Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 242-CT

Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC VÀ TỔ CHỨC CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG

Trong thời gian trước mắt, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cần cố gắng làm những việc sau đây:

1. Những chức năng, nhiệm vụ của Viện đã được Ban bí thư và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng vạch rõ trong các văn bản thành lập Viện, Viện cần tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ này.

Viện là cơ quan chủ lực trong công tác nghiên cứu quản lý kinh tế, trực tiếp nghiên cứu hoặc chủ trì tổ chức, phối hợp nghiên cứu chiến lược quản lý kinh tế và các vấn đề quản lý kinh tế liên ngành.

Các vấn đề quản lý kinh tế chuyên ngành do các cơ quan quản lý chuyên ngành nghiên cứu, có sự hướng dẫn, giúp đỡ của Viện. Các Bộ và các tỉnh, thành phố cần có tổ chức nghiên cứu quản lý kinh tế.

2. Cán bộ của Viện cần được tăng cường bằng hai cách: một là, bổ sung cán bộ trong biên chế của Viện; hai là, mở rộng mạng lưới cộng tác viên của Viện.

Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bàn với Ban tổ chức của Chính phủ để có kế hoạch bổ sung biên chế cho Viện, làm việc với Ban tổ chức Trung ương Đảng để đề nghị với Ban bí thư bổ nhiệm thêm phó Viện trưởng đủ phụ trách các lĩnh vực nghiên cứu.

Cán bộ lấy về Viện cần chọn trong số chuyên gia kinh tế đã có thực tiễn công tác, có trình độ đại học trở lên, có khả năng làm công tác nghiên cứu, có phẩm chất tốt, độ tuổi từ 30 đến 45.

Viện cần mở rộng mạng lưới cộng tác viên, huy động cán bộ có trình độ cao về kinh tế và quản lý kinh tế của các ngành, các cấp; có chế độ đãi ngộ thích đáng đối với các cộng tác viên. Kinh phí dùng vào việc này lấy trong quỹ hoạt động khoa học của Viện.

Tuỳ theo khả năng, cán bộ trong biên chế của Viện đều có thể phối hợp tiến hành cả ba loại hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và tham gia chỉ đạo những vấn đề làm thử.

3. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế được Hội đồng bộ trưởng uỷ nhiệm trực tiếp chỉ đạo Trường quản lý kinh tế Trung ương.

4. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế cần chuẩn bị thật tốt để làm việc với các cơ quan hữu quan của Liên Xô, kiểm điểm việc thực hiện Hiệp định đã ký giữa hai Chính phủ về việc Liên xô giúp bồi dưỡng cán bộ cao cấp và trung cấp của ta về quản lý kinh tế trong thời gian qua. Việc chọn cán bộ cao cấp sang học ở Liên Xô cần chặt chẽ, bảo đảm người được cử đi học có đủ kiến thức để tiếp thụ tốt các bài giảng. Trong chương trình mỗi lớp bồi dưỡng, nên tăng thêm thời gian đi khảo sát thực tế.

Viện cần xem xét, cân nhắc kỹ chủ trương, kế hoạch và chương trình mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý kinh tế cho cán bộ huyện và trình Ban bí thư, Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Phần chương trình nhờ giáo sư Liên xô giảng cần được xác định cho thiết thực, thích hợp. Phần chương trình do ta tự giảng dạy là rất quan trọng, cần được chuẩn bị thật chu đáo.

5. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương được phép đặt quan hệ hợp tác với các cơ quan tương ứng của Hội đồng tương trợ kinh tế, với Liên Xô và các nước anh em khác, chú ý đặt quan hệ với các Trung tâm nghiên cứu quản lý kinh tế của Cộng hoà Dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Hung-ga-ri, Bun-ga-ri.

6. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cần khẩn trương nghiên cứu và sớm hoàn chỉnh đề án về đổi mới hệ thống quản lý kinh tế, trình Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng trong quý I năm 1983.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)