Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25/2003/CT-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2003

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH PHÁP LỆNH PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM

Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đã được ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 3 năm 2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2003. Để kịp thời tổ chức triển khai thi hành Pháp lệnh nhằm ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ tệ nạn mại dâm, góp phần củng cố chuẩn mực xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Công an, Y tế, Văn hóa - Thông tin và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Nghị định theo thẩm quyền.

b) Phối hợp với các Bộ: Công an, Y tế, Văn hoá - Thông tin, Thương mại, Tổng cục Du lịch và các cơ quan liên quan sửa đổi hoặc bổ sung các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh các ngành nghề dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm; xây dựng cơ chế phối hợp để thường xuyên kiểm tra và đấu tranh phòng, chống tội phạm mại dâm.

c) Tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình phòng, chống mại dâm có hiệu quả; chỉ đạo các địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội (dạy nghề, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo...), góp phần phòng ngừa tệ nạn mại dâm phát sinh, phát triển; giúp người mại dâm hoàn lương; kiện toàn tổ chức và tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan chuyên trách về phòng, chống mại dâm.

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thương mại, Y tế, Văn hoá - Thông tin, Tổng cục Du lịch, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức phát động "Tháng hành động triển khai Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm" vào tháng 12 năm 2003.

2. Bộ Công an:

a) Chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường công tác điều tra cơ bản về tệ nạn mại dâm; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể phát động phong trào quần chúng thực hiện các biện pháp phòng, chống tệ nạn mại dâm từ cơ sở.

b) Tăng cường công tác đấu tranh, triệt phá, truy quét các đường dây, ổ nhóm tổ chức, môi giới mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em để mại dâm; xoá bỏ các tụ điểm mại dâm; chỉ đạo công an cấp xã, cấp huyện giúp Chủ tịch Uỷ ban nhân cùng cấp trong việc lập hồ sơ đưa các đối tượng mại dâm vào cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định của Pháp lệnh.

3. Bộ Văn hóa - Thông tin chỉ đạo các cơ quan đơn vị thông tin, báo chí, văn hóa nghệ thuật tuyên truyền rộng rãi về mục đích và nội dung của Pháp lệnh, các biện pháp xử lý hành vi mại dâm và liên quan đến mại dâm theo quy định của pháp luật. Tăng cường quản lý văn hoá phẩm, xử lý nghiêm các hành vi tuyên truyền, lưu hành băng, đĩa, tranh ảnh, phim đồi trụy.

4. Bộ Y tế nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ xoa bóp, tắm hơi; tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng tài liệu và tư vấn về tình dục an toàn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho người mại dâm trong các cơ sở chữa bệnh.

5. Bộ Tư pháp có trách nhiệm biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến về Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và có kế hoạch phổ biến nội dung Pháp lệnh cho các tổ chức pháp chế thuộc các Bộ, ngành ở Trung ương và Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tuyên truyền rộng rãi trong xã hội.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm trong học sinh, sinh viên, học viên nhằm nâng cao nhận thức, tích cực tham gia công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn mại dâm. Nghiên cứu xây dựng và đưa Chương trình giáo dục về giới trong trường học.

7. Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương các xã biên giới và lực lượng công an tăng cường ngăn chặn tệ nạn mại dâm trên tuyến biên giới; phát hiện và triệt phá các đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

8. Bộ Tài chính đảm bảo và hướng dẫn việc sử dụng kinh phí thực hiện công tác này trong nhiệm vụ chi thường xuyên của các Bộ, ngành và các địa phương.

9. Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là những địa phương có tệ nạn mại dâm phát triển, triển khai tuyên truyền, phổ biến nội dung của Pháp lệnh và tổ chức đánh giá tình hình tệ nạn mại dâm, có phương án và tổ chức phòng chống cụ thể; tổ chức quản lý, giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người mại dâm và những người có hành vi liên quan đến mại dâm theo quy định của pháp luật; có biện pháp xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm để tệ nạn mại dâm xảy ra trên địa bàn.

10. Đề nghị Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận (Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn...) chỉ đạo các tổ chức các cấp tham gia tuyên truyền phổ biến rộng rãi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm đến mọi tầng lớp dân cư, làm cho mọi người hiểu đúng nội dung của Pháp lệnh; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng xã, phường, cơ quan, đơn vị lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Vận động toàn dân lên án, phát hiện, tố giác những vi phạm liên quan đến mại dâm, kết hợp giáo dục giúp đỡ những người mại dâm để họ hoàn hương.

11. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Hàng năm tổng kết việc thực hiện chỉ thị và báo cáo Thủ tướng Chính phủ thông qua Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)