Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 23-CT/TW

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 1997

 

CHỈ THỊ

VỀ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN CÔNG TÁC XOÁ ĐÓI, GIẢM NGHÈO

Trong những năm qua, được sự chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền và sự hỗ trợ của các đoàn thể, phong trào xoá đói, giảm nghèo phát triển sâu rộng, động viên được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân, đã giúp cho nhiều hộ vượt qua đói nghèo, một số vươn lên khá giả. Từ thực tiễn phong trào xoá đói, giảm nghèo, Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VII) đã nêu lên một nhiệm vụ có ý nghĩa kinh tế - chính trị, xã hội to lớn: "Tăng thêm diện giàu và đủ ăn, xoá đói, giảm nghèo, nhất là ở các vùng cao, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng trước đây là căn cứ cách mạng". Thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ, phong trào xoá đói, giảm nghèo đang trở thành cuộc vận động lớn, có tác dụng thiết thực làm giảm đáng kể số hộ nghèo đói, giúp cho các hộ còn nghèo, đói giảm bớt được khó khăn.

Tuy nhiên, đến nay cả nước vẫn còn trên 20% số hộ nghèo đói, nhiều vùng còn nghèo, 90% hộ nghèo tập trung chủ yếu ở nông thôn. Sự phân hoá giàu nghèo vẫn đang có xu hướng tăng lên giữa các tầng lớp dân cư và các vùng của đất nước. Ngoài nguyên nhân khách quan do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, hậu quả nặng nề của chiến tranh, thiếu đất canh tác, thiếu vốn, thiếu việc làm, v.v... còn có các nguyên nhân chủ quan như năng lực sản xuất kinh doanh thấp, đông con; có nơi, có lúc các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo thực hiện công tác xoá đói, giảm nghèo, tổ chức khám chữa bệnh, tạo điều kiện học hành cho người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

Đại hội Đảng VIII đề ra mục tiêu "giảm tỷ lệ nghèo, đói trong tổng số hộ của cả nước từ 20-25% hiện nay xuống còn khoảng 10% vào năm 2000, bình quân giảm 300.000 hộ/năm. Trong 2-3 năm đầu của kế hoạch 5 năm, tập trung xoá về cơ bản nạn đói kinh niên". Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Bộ Chính trị yêu cầu các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tốt những nội dung sau đây:

1. Chỉ đạo giải quyết một số vấn đề về chính sách

a) Về vấn đề ruộng đất

Không để nông dân mất ruộng đất canh tác quanh năm phải sống bằng nghề làm mướn. Thực hiện chính sách hạn điền ở cả vùng đồng bằng, trung du, miền núi (với mức hạn điền khác nhau); có chính sách hỗ trợ để những hộ nghèo đã nhượng đất có thể chuộc lại đất canh tác trên cơ sở thoả thuận; vận động cán bộ, viên chức Nhà nước đã mua đất, thuê đất, thuê nông dân lao động chuyển nhượng lại đất cho những người lao động thiếu đất canh tác. Khai hoang, phục hoá tạo thêm quỹ đất. Nơi còn đất khai hoang chưa có chủ thì cấp cho các hộ chưa có hoặc thiếu đất canh tác. Vận động và giúp đỡ các hộ nông dân nghèo đến các vùng kinh tế mới, hoặc hỗ trợ vay vốn mua sắm tư liệu sản xuất, hỗ trợ đào tạo nghề để mở mang ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo điều kiện để họ có việc làm, thu nhập, bảo đảm đời sống.

Phát triển kinh tế trang trại ở trung du, miền núi, khuyến khích phát triển trang trại của người lao động, không phát triển trang trại kiểu tư bản chủ nghĩa của cán bộ.

Việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng công nghiệp, giao thông, đô thị phải trên cơ sở giải quyết việc làm và thu nhập cho nông dân, không được để nông dân bị bần cùng hoá.

Việc giao đất trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phải đảm bảo cho người dân sống được bằng nghề rừng.

b) Phát động sâu, rộng phong trào tiết kiệm. Tiết kiệm trong xây dựng, mua sắm hàng hoá tiêu dùng cao cấp, hội họp, ăn uống... để tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cho công tác xoá đói, giảm nghèo. Mở rộng các hình thức tín dụng cho các hộ nghèo vay vốn với cơ chế phù hợp, thủ tục đơn giản. Vận động nhân dân tiết kiệm trong tiêu dùng, khuyến khích các hình thức tạo vốn do dân tự lập theo từng nhóm nhỏ dưới sự hỗ trợ giúp đỡ của các đoàn thể quần chúng để giúp nhau vốn sản xuất kinh doanh.

c) Có chính sách và cơ chế khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống ở nông thôn, mở mang tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ. Dành một phần quỹ xoá đói, giảm nghèo để hướng dẫn cách làm ăn, dạy nghề thích hợp với từng vùng, từng địa phương. Đưa công nghiệp nhỏ vào nông thôn, trước hết là công nghiệp chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, để tạo thêm việc làm và thu nhập cho các hộ nghèo.

d) Tăng cường hoạt động của thương nghiệp quốc doanh ở thị trường nông thôn, đẩy mạnh xây dựng kinh tế hợp tác và hợp tác xã, thực hiện liên minh kinh tế giữa Nhà nước và nông dân, tổ chức trực tiếp mua sản phẩm của nông dân và bán vật tư, hàng hoá cho nông dân, không để cho tư thương chèn ép, bóc lột nông dân; không thả nổi nông dân cho thị trường tự do, chống đầu cơ, ép giá... gây thiệt hại cho nông dân.

Đổi mới, củng cổ, mở rộng các nông thôn, lâm trường quốc doanh ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để các cơ sở này thực sự trở thành các trung tâm kinh tế - tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, văn hoá, tạo điều kiện để các hộ nông dân nói chung, nhất là nông dân nghèo trở thành những vệ tinh để phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh - quốc phòng trong vùng.

đ) Từng bước thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và cấp học bổng cho con em các hộ nghèo, nhất là con em đồng bào dân tộc ít người, đào tạo, dạy nghề miễn phí, giảm phí tại các cơ sở đào tạo, trung tâm dạy nghề của Nhà nước, đoàn thể, tổ chức xã hội.

e) Thực hiện chính sách miễn, giảm phí khám, chữa bệnh cho người nghèo; từng bước mở rộng hình thức cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo. Các đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp động viên các cơ sở và cán bộ y tế Nhà nước và tư nhân tham gia khám chữa bệnh không lấy tiền của người nghèo.

f) Nhà nước (Trung ương và địa phương) hỗ trợ ngân sách; vận động các tỉnh, thành phố, các vùng giàu, khá hơn, các doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí để xây dựng các công trình công cộng như điện, nước, trường học, trạm xá, đường giao thông, chợ cho các xã nghèo.

2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và triển khai tổ chức thực hiện của Nhà nước.

a) Các cấp uỷ Đảng từ Trung ương tới cơ sở tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức xoá đòi, giảm nghèo là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện định hướng xã hội chủ nghĩa; kế tục và phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc. Trên cơ sở đó tập trung mọi nguồn lực cho xoá đói, giảm nghèo, bao gồm nguồn từ ngân sách Nhà nước, nguồn do dân gây quỹ xoá đói, giảm nghèo và tài trợ quốc tế.

Đảng bộ, chi bộ cơ sở phải là nòng cốt chỉ đạo công tác xoá đói, giảm nghèo, phải nắm cụ thể từng hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ trong từng thời kỳ, phấn đấu không còn gia đình đảng viên đói, nghèo để nêu gương cho quần chúng.

Tỉnh uỷ, thành uỷ cần chỉ đạo sát sao các hoạt động của Ban chỉ đạo xoá đói, giảm nghèo của tỉnh, thành phố; định kỳ nghe Ban chỉ đạo báo cáo và cho chủ trương giải quyết; chương trình xoá đói, giảm nghèo phải được Hội đồng nhân dân đồng cấp thông qua.

b) Chính phủ chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia xoá đói, giảm nghèo thời kỳ 1998 – 2000, lồng ghép các chương trình, dự án kinh tế – xã hội khác với chương trình xoá đói, giảm nghèo, trước mắt tập trung hỗ trợ 1.300 xã nghèo trong cả nước. Phải sử dụng tổng hợp các biện pháp để thực hiện cho được mục tiêu xoá đói, giảm nghèo đến năm 2000 do Nghị quyết Đại hội VIII đề ra; đối với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác có điều kiện phải giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống 5%; đối với miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải giảm tỉ lệ hộ đói nghèo xuống còn 20 – 25%.

Các tỉnh, thành phố phải tổng kết công tác xoá đói, giảm nghèo 5 năm qua (1992 - 1997), nắm chắc địa chỉ các hộ nghèo, xã nghèo; rút kinh nghiệm các mô hình, cách làm tốt, bổ sung cơ chế, chính sách, biện pháp thích hợp; xét duyệt, công nhận những xã đã thoát khỏi nghèo.

c) Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức và đoàn thể cần phát huy tốt vai trò của mình, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền tổ chức thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo; trực tiếp hỗ trợ các thành viên của mình thoát khỏi đói nghèo.

d) Các Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi và các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm định kỳ tính toán lại chuẩn mực đói nghèo để kịp thời kiến nghị, sửa đổi cơ chế, chính sách cho phù hợp; khẩn trương đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo công tác xoá đói, giảm nghèo.

đ) Ban Kinh tế Trung ương có trách nhiệm giúp đỡ Bộ Chính trị theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện chỉ thị này; hàng quý phối hợp với các tỉnh uỷ, thành uỷ, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ Chính trị kết quả thực hiện chương trình quốc gia xóa đói, giảm nghèo.

Các Ban của Đảng theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra quán triệt và thực hiện Chỉ thị này.

Các tỉnh uỷ, thành uỷ cần phân công bộ máy trực tiếp chỉ đạo công tác xoá đói, giảm nghèo.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Lê Khả Phiêu