BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 24-BYT/CT | Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 1991 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BƯỚU CỔ
Tại Hội nghị Quốc gia phòng chống bướu cổ ngày 6/6/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã có những chỉ thị quan trọng về công tác này. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước đại diện các Bộ Tài chính, Thương Nghiệp, các đoàn thể như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại diện lãnh đạo của 22 Uỷ ban nhân dân các tỉnh miền núi, trung du - nơi có 10 triệu dân cần được phòng chống bệnh bướu cổ - đã tham dự hội nghị quan trọng này và đóng góp nhiều ý kiến quý báu.
Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp Quốc (UNICEF) tại Hà Nội cũng nhiệt tình tham dự hội nghị trên.
Trong kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII, nhiều đại biểu các tỉnh rất quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế, xã hội ở miền núi, trung du, trong đó, có vấn đề bảo vệ và nâng cao sức khỏe đồng bào các dân tộc.
Để Nghị quyết Đại hội VII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về nâng cao kinh tế, xã hội cho miền núi sớm đi vào cuộc sống của nhân dân, Bộ đề nghị các Sở Y tế triển khai ngay những công việc dưới đây:
1. Khảo sát và đánh giá tình hình cụ thể về sức khỏe, bệnh tật của nhân dân. Đặc biệt chú ý đến phụ nữ trong độ tuổi sinh nở, trẻ sơ sinh, trẻ em trong lứa tuổi từ 0- 36 tháng và dưới 5 tuổi mắc bệnh bướu cổ, đần độn.
2. Củng cố và kiện toàn các trạm bướu cổ, nhất thiết không sáp nhập trạm này vào Trung tâm y tế dự phòng tại các tỉnh có toàn bộ lãnh thổ nằm trong vùng có bệnh bướu cổ lưu hành; không tùy ý san sẻ vật tư, kỹ thuật, hoá chất, thuốc men, phương tiện đi lại và trang thiết bị khác đã được quốc tế viện trợ cho chương trình bướu cổ vào các mục đích khác.
3. Tổ chức thực hiện tốt và báo cáo kết quả về việc triển khai Quyết định số 29/BYT-QĐ ngày 18/01/1990 và văn bản số 4134/QLSK ngày 11/7/1991 của Bộ Y tế tại tỉnh mình và gửi về Bộ Y tế (Vụ KH, TCKT, TCLĐ, QLSK) theo định kỳ 3 tháng 1 lần.
4. Tổ chức lồng ghép hoạt động chương trình phòng chống bướu cổ với các chương trình y tế khác, trước hết, với chương trình phòng chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, chống suy dinh dưỡng... (nếu có).
5. Sưu tầm các số liệu lưu trữ của những năm trước để xác định khả năng đầu tư các nguồn kinh phí (Trung ương, tỉnh, huyện trong nước và viện trợ) và đề xuất mức đầu tư cho những năm trước mắt.
6. Tăng cường công tác giáo dục sức khỏe trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp chặt chẽ với ngành giáo dục, văn hoá thông tin... sử dụng ngôn ngữ dân tộc để nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc phòng chống bệnh bướu cổ và mối nguy hại của bệnh này đối với sự phát triển nòi giống các dân tộc.
7. Thật sự quan tâm và có hiệu quả nhằm từng bước nâng cao mức sống và trình độ chuyên môn kỹ thuật, quản lý, hoạt động xã hội của đội ngũ cán bộ y tế, trước hết là cán bộ y tế cơ sở và huyện. Đề xuất với các ngành, các cấp của tỉnh hỗ trợ cho công tác này.
Trên đây là một số công việc cần xúc tiến đồng thời trong thời gian trước mắt, để Nghị quyết Đại hội VII, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị thật sự và sớm đi vào cuộc sống nhân dân, phục vụ lợi ích cấp bách và chính đáng của đồng bào các dân tộc thể hiện cụ thể quan điểm đúng đắn về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.
Nhận được Chỉ thị này, các đồng chí Giám đốc Sở Y tế phải tổ chức việc thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả về Bộ. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề nảy sinh, cần đề xuất, các đồng chí cần báo cáo để Bộ nghiên cứu và hoàn thiện các chủ trương, kế hoạch công tác phòng chống bướu cổ.
| Phạm Song (Đã ký)
|