ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 5 năm 1978 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THANH LÝ, THANH TOÁN TÀI SẢN CỦA CÁC NHÀ TƯ SẢN THƯƠNG NGHIỆP CHUYỂN ĐI SẢN XUẤT
Tiếp theo chỉ thị số 20/CT-UB ngày 8-5-1978, Ủy ban Nhân dân thành phố hướng dẫn thêm về việc thanh lý, thanh toán tài sản của các nhà tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất như sau:
1. Đối với cửa hàng, kho tàng và phương tiện kinh doanh của các nhà tư sản thương nghiệp
Ngoài phần trưng mua vật tư hàng hóa của các nhà tư sản thương nghiệp theo nguyên tắc tính giá được quy định trong quyết định số 212-CP của Hội đồng Chính phủ, Nhà nước còn trưng mua cửa hàng, kho tàng và phương tiện kinh doanh của họ để mở rộng mạng lưới thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, theo nguyên tắc định giá được quy định trong chỉ thị số 93/CP của Hội đồng Chính phủ về chính sách kiểm kê, định giá trong công tư hợp doanh. Các chủ hộ có trách nhiệm giữ nguyên cửa hàng, kho tàng và các phương tiện kinh doanh, giao lại cho ngành hàng được ủy nhiệm đến tiếp quản, để xây dựng thành cơ sở của hệ thống thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, tuyệt đối không được tháo gỡ, di chuyển hoặc bán cho người khác.
2. Đối với nhà ở của các nhà tư sản thương nghiệp
Nhà nước thống nhất quản lý nhà ở của các nhà tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất, để bố trí chỗ ở và dùng làm cơ sở phúc lợi công cộng cho nhân dân lao động.
Nếu là nhà ở sở hữu hợp pháp của họ, thì Nhà nước sẽ mua lại tùy theo giá trị sử dụng còn lại, công dụng hữu ích và vị trí của ngôi nhà (có văn bản hướng dẫn riêng).
Chủ hộ có trách nhiệm bảo vệ nhà đang ở, không được tháo gỡ các thiết bị gắn liền với nhà và trang trí nội thất. Những nhà tạm, không nằm trong thiết kế của ngôi nhà có thể tháo gỡ để lấy vật liệu làm nhà ở nơi đến sản xuất, nhưng phải xin phép chính quyền địa phương và không được làm ảnh hưởng đến cấu trúc của ngôi nhà.
3. Đối với tư liệu sinh hoạt của các nhà tư sản thương nghiệp
Nhà nước không trưng mua. Khi chuyển đi sản xuất ở nơi khác, họ được mang theo những tư liệu sinh hoạt cần thiết đủ dùng (trong đó nếu có thứ nào đó chưa chuyển đi ngay được có lý do chính đáng, thì có thể gửi lại cho Nhà nước hoặc người thân, nhưng phải được phường, xã chứng nhận). Đối với những tư liệu sinh hoạt còn lại mà nhà tư sản thương nghiệp không thể mang theo hết được, dứt khoát không cho họ bán ra thị trường dưới bất cứ hình thức nào, vì nếu để như vậy sẽ tạo điều kiện cho chợ trời tái phát. Để giúp họ có thêm vốn sản xuất, thêm tiền xây dựng cơ sở mới, Nhà nước giúp họ thanh lý, thanh toán các tư liệu sinh hoạt theo nguyên tắc kinh doanh đồ cũ. Sở Thương nghiệp thành phố có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức thu mua, quản lý và phân phối tốt số hàng hóa này.
Việc thanh lý, thanh toán các tư liệu sinh hoạt của các nhà tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất, cần chia làm 2 loại như sau:
a) Đồ dùng thông dụng: là những thiết bị, đồ dùng, đồ trang trí nội thất như vô tuyến truyền hình, máy may, tủ lạnh, máy thu thanh, cassette, máy giặt, bếp gaz, bàn ghế, tủ, giường, sa-lông, kệ, v.v…
b) Đồ dùng thuộc loại công trình mỹ thuật, nghệ thuật như đồ cổ trang trí có giá trị lịch sử, tranh sơn mài, điêu khắc, đồi mồi, đồ ngà, v.v…
Nguyên tắc tính giá, thanh lý, thanh toán các tư liệu sinh hoạt thông dụng là lấy giá bán lẻ chỉ đạo hiện hành của Nhà nước nhân với tỷ lệ phẩm chất còn lại, trừ đi 10% thuế và 10% chi phí lưu thông thành giá mua trả cho chủ hộ.
Ví dụ: Quạt bàn Sanyo loại cánh nhựa 30 phân, tỷ lệ giá trị sử dụng còn lại là 70% mà giá bán lẻ chỉ đạo của Nhà nước đối với loại quạt này còn mới hoàn toàn là 105đ/chiếc thì ta sẽ tính như sau:
đ50
- Trừ đi 10% thuế và 10% chi phí lưu thông tính trên phần giá trị sử dụng còn lại của chiếc quạt này là:
đ35 + 7đ35 = 14đ70
- Ra giá mua trả cho chủ hộ là: 73đ50 – 14đ70 = 58đ80
Riêng đối với 4 loại hàng: tivi, tủ lạnh, máy may, điều hòa nhiệt độ là loại hàng vừa qua Nhà nước chủ động điều chỉnh giá lẻ lên để điều tiết tiêu dùng, nên giá đó cao, do đó cần phải trừ thêm từ 10 đến 20%.
Với công thức tính toán trên đây, nhìn chung giá thanh lý, thanh toán tư liệu sinh hoạt cao hơn khoảng 30% so với giá trưng mua vật tư, hàng hóa của các nhà tư sản thương nghiệp, Ủy ban Vật giá thành phố và Sở Thương nghiệp căn cứ vào nguyên tắc tính giá này sẽ hướng dẫn giá cụ thể từng mặt hàng.
Còn loại tư liệu sinh hoạt thuộc công trình mỹ thuật thì phải xem xét thận trọng, tham khảo ý kiến của những người có trình độ am hiểu trị giá của sản phẩm mà xác định cụ thể.
Toàn bộ trị giá những tài sản nói trên của các nhà tư sản thương nghiệp, sau khi trừ thuế và các khoản nợ (nếu có), được chuyển vào tài khoản tiền gửi Ngân hàng và được hưởng lãi theo quy định. Khi chuyển đi sản xuất ở nơi khác, họ được rút một phần tiền mặt, không quá 2.000đ/hộ để trang trải nhu cầu di chuyển và làm nhà ở nơi mới đến. Số tiền còn lại sẽ chuyển đến chi nhánh Ngân hàng nơi họ đến và được rút ra để đưa vào sản xuất theo kế hoạch và theo thủ tục quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Tất cả những tài sản nói trên phải được thống nhất quản lý để đảm bảo phân phối sử dụng theo đúng nguyên tắc, chính sách của Nhà nước, nghiêm cấm mọi việc sử dụng tùy tiện, phải tổ chức hạch toán chặt chẽ và bảo quản chu đáo, không được để hư hỏng, mất mát.
Ban Chỉ đạo quận, huyện cần mời các chủ hộ lại để giải thích cho họ rõ chính sách của Nhà nước, giúp các nhà tư sản thương nghiệp thanh lý, thanh toán tài sản chuyển đi sản xuất. Trên cơ sở đó, phát cho họ tờ khai cả 3 phần: nhà ở, cửa hàng, kho tàng, phương tiện kinh doanh và tư liệu sinh hoạt để họ ghi cụ thể cả về số lượng và chất lượng cùng giá mua ban đầu của từng thứ, đồng thời ghi rõ danh mục mặt hàng tư liệu sinh hoạt kiến nghị được đem theo để dùng ở nơi mới. Tờ khai đó phải làm thành 7 bản:
1 bản chủ hộ giữ,
1 Phòng Thuế quận,
1 Phòng Nhà đất quận,
1 Công ty Tổng hợp quận,
1 gửi Ban Chỉ đạo quận,
1 gửi Phòng Vật giá quận,
1 gửi Ngân hàng quận.
Ban Thanh lý, thanh toán tài sản của tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất của quận, huyện căn cứ vào đó cử đoàn cán bộ bao gồm các ngành có liên quan như nhà đất, thương nghiệp, vật giá, ngân hàng cùng đến thẩm tra, đối chiếu với tờ khai của chủ hộ sau ngày 23-3-1978 (phần tư liệu sinh hoạt), nếu thấy đúng thì một mặt giao cho các bộ phận có trách nhiệm tính giá thành tiền phải thanh toán cho chủ hộ, mặt khác có thể cho cơ quan quản lý nhà đất và thương nghiệp vay tiền của Ngân hàng ứng trước khoảng 1/3 số tiền phải thanh toán cho chủ hộ (cũng nằm trong khoản tiền mặt không quá 2.000đ/hộ) để cho họ có thể chuyển đi sản xuất ngay, không cần phải chờ thanh toán xong mới đi.
Những tài sản trên đây, trong khi chủ hộ chưa di chuyển cả gia đình đến nơi mới thì vẫn giao cho người nhà chủ hộ giữ gìn, bảo quản và chịu trách nhiệm trước chính quyền địa phương; nếu chủ hộ không còn người ở lại thì quận phải cử người đủ tin cẩn đến coi giữ.
Các phường phải huy động lực lượng quần chúng theo dõi chặt chẽ, nếu phát hiện thấy hiện tượng tháo gỡ, tẩu tán đồ dùng trong nhà tư sản thương nghiệp ra ngoài, phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý cho nghiêm. Nếu không, sẽ chỉ còn là những khu nhà tan hoang, phải tốn kém không biết bao nhiêu nữa mới có thể sử dụng được.
Khâu quan trọng trong công tác này là xác định tỷ lệ giá trị sử dụng còn lại cho đúng. Muốn vậy, phải chọn những cán bộ có kiến thức thương phẩm, có ý thức công tâm theo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước, không để sơ hở làm lợi cho tư sản, nhưng cũng không đánh giá sai giá trị tư liệu của họ xuống. Chủ hộ là người đã sử dụng những đồ dùng này từ lâu, tất nhiên biết rõ tính năng, phẩm chất và giá trị sử dụng còn lại, vì vậy phải chú ý nghiên cứu ý kiến của họ. Gặp trường hợp có sự bất đồng giữa tổ thanh lý, thanh toán với chủ hộ thì Ban Chỉ đạo quận cần tập hợp số người có đủ trình độ hiểu biết chuyên môn đến giám định và kết luận tại chỗ cho chính xác.
Nhận được chỉ thị này, các Ban Chỉ đạo quận cần nghiên cứu kỹ, chỉ đạo chặt, làm cho cán bộ các ngành, các cấp trong địa phương nhận rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thanh lý, thanh toán tư sản của các nhà tư sản thương nghiệp chuyển đi sản xuất để nghiêm chỉnh thực hiện cho tốt. Trong quá trình thực hiện, có gì trở ngại, mắc mứu, cần phải phản ảnh ngay để Ủy ban Nhân dân thành phố kịp thời giải quyết tiếp.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1 Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 3 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 1 Quyết định 5985/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý đô thị ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2 Quyết định 4340/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh