THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 237-TTg | Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1996 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY
Thi hành Pháp lệnh "Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy", trong thời gian qua, chính quyền các cấp, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và cơ sở đã có nhiều cố gắng để tổ chức thực hiện nên đã hạn chế được sự gia tăng và chữa được nhiều vụ cháy có hiệu quả. Tuy vậy, trong những năm gần đây, nhiều nơi đã để xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiết hại rất nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình trên là do việc quản lý và tổ chức thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) của các cấp, ngành, cơ sở và công dân chưa tốt.
Để chủ động PCCC, góp phần bảo vệ tài sản của Nhà nước, của các tổ chức, tài sản và tính mạng của công dân, đồng thời để thiết thực kỷ niệm 35 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký lệnh công bố Pháp lệnh "Quy định việc quản lý của Nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy" (4/10/1961 - 4/10/1996), Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các đơn vị và các cơ sở phải trực tiếp tổ chức chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC trong phạm vi địa bàn quản lý và thường xuyên rà soát, bổ sung kế hoạch PCCC của địa phương, đơn vị mình. Để thực hiện công tác PCCC có hiệu quả, trước mắt cần tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp cụ thể sau đây:
- Đối với các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế tập trung và các công trình xây dựng phải có kế hoạch và các giải pháp về PCCC, có đường cho xe chữa cháy vào các khu vực để chữa cháy và lấy nước, có hệ thống cấp nước chữa cháy đồng bộ với hệ thống cấp nước sinh hoạt, thành lập các đội PCCC và được bố trí ở những nơi thuận lợi cho công tác này.
- Đối với các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, chợ, nhà cao tầng, trung tâm thương mại, các khu dân cư tập trung, phải có kế hoạch và phương án PCCC cụ thể, tỷ mỉ. Đặc biệt đối với kho xăng dầu, kho bạc, đài phát thanh, bưu chính viễn thông, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, những nơi tập trung đông người và các cơ sở có nhiều chất cháy, chất nổ, chất độc và hàng hoá, trang thiết bị có giá trị cao phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy định an toàn về PCCC; có lực lượng và được trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết; đối với các cơ sở lớn, hoặc cụm cơ sở cần tự đầu tư kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện PCCC cần thiết.
- Các cơ quan có thẩm quyền chỉ duyệt quy hoạch, thiết kế xây dựng, cải tạo, cấp vốn và cấp giấy phép xây dựng khi các bản thiết kế công trình đó đã được cơ quan PCCC chấp thuận về thiết kế và thiết bị PCCC. Cơ quan PCCC lập ra tổ chức tư vấn để giúp thẩm định và duyệt về thiết kế và thiết bị PCCC.
- Các cơ quan có thẩm quyền chỉ cấp giấy phép xuất, nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ phương tiện PCCC, hành nghề tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống PCCC khi đã được cơ quan PCCC có thẩm quyền xác nhận có đủ các điều kiện cần thiết.
2. Các Bộ chức năng thực hiện nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị thiết kế, thi công và cấp phép xây dựng thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, quy định và chế độ thẩm định, duyệt về thiết kế và thiết bị PCCC.
- Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng các thiết kế mẫu và tiêu chuẩn hệ thống điện an toàn PCCC phù hợp với từng loại công trình và có các quy định, hướng dẫn về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện.
- Bộ Nội vụ cùng Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính xây dựng định mức đầu tư kinh phí và trang thiết bị phương tiện PCCC cho các loại công trình; cùng Bộ Thương mại, Tổng cục Hải quan ban hành quy định về quản lý việc xuất, nhập khẩu các loại phương tiện PCCC đảm bảo chất lượng và phù hợp với điều kiện Việt Nam.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Tài chính hàng năm đề xuất trích một khoản kinh phí để đầu tư nâng cấp và hiện đại hoá phương tiện PCCC.
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nội vụ phố hợp và hướng dẫn các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các tiêu chuẩn về an toàn PCCC, trước mắt đối với các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng, kho tàng...
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ xây dựng các bài giảng để giảng dạy, giáo dục những kiến thức cơ bản về PCCC và đưa vào chương trình học phù hợp cho từng cấp đào tạo.
- Bộ Văn hoá - Thông tin, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương có trách nhiệm tuyên truyền và phổ biến những kiến thức cơ bản về PCCC cho toàn dân và nhắc nhở mọi người đề cao trách nhiệm trong công tác PCCC.
- Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tiến hành đợt tổng kiểm tra an toàn PCCC; biểu dương những cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các quy định về PCCC và sử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hoàn chỉnh dự thảo Luật PCCC và các Nghị định hướng dẫn thi hành; biên soạn Điều lệ hoạt động của các đội PCCC nghĩa vụ, dân phòng và Nghị định xử phạt các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC để trình Chính phủ; ban hành quy định và Thông tư hướng dẫn việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ các phương tiện PCCC, hành nghề tư vấn, thiết kế, thi công lắp đặt các trang thiết bị PCCC; xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy và từng bước hiện đại, trước mắt là giai đoạn 1996 - 2000; có kế hoạch đào tạo trong nước và ngoài nước các chuyên gia PCCC giỏi, nhất là các chuyên gia đầu ngành, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.
3. Các Bộ, các ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị cơ sở triển khai ngay các hoạt động và các biện pháp công tác PCCC để quý IV năm 1996 tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 175/CT ngày 31 tháng 5 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về tăng cường công tác PCCC và kỷ niệm 35 năm ban hành Pháp lệnh PCCC đồng thời đề xuất việc khen thưởng cho các đơ vị, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác PCCC 35 năm và 5 năm qua. Bộ Nội vụ giúp Thủ tướng Chính phủ chuẩn bị và tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 175/CT và kỷ niệm 35 năm ban hành Pháp lệnh PCCC vào 4/10/1996.
4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
| Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1 Công điện 967/CĐ-TTg năm 2014 tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Thủ tướng Chính phủ điện
- 2 Chỉ thị 02/2006/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy và chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Công văn về việc tăng cường các biện pháp thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy
- 4 Thông tư liên tịch 03-BXD-BNV/TTLT năm 1989 về chế độ an toàn phòng cháy, chữa cháy, phòng nổ trong xây dựng công trình do Bộ Nội vụ - Bộ Xây dựng cùng ban hành
- 5 Chỉ thị 98-TTg năm 1980 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 02/2006/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác phòng cháy và chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Thông tư liên tịch 03-BXD-BNV/TTLT năm 1989 về chế độ an toàn phòng cháy, chữa cháy, phòng nổ trong xây dựng công trình do Bộ Nội vụ - Bộ Xây dựng cùng ban hành
- 3 Chỉ thị 98-TTg năm 1980 về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Công điện 967/CĐ-TTg năm 2014 tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Thủ tướng Chính phủ điện