Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 25/2006/CT-UBND

Buôn Ma Thuột, ngày 18 tháng 12 năm 2006

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BẢO TỒN, PHÁT HUY DI SẢN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC Ở ĐĂK LĂK

Di sản văn hóa (gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể) là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và ở Đăk Lăk nói riêng, là cốt lõi của bản sắc văn hóa, cơ sở để sáng tạo những giá trị tinh thần mới và giao lưu văn hóa. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, Chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa của các dân tộc ở Đăk Lăk, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, tỉnh ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Chỉ thị 08/CT-UB ngày 21-4-1994 "Về bảo tồn văn hóa cồng chiêng", Chỉ thị số 16/CT-UB ngày 12-5-1998 "Về tăng cường bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh"; Quyết định số 2575/QĐ-UB ngày 02-11-1998 ban hành "Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội". Các văn bản này đã và đang góp phần tích cực vào việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc trong tỉnh.

Tuy nhiên, từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành (6-2001), các văn bản trên đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Vì vậy, công tác quản lý Nhà nước về Di sản văn hóa ở Đăk Lăk chưa đạt được hiệu quả cao.

Để bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa các dân tộc ở Đăk Lăk trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân thực hiện Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 92/2002/NĐ-CP ngày 11-11-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa; có chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

2. Giao cho Sở Văn hóa Thông tin có trách nhiệm thống kê những di tích văn hóa trên địa bàn tỉnh đang bị hư hỏng, xuống cấp; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, lập dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích văn hóa, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Kinh phí dành cho việc thực hiện bảo tồn di sản văn hóa dân tộc hàng năm được bố trí từ ngân sách sự nghiệp của tỉnh.

Tổ chức điều tra, phát hiện, thống kê, phân loại và lập hồ sơ Di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; quy hoạch, lựa chọn phân loại các di tích danh thắng và lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận; có biện pháp phát huy các di sản văn hóa, nhất là văn hóa nhà dài, văn hóa cồng chiêng, văn hóa sử thi, văn hóa voi, văn hóa lễ hội, dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; đề nghị khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

3. Hàng năm, nhân ngày 23/11, "Ngày Di sản văn hóa Việt Nam", tỉnh tổ chức các hoạt động văn hóa, nhằm góp phần bảo tồn Di sản văn hóa các dân tộc ở Đăk Lăk.

Sở Văn hóa Thông tin chủ trì phối hợp với các Sở: Tài chính, Khoa học & Công nghệ, Kế hoạch & Đầu tư, Thương mại & Du lịch thực hiện công trình Địa chí Đăk Lăk theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh.

Sở Văn hóa - Thông tin phối hợp với Sở Thương mại & Du lịch có kế hoạch, khai thác hiệu quả các Di sản văn hóa các dân tộc ở Đăk Lăk phục vụ du lịch, đồng thời thông qua hoạt động du lịch góp phần bảo tồn, giữ gìn, tôn tạo và phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

4. Báo Đăk Lăk, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí ở địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh có kế hoạch, tổ chức tuyên truyền sự nghiệp bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa các dân tộc Đăk Lăk, biểu dương gương người tốt việc tốt trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

5. Sở Văn hóa Thông tin, Sở Thương mại & Du lịch, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Cục Hải quan, Chi cục Thuế có kế hoạch phối hợp, chỉ đạo, kiểm tra nhằm ngăn chặn các hành vi chiếm đoạt trái phép, làm sai lệch giá trị di sản văn hóa, hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; đào bới trái phép địa điểm khảo cổ, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; mua bán, trao đổi trái phép bảo vật, cổ vật và di vật văn hóa thuộc di tích; lợi dụng việc bảo vệ di tích, di sản văn hóa để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.

Yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện, đồng thời định kỳ (quý, 6 tháng, năm) hoặc đột xuất báo cáo kết quả về Sở Văn hóa Thông tin (17 Phan Bội Châu, Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk). Sở Văn hóa Thông tin có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo, đề xuất, kiến nghị trình UBND tỉnh để chỉ đạo kịp thời.

 

 

Nơi nhận:
- Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa Thông tin);
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- TT TU, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- UBMT TQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các Sở, Ban, ngành, đoàn thể;
- Các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh;
- Các Lực lượng vũ trang của tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, PVP UBND tỉnh;
- Báo Dak Lak - Đài Phát thanh truyền hình tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu VT, VX, TH. (100b)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Mai Hoa Niê KDăm