Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2005/CT-UB

Hà Nội, ngày 21 tháng 11 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 108/2005/NĐ-CP, NGÀY 19/8/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 51/CP NGÀY 10/5/1997 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐĂNG KÝ VÀ QUẢN LÝ HỘ KHẨU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Để thực hiện có hiệu quả Nghị định số 108/2005NĐ-CP, ngày 19/8/2005 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/CP Thông tư số 11/2005/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 51/CP về đăng ký và quản lý hộ khẩu, UBND Thành phố Chỉ thị:

1. Giao Công an Thành phố: Thực hiện nghiêm Điện mật số 157 ngày 02/11/2005 của Tổng cục Cảnh sát nhân dân về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 108/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 51/CP của Chính Phủ nhằm đảm bảo quyền lợi của công dân về đăng ký và quản lý hộ khẩu trên địa bàn Thành phố.

- Triển khai thực hiện Nghị định 108/NĐ-CP của Chính phủ phải đạt được các mục tiêu: Quản lý xã hội tốt hơn, tạo môi trường thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời phải quán triệt tinh thần cải cách hành chính của Chính phủ trong công tác đăng ký và quản lý hộ khẩu, nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên cần có biện pháp quản lý chặt chẽ, nhằm hạn chế đối tượng hình sự, đối tượng TNXH ở tỉnh ngoài vào Hà Nội.

- Phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và cơ quan liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quy định điều kiện, tiêu chuẩn và những vấn đề liên quan đến việc đăng ký và quản lý hộ khẩu trên địa bàn Thành phố (chú ý đến các quy định nhằm vận dụng phù hợp với thực tế và tương xứng với quy mô phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội để đảm bảo kiểm soát và điều tiết được biến động về dân cư, nhất là đối với số người tỉnh ngoài di dịch cư tự do vào Thành phố), trình UBND Thành phố xem xét, quyết định.

- Chỉ đạo Công an các cấp chủ động bố trí địa điểm, cán bộ có chuyên môn nghiệp vụ tiếp công dân đến làm thủ tục đăng ký hộ khẩu; vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật với thực tiễn của Thủ đô; quá trình thực hiện phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Tham mưu, giúp UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc Nghị định 108/2005/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 11/2005/TT-BCA của Bộ Công an hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 51/CP về đăng ký và quản lý hộ khẩu trên địa bàn.

- Tập hợp danh sách những trường hợp đặc biệt theo quy định tại Khoản 5, Điều 12, Nghị định 108/2005/NĐ-CP của chính phủ báo cáo UBND Thành phố phê duyệt trước khi giao Công an Thành phố tiến hành các thủ tục giải quyết theo quy định.

2. Sở Quy hoạch - kiến trúc, Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất có trách nhiệm: Thông báo cụ thể mốc giới quy hoạch, thời gian phải di dời, giải phóng mặt bằng cho UBND các quận, huyện, Công an các cấp và các ngành liên quan để phối hợp thực hiện việc đăng ký, quản lý hộ khẩu tại các địa phương.

- Chỉ đạo Ban quản lý dự án các khu chung cư, khu tái định cư, khu đô thị mới đã có người dân đến ở sớm bàn giao cho UBND các quận, huyện để thành lập tổ dân phố, dân phòng nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước ở cơ sở. Phối hợp với Công an Thành phố thống nhất các loại giấy tờ cần thiết phục vụ nhân dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu ở các khu vực này.

3. Sở Lao động thương binh và xã hội có trách nhiệm: Quản lý chặt chẽ số lao động tỉnh ngoài, số người làm việc theo chế độ hợp đồng trong các cơ quan doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có sử dụng người ngoại tỉnh, các hộ gia đình có nhà cho thuê trọ, có biện pháp phòng ngừa tình trạng ký hợp đồng lao động để hợp thức việc đăng ký hộ khẩu.

4. Sở Tư pháp: Chỉ đạo phòng Tư pháp tham mưu giúp UBND các quận, huyện quản lý chặt chẽ công tác đăng ký hộ tịch trên địa bàn các quận, huyện.

- Phối hợp với Công an Thành phố có biện pháp quản lý tốt công tác đăng ký hộ tịch, hộ khẩu theo quy định của pháp luật; phối hợp xem xét và đề xuất với UBND Thành phố nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến tình hình dân cư trên địa bàn Thành phố.

5. UBND các quận, huyện: Chỉ đạo chính quyền các xã phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân tự giác chấp hành các quy định về đăng ký, quản lý hộ khẩu, hộ tịch trên địa bàn.

- Duy trì hoạt động tại các điểm khai báo tạm trú, tạm vắng; chỉ đạo chính quyền các địa phương đôn đốc, hướng dẫn các hộ gia đình chấp hành đầy đủ các quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng; tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tự giác đến các điểm khai báo tạm trú, tạm vắng ở các cụm dân cư, thôn xóm, các khu vực nhà chung cư, khu đô thị mới.

- Chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn xác nhận cho công dân (kể cả người tỉnh ngoài) mua bán, cho, tặng, thừa kế nhà, đất trên địa bàn về tình trạng nhà ở, đất ở đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp, không lấn chiếm, không nằm trong khu vực quy hoạch đã có thông báo thời gian di dời của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhằm phục vụ công tác đăng ký hộ khẩu cho số nhân khẩu KT2, KT3 được thuận lợi.

 

 

T/M UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Triệu