong khu vực và quốc tế; giữ vững thị trường vận tải nội địa.

d) Chủ động hội nhập quốc tế, sẵn sàng nắm bắt các cơ hội và thích ứng với những thay đổi khi Việt Nam tham gia các tổ chức kinh tế quốc tế.

đ) Ưu tiên phát triển khoa học công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ, có tri thức hiện đại và làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật mới.

e) Thúc đẩy nhanh chóng việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, bình đẳng để các doanh nghiệp hoạt động.

Để thực hiện thắng lợi các nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Giao thông vận tải:

a) Chỉ đạo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải trong ngành hàng không, hàng hải chủ động xây dựng các giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình phù hợp với đặc điểm, môi trường kinh doanh, điều kiện tài chính và các nguồn lực khác của doanh nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thông thoáng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải trong ngành hàng không, hàng hải cạnh tranh lành mạnh, hoạt động bình đẳng.

c) Trong Quý IV năm 2005, xây dựng xong phương án sắp xếp các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không, hàng hải và dịch vụ hỗ trợ và hoàn thành sắp xếp trong năm 2006 để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng đồng thời giảm giá thành dịch vụ.

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hàng không, hàng hải, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển thị trường, đầu tư đổi mới phương tiện, trang thiết bị và ổn định tổ chức hoạt động.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) ưu tiên bố trí kế hoạch đầu tư đổi mới, nâng cấp kết cấu hạ tầng cho ngành hàng không, hàng hải và mua sắm các phương tiện, trang thiết bị hiện đại.

b) Chủ động tìm kiếm và đàm phán các nguồn vốn ODA để bổ sung cho việc đầu tư, mua sắm của các doanh nghiệp ngành hàng không, hàng hải.

c) Chỉ đạo đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của ngành hàng không, hàng hải.

3. Bộ Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Thương mại xem xét, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách thuế (đặc biệt là thuế xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập các phương tiện vận tải, phụ tùng, vật tư) có liên quan theo kiến nghị hợp lý của các doanh nghiệp và các chính sách khác nhằm khuyến khích phát triển đội tầu bay, tàu biển quốc gia.

b) Tiếp tục thực hiện lộ trình giảm các loại giá, phí, lệ phí hàng không, hàng hải theo hướng xoá bỏ phân biệt giữa hai đối tượng thu Việt Nam và nước ngoài cũng như giữa hoạt động quốc tế và trong nước, bảo đảm hết năm 2005 sẽ không được cao hơn mức bình quân của khu vực ASEAN.

c) Chỉ đạo Tổng cục Hải quan tiến hành rà soát và áp dụng các thủ tục kiểm tra hải quan, đảm bảo đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, tạo điều kiện giải phóng và lưu thông nhanh phương tiện vận tải hàng hoá vận chuyển.

4. Bộ Thương mại:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán, thuê, cho thuê, trao đổi, xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị, vật tư, phụ tùng tầu bay, tàu biển, đặc biệt là đối với các mặt hàng trong nước chưa sản xuất được.

b) Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải cung cấp và cập nhật thông tin về thị trường, giá cả trên mạng thông tin đại chúng; tổ chức rộng rãi việc tư vấn về thị trường, giá cả và những vấn đề có liên quan.

5. Các Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Hàng hải Việt Nam:

a) Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp giảm chi phí đầu vào, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mình phù hợp với đặc điểm, môi trường kinh doanh, tình hình tài chính và các nguồn lực khác của doanh nghiệp. Các giải pháp phải được xây dựng đồng bộ trên các mặt đầu tư, thị trường, thương mại, chính sách sản phẩm, khoa học công nghệ, tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực.

b) Đẩy nhanh quá trình tổ chức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo các đề án đã được phê duyệt, đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất giữa Tổng công ty và các đơn vị thành viên, trên cơ sở đó giảm thiểu các chi phí trung gian, không hiệu quả phát sinh do cơ cấu tổ chức bất hợp lý gây ra. Thực hiện nghiêm túc kế hoạch sắp xếp lại cơ cấu, cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên.

c) Chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, đóng góp ý kiến với các cơ quan nhà nước liên quan (có thể thông qua các hiệp hội chuyên ngành) về những yêu cầu cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành.

d) Chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường và đối tác nước ngoài. Thường xuyên cải tiến kỹ thuật, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện tốt chế độ báo cáo, cung cấp thông tin chuyên ngành cho các cơ quan nhà nước liên quan.

6. Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị này; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ, kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện, kiến nghị biện pháp xử lý.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)