Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 22/CT-BCT

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 75/2014/QH13 NGÀY 24 THÁNG 6 NĂM 2014 VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN TẠI KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIII

Ngày 24 tháng 6 năm 2014, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 75/2014/QH13 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai một số việc cụ thể như sau:

1. Cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nâng cao công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm của thương nhân nước ngoài mua bán hàng hóa tại Việt Nam không tuân thủ các quy định của pháp luật; tập trung kiểm tra tại những địa bàn trọng điểm như vùng Đồng bằng Trung du Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ;

- Phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 hoàn thiện “Chương trình quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại” từ nay đến năm 2020, trình Thủ tướng Chính phủ và tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình;

- Phối hợp với Bộ Tài chính sớm hoàn thiện việc sửa đổi Thông tư liên tịch số 60/2011/TTLT-BTC-BCT-BCA của liên Bộ Tài chính - Công Thương - Công an quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường theo hướng giảm thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa nhập khẩu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh đang bày bán, để tại kho, bến, bãi xuống còn 24 giờ để các đối tượng buôn lậu không thể lợi dụng quay vòng hóa đơn, hợp thức hóa hàng lậu;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân; làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường, hàng hóa, giá cả, nhất là các hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động của đối tượng, từ đó đề ra các phương án đối phó kịp thời với các tình huống xấu có thể xảy ra.

- Tổ chức kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, xác định các mặt hàng tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại để xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát theo từng tuyến, từng khu vực trọng điểm và giải pháp tập trung đấu tranh, ngăn chặn; theo dõi, đôn đốc Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng; tiếp tục hoàn thiện “Đề án chống buôn lậu và sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng”;

- Xem xét xử lý trách nhiệm của các cán bộ Cục Quản lý thị trường trong Hội đồng thi tuyển công chức đã tổ chức kỳ thi tuyển năm 2013.

2. Vụ Thị trường trong nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu;

- Phối hợp với Sở Công Thương Cần Thơ để làm đầu mối phối hợp với các tỉnh có thế mạnh về gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án thành lập Sở Giao dịch gạo tại đây gắn với chợ đầu mối chuyên kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long;

- Thành lập các Đoàn công tác phối hợp với các địa phương nắm bắt hiện tượng người nước ngoài thu mua nông sản, thủy, hải sản diễn ra trên địa bàn để tìm biện pháp xử lý kịp thời, triệt để;

- Tiếp tục nhân rộng mô hình tiểu thủ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp theo Quyết định 23/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”;

- Tiếp tục tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu để kết nối giữa vùng sản xuất nông sản, thủy sản với hệ thống phân phối. Gắn kết việc nguồn hàng ổn định thông qua Chương trình Bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" với đề án “Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển theo quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng;

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn để vừa thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển các hoạt động hỗ trợ và phát triển thị trường;

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về hoạt động của thương nhân, người nước ngoài hoạt động thương mại tại Việt Nam. Nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản, đề xuất các biện pháp, chính sách nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của thương lái;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, thủy sản của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, hộ nuôi trồng trong nước đến các nhà phân phối (hệ thống siêu thị, chuỗi các cửa hàng cung cấp sản phẩm nông sản, thủy sản và các chợ đầu mối, các chợ dân sinh kinh doanh nông sản, thủy sản.

3. Cục Hóa chất chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ rà soát các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón tại Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp cho phù hợp với Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón theo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội thảo quốc gia thực hiện Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón và Chiến lược phát triển nông thôn bền vững tại Thông báo số 245/TB-VPCP ngày 26 tháng 6 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ;

- Đẩy nhanh tiến độ để sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chi tiết Nghị định số 202/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về quản lý phân bón và xây dựng ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, mức sai số cho phép đối với từng loại;

- Hoàn thiện dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khoảng cách an toàn hóa chất trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt.

4. Vụ Công nghiệp nặng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; sửa đổi, bổ sung Danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và nghiên cứu sự cần thiết ban hành Luật khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, trình Chính phủ ban hành vào quý IV năm 2014;

- Tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô.

5. Cục Xuất nhập khẩu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Triển khai các giải pháp phát triển xuất khẩu, định hướng thị trường xuất khẩu hàng nông sản tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 định hướng đến năm 2030; kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu;

- Phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành địa phương liên quan và Hiệp hội Lương Thực Việt Nam triển khai xây dựng Lộ trình thực hiện chủ trương thương nhân có vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa.

6. Cục Điều tiết điện lực chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Xây dựng Thông tư liên tịch về việc xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp điện;

- Hoàn thiện Đề án “Thiết kế tổng thể thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam” đúng theo Kế hoạch đề ra;

- Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành xử lý những vấn đề tại kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

7. Tổng cục Năng lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan

- Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2014 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và có Báo cáo tổng thể trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII;

- Chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng công ty Điện lực miền Nam rà soát, tổng hợp nhu cầu cấp điện 3 pha cho những vùng nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Cà Mau và đưa vào Đề án “Phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020” theo nội dung kết luận tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng đề án tại thành phố Cần Thơ ngày 07 tháng 01 năm 2014;

- Đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển lưới điện, dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng lưới điện nông thôn và cấp điện cho các thôn, buôn, bản chưa có điện;

- Tích cực làm việc với các Tổ chức tín dụng quốc tế và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để vận động nguồn vốn ODA thực hiện đầu tư cho: Chương trình Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2014-2020 (Chương trình) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013; Đề án ‘‘Phát triển lưới điện cung cấp điện cho các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”.

8. Cục Quản lý cạnh tranh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan

Tiếp tục đấu tranh chống phân biệt đối xử đối với hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường ngoài nước.

9. Cục Xúc tiến thương mại chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan

- Tăng cường các hoạt động xúc tiến xuất khẩu thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia theo hướng chú trọng mở rộng thị trường ở các nước đang phát triển, các thị trường tiềm năng và thị trường mới nổi. Tăng cường và tiếp tục đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế, có thị trường và có khả năng cạnh tranh;

- Củng cố, mở rộng hệ thống cơ quan đại diện xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài.

10. Các Vụ Thị trường ngoài nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan

- Tích cực tìm kiếm các thị trường mới cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngoài những thị trường truyền thống;

- Đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương trong khuôn khổ các Hiệp định khu vực mậu dịch tự do, Hiệp định thương mại … nhằm mở cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam;

- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi về tiếp cận thị trường và cắt giảm thuế quan ngày càng sâu hơn của các đối tác để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA;

- Tăng cường chỉ đạo hoạt động của các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhằm cung cấp cho doanh nghiệp các thông tin phân tích, dự báo tình hình thị trường cũng như luật pháp, chính sách và tập quán buôn bán đặc thù của từng khu vực thị trường;

- Xây dựng và ban hành một số Chương trình hành động đẩy mạnh quan hệ hợp tác về thương mại, công nghiệp với các nước/khu vực.

11. Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan

- Nghiên cứu, xây dựng các chính sách đặc thù đối với khu vực biên giới để người dân có việc làm, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực biên giới thu hẹp khoảng cách về đời sống vật chất cũng như tinh thần giữa các vùng miền để người dân không tham gia, tiếp tay cho hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu; xây dựng Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6030/VPCP-KTTH ngày 24 tháng 7 năm 2013;

- Hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 254/2006 ngày 07 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Quyết định số 139/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 12 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 254/2006/QĐ-TTg theo hướng phát huy được ưu thế đặc thù, linh hoạt và hiệu quả của thương mại biên giới, hạn chế kẽ hở để các đối tượng buôn lậu lợi dụng hợp thức hóa hàng nhập lậu.

12. Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan

Khẩn trương xây dựng và trình ban hành quy định về việc tập huấn và cấp giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

13. Vụ Kế hoạch phối hợp với Văn phòng Bộ

Đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này. Các đơn vị gửi báo cáo về Vụ Kế hoạch trước ngày 15 tháng 9 năm 2014, Vụ Kế hoạch tổng hợp báo cáo Bộ trước ngày 20 tháng 9 năm 2014./.

 

 

Nơi Nhận:
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Cục, Vụ, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Đăng MOIT;
- Lưu: VT, KH (2b).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng