Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 25/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 6 tháng 7 năm 1987

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TƯ NHÂN KINH DOANH THƯƠNG NGHIỆP, ĂN UỐNG DỊCH VỤ

Mấy năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo thực hiện nghị định 119/CP ngày 9 tháng 4 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ và chỉ thị 260/CT ngày 6 tháng 1 năm 1982 của Hội đồng Bộ trưởng về đăng ký kinh doanh đối với tư nhân kinh doanh thương nghiệp – ăn uống – dịch vụ. Tuy có tiến hành khẩn trương và tập trung lúc đầu, nhưng việc xét cấp giấy phép quá chậm, công tác kiểm tra, kiểm soát chưa thường xuyên nên không kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm điều lệ đăng ký kinh doanh. Việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh của tư nhân bị buông lơi, người kinh doanh không tôn trọng luật pháp.

Nhằm lập lại trật tự kinh doanh trên thị trường thành phố, mặt khác để phát huy hiệu lực quản lý Nhà nước đối với kinh doanh tư nhân và tạo điều kiện cho các hộ tư nhân kinh doanh đúng luật pháp, đúng theo các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với tư nhân kinh doanh thương nghiệp, ăn uống, dịch vụ với những nội dung sau đây:

1) Tổ chức cho tất cả những người đang kinh doanh thương nghiệp – ăn uống – dịch vụ, dù kinh doanh tạm thời hay lâu dài, cố định hay lưu động, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp mà chưa đăng ký kinh doanh và chưa được cấp giấy phép, được tiếp tục đăng ký xin phép kinh doanh để Nhà nước xét và cấp giấy phép.

Kể từ nay, nếu ai hoạt động kinh doanh thương nghiệp – ăn uống – dịch vụ mà không khai trình đăng ký xin phép kinh doanh và được Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh đều thuộc diện kinh doanh trái phép, sẽ bị xử lý theo pháp luật hiện hành. Trường hợp đã bị xử lý hành chánh rồi mà còn vi phạm sẽ bị xử lý theo luật hình sự.

2) Việc tổ chức đăng ký lần này chỉ tập trung các hộ kinh doanh thương nghiệp – ăn uống – dịch vụ. Các ngành khác như sản xuất tiểu thủ công nghiệp, y tế, giao thông vận tải, xây dựng… thì chưa tiến hành trong đợt này mà chỉ quản lý như hiện nay đang làm.

3) Những hộ đã đăng ký và đã được cấp giấy phép trước đây, nếu mặt hàng kinh doanh thuộc diện cấm tư nhân kinh doanh (theo hướng dẫn dưới đây) hoặc nếu có thay đổi mặt hàng kinh doanh thì phải xin phép đổi mặt hàng kinh doanh. Việc này sẽ do Sở thương nghiệp hướng dẫn cụ thể và sẽ tiến hành sau đợt tổ chức đăng ký kinh doanh này.

4) Những trường hợp sau đây được miễn đăng ký xin phép kinh doanh:

- Các hoạt động dịch vụ không chuyên nghiệp, không mở cửa hàng cửa hiệu kinh doanh thường xuyên.

- Những người sản xuất sau khi làm nghĩa vụ của mình, bán sản phẩm còn lại của họ theo từng chuyến, nghĩa là không mở cửa hàng quầy hàng thường xuyên (khi đem đi bán ở tỉnh chỉ cần có giấy của phường, xã mình cư trú).

- Những người bán quà rong.

5) Việc đăng ký kinh doanh phải được thực hiện đầy đủ chính xác. Nội dung và thể thức đăng ký cần được cải tiến gọn nhẹ, giảm bớt những thủ tục rườm rà gây phiều hà cho người đăng ký nhưng phải đảm bảo được các yêu cầu quản lý chủ yếu gồm: họ tên người kinh doanh, địa chỉ kinh doanh, mặt hàng kinh doanh và phương thức kinh doanh (bán lẻ, bán buôn, buôn chuyến). Nếu buôn chuyến hay bán buôn không phải ở một chỗ cố định thì phải nói rõ phạm vi kinh doanh tức là những nơi kinh doanh.

6) Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở thương nghiệp với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về thương nghiệp nội địa chịu trách nhiệm phối hợp với các quận, huyện và các ban ngành có kinh doanh và xét cấp giấy phép kinh doanh cho những người có đủ điều kiện theo đúng tinh thần quyết định 76/HĐBT ngày 26-6-1986 và thông tư số 13/NT ký ngày 4-11-1986 của Bộ trưởng Bộ Nội thương hướng dẫn thi hành việc đăng ký kinh doanh đối với khu vực tư nhân.

Kể từ nay, công tác đăng ký kinh doanh xét cấp giấy phép kinh doanh và kiểm tra việc thực hiện điều lệ đăng ký kinh doanh phải được tiến hành thường xuyên theo đúng nội dung hướng dẫn của Bộ Nội thương.

7) Về danh mục những vật tư hàng hóa Nhà nước cấm tư nhân buôn bán theo như chỉ thị 199/CT ngày 12-6-1987 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn thi hành cụ thể như sau:

a) Về mặt hàng cao su, chỉ cấm tư nhân buôn bán cao su nguyên liệu. Còn các mặt hàng tiêu dùng sản xuất từ cao su thì:

a.1) Nói chung là tư nhân được phép buôn bán các loại hàng hóa tiêu dùng thông thường trong sinh hoạt hàng ngày sản xuất từ cao su (sam lốp xe đạp, các loại phụ tùng xe, đồ dùng trong nhà, đồ dùng cá nhân sản xuất từ cao su…)

a.2) Với săm lốp (ruột, vỏ) các loại xe có động cơ thì hàng hóa kinh doanh phải có đủ sổ sách chứng từ ghi rõ xuất xứ và khi bán ra phải có hóa đơn. Người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về xuất xứ hợp pháp và về chất lượng hàng hóa.

b)Về gỗ: chỉ cấm tư nhân kinh doanh gỗ súc. Ngoài ra:

b.1) Được phép kinh doanh các đồ dùng thông thường làm bằng gỗ (tủ, bàn, ghế, giường…)

b.2) Với gỗ ván, được phép bán nhưng phải có đủ sổ sách chứng từ ghi rõ xuất xứ và khi bán ra phải có hóa đơn. Người kinh doanh phải chịu trách nhiệm về xuất xứ hợp pháp về về chất lượng mặt hàng mình kinh doanh.

b.3) Cấm tư nhân làm nghề xẻ gỗ. Tư nhân có máy móc phương tiện xẻ gỗ phải được tổ chức lại (thành hình thức tập thể hoặc hợp tác kinh doanh với Nhà nước hoặc bán máy móc phương tiện cho Nhà nước để tổ chức thành cơ sở quốc doanh, tư nhân và lao động trong gia đình được sử dụng tay nghề…) có sự kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước.

b.4) Người có gỗ cây trồng trong vườn của mình (bất cứ loại cây gì, lớn cỡ nào) được toàn quyền sử dụng (thuê xưởng cưa xẻ hay thuê người đến nhà cửa xẻ, dùng gỗ đóng đồ dùng hoặc bán lại theo giá thỏa thuận…). Nếu hành nghề kinh doanh thì phải xin cấp giấy phép và sẽ được xem xét như các trường hợp đã nói ở trên.

c) Về tân dược, người có bằng tốt nghiệp chuyên môn về dược muốn kinh doanh tân dược phải hợp tác kinh doanh với Nhà nước (như thành phố đã làm). Người có thuốc tân dược muốn bán, phải bán cho các cửa hàng tân dược quốc doanh hoặc hợp tác kinh doanh. Xóa bỏ chợ trời thuốc tân dược dưới bất cứ hình thức nào, quy mô nào.

d) Về rượu, thi hành như chỉ thị 199 quy định, Ủy ban nhân dân thành phố nhắc lại một số điều thành phố đã quy định từ trước:

d.1) Dẹp bỏ các quán nhậu.

d.2) Tiệm ăn tư nhân muốn bán rượu cho khách phải xin phép và có giấy phép mới được bán.

d.3) Với bia, cũng áp dụng như với rượu nghĩa là không cấp giấy phép cho tư nhân kinh doanh. Thương nghiệp quốc doanh lựa chọn sử dụng một số người làm đại lý bán lẻ ở một số nơi cần thiết. Tiệm ăn tư nhân muốn bán bia cho khách phải xin phép và có giấy phép mới được bán. Bất cứ cơ sở nào bán bia (quốc doanh, đại lý, nhà hàng, tiệm ăn…), phải bán theo giá chỉ đạo thống nhất do Ủy ban vật giá thành phố thừa ủy nhiệm Ủy ban nhân dân thành phố quy định, không được tùy tiện nâng gía.

e) Về thuốc lá, thi hành như chỉ thị 199/CT quy định. Vận dụng thêm:

Với người có thùng bán lẻ thuốc điếu, không phải đăng ký kinh doanh, nhưng phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân phường, xã, nơi mình bán biết và phải chịu sự quản lý, giám sát của phường, xã như những người buôn bán khác.

g) Về cà phê:

g.1) Không cho tư nhân mua buôn bán buôn.

g.2) Tư nhân muốn bán lẻ (cà phê bột, cà phê xay rồi) hoặc mở quán bán cà phê (uống), phải xin phép kinh doanh và có giấy phép mới được bán.

g.3) Người có cà phê trồng trong vườn nên bán sản phẩm cho thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã theo giá thỏa thuận. Có quyền bán cho tư nhân có cửa hàng bán lẻ (có giấy phép).

h) Về hồ tiêu: cấm tư nhân mua buôn, bán buôn. Người muốn bán lẻ phải xin phép và có giấy phép mới được bán (đó là trường hợp mở cửa hàng bán lẻ riêng mặt hàng tiêu. Không kể trường hợp quầy bán tạp hóa bán lẻ sản phẩm tiêu từng gói nhỏ) Người có tiêu trồng trong vườn nên bán sản phẩm cho thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã theo giá thỏa thuận. Có quyền đem ra chợ bán hoặc bán cho tư nhân có cửa hàng bán lẻ (có giấy phép).

i) Về cơm dừa:

i.1) Cấm tư nhân kinh doanh.

i.2) Người có dừa trồng trong vườn, có cơm dừa muốn bán thì nên bán cho thương nghiệp quốc doanh, thương nghiệp hợp tác xã theo giá thỏa thuận. Có quyền đem ra chợ bán.

j) Về tôm và mực: Cấm tư nhân buôn bán loại tôm và mực có giá trị xuất khẩu.

k) Về gạo, thịt heo, trâu bò:

k.1) Công ty ngành hàng chịu trách nhiệm tổ chức kinh doanh xuyên suốt từ thu mua đến giết mỗ, phân phối, bán lẻ đến tay người tiêu dùng trên toàn địa bàn thành phố đến quận, huyện, phường, xã theo những quy định do ngành soạn thảo, Ủy ban nhân dân thành phố duyệt.

Sẽ tổ chức như vậy đối với các mặt hàng cá, nước mắm, dầu lửa, than mỏ và một số mặt hàng khác.

k.2) Tư nhân chỉ làm đại lý bán lẻ do ngành hàng tuyển chọn sắp xếp.

k.3) Nông dân trồng lúa, sau khi làm nghĩa vụ, được tư do lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của mình. Người chăn nuôi heo ở các xã ngoại thành được tự giết mỗ sản phẩm của mình sau khi được chính quyền địa phương cho phép.

l) Không cần giấy phép cho tư nhân làm các nghề:

- Nghề giết mổ heo, trâu, bò.

- Nghề in, khắc dấu, sang băng nhạc, photocopie.

- Nghề quấn thuốc lá điếu.

- Nghề làm pháo.

Những người có các nghề nêu trên chỉ được hoạt động trong các cơ sở do Nhà nước tổ chức sản xuất hoặc làm hợp đồng gia công cho Nhà nước.

Việc xét và cấp phép:

a) Những người đăng ký sẽ được cấp giấy phép với những điều kiện như sau:

- Có hộ khẩu thường trú tại thành phố.

- Từ 18 tuổi trở lên, không mất quyền công dân, không mất trí.

- Có địa điểm kinh doanh cụ thể.

- Đối với ngành ăn uống, phải đảm bảo có đủ sức khỏe, không mắc bệnh truyền nhiễm (có giấy khám sức khỏe của phòng khám quận, huyện).

Riêng những người có xin phép kinh doanh quán trọ, phải có thêm giấy xác nhận của công an theo quy chế quản lý đặc doanh (do ngành công an hướng dẫn). Không cho đăng ký kinh doanh đối với những người mà pháp luật hoặc tòa án đang cấp làm một số nghề nhứt định.

Về nguyên tắc một gia đình, một hộ khẩu chỉ được cấp một giấy phép kinh doanh thương nghiệp. Giấy phép dịch vụ không hạn chế. Trường hợp một gia đình muốn xin nhiều giấy phép buôn bán sẽ có hướng dẫn riêng.

Với những người đang bị tước quyền bầu cử, có thể cho làm một số nghề dịch vụ, sửa chữa để sinh sống.

b) Việc xét duyệt các hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ được tiến hành chủ yếu ở hai cấp: cấp phường, xã và cấp quận, huyện.

Cấp phường xã không thành lập Hội đồng mà do đồng chí Chủ tịch cùng các Phó Chủ tịch trực tiếp xem xét từng hồ sơ để xác nhận vào hồ sơ khai trình và đề nghị cấp hay không cấp giấy phép.

Cấp quận, huyện có Hội đồng xét cấp giấy phép với 3 thành phần chủ yếu: phòng thương nghiệp, Ban cải tạo, phòng thuế. Khi xét duyệt hồ sơ của các ngành ăn uống, dịch vụ thì có đại diện của các ngành này. Tùy tình hình, có thể mời thêm đại diện của đoàn thể phụ nữ quận, huyện. Chủ tịch Hội đồng là đồng chí Phó Chủ tịch phân phối lưu thông quận, huyện.

Thường trực của Hội đồng là Trưởng phòng thương nghiệp, Hội đồng đăng ký kinh doanh của quận, huyện căn cứ chủ trương về cấp giấy phép của thành phố, xem xét ý kiến đề nghị của phường xã và gắng với quy hoạch ngành trên địa bàn quận, huyện để quyết định cấp hay không cấp.

Hội đồng đăng ký kinh doanh của quận, huyện là cơ quan tư vấn của Ủy ban nhân dân quận, huyện trong việc xem xét và đề xuất. Việc quyết định cấp hay không cấp là do Ủy ban nhân dân quyết định. Giấy phép của từng hộ do Ủy ban nhân dân quận, huyện cấp. Cụ thể là đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách phân phối lưu thông thay mặt Ủy ban nhân dân quận, huyện ký.

Sau khi giấy phép được ký, phòng thương nghiệp phải lập danh sách báo cáo những hộ được cấp giấy phép về Sở thương nghiệp để quản lý thống nhất theo ngành. Những hộ không được cấp giấy phép phải có thông báo chính thức bằng giấy báo và phải thu hồi giấy biên nhận (đưa cho đương sự khi nhận hồ sơ).

Danh sách những hộ kinh doanh ăn uống – dịch vụ phải gởi cho Sở ăn uống khách sạn và Công ty dịch vụ thành phố để phối hợp với Sở thương nghiệp thực hiện việc quản lý hành chánh trên địa bàn thành phố.

c) Riêng một số ngành hàng quan trọng có ảnh hưởng chung đến thị trường toàn thành phố và cần phải tăng cường quản lý tập trung thống nhất theo ngành, cụ thể là hàng điện máy, điện tử, vải… (có danh mục cụ thể do Sở thương nghiệp thành phố đề xuất, Ủy ban nhân dân thành phố duyệt) và hồ sơ những người đăng ký kinh doanh thuong lái đường dài thì Hội đồng đăng ký kinh doanh quận, huyện xét ghi ý kiến đề nghị và gởi lên Sở thương nghiệp thành phố. Giám đốc Sở thương nghiệp thành phố xét duyệt, quyết định và ký giấy phép cho những người xét đủ điều kiện.

Giám đốc Sở thương nghiệp thành phố, với trách nhiệm quản lý Nhà nước về thương nghiệp nội địa của thành phố phải phối hợp chặt chẽ với các ngành ăn uống, dịch vụ tổ chức tốt việc hướng dẫn, giúp đỡ các quận, huyện xét và cấp giấy phép, bảo đảm nhanh chóng, không gây phiền hà cho dân. Thời gian từ lúc nhận hồ sơ đến khi phát giấy phép cho từng hộ không được quá 1 tháng.

Đình kỳ hàng tháng, đồng chí Trưởng phòng thương nghiệp phải báo cáo kết quả tổ chức đang ký và xét cấp giấy phép cho Thường trực Ủy ban nhân dân quận, huyện và Giám đốc Sở thương nghiệp. Đồng chí Giám đốc Sở thương nghiệp phải tổng hợp tình hình (cũng định kỳ hàng tháng) báo cáo Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố và thông báo cho Ủy ban nhân dân các quận, huyện.

Giám đốc Sở thương nghiệp và các Trưởng phòng thương nghiệp quận, huyện là người chịu trách nhiệm chủ yếu trong việc tổ chức đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh, phải chủ động phối hợp với các ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các phường để thông báo danh sách những hộ được cấp giấy phép và những hộ không được cấp (có nói rõ lý do không cấp).

Những hộ không được cấp giấy phép có quyền khiếu nại lên Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc Sở thương nghiệp thành phố. Các đơn vị nhận được đơn vị khiếu nại phải giải quyết và trả lời trực tiếp cho đương sự trong vòng 15 ngày (từ khi nhận đơn).

9) Việc kiểm tra, kiểm soát:

+ Để phát huy hiệu lực của bộ máy quản lý Nhà nước nhằm lập lại trật tự kinh doanh buôn bán của tư nhân trên thị trường, Sở thương nghiệp và Phòng thương nghiệp các quận, huyện cần phối hợp với các ngành ăn uống, dịch vụ và các ban ngành liên quan (thuế vụ, công an…), các đoàn thể và Ủy ban nhân dân phường xã, thị trấn tổ chức kiểm tra, kiểm soát và quản lý kinh doanh các hoạt động của các hộ kinh doanh đúng theo điều lệ đăng ký kinh doanh và những nội dung đã ghi trong giấy phép của từng hộ. Công tác tổ chức đăng ký kinh doanh và kiểm tra việc thực hiện điều lệ đăng ký kinh doanh là một công tác làm thường xuyên, ngành thương nghiệp phối hợp với ngành ăn uống dịch vụ phải bố trí lực lượng chuyên trách làm công tác này, kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, những biến động qua quá trình kinh doanh của những hộ đã đăng ký, xử lý các vụ vi phạm.

Những người vi phạm điều lệ đăng ký kinh doanh sẽ bị xử lý bằng các hình thức sau đây:

- Cảnh cáo.

- Phạt tiền.

- Tịch thu hàng hóa và phương tiện kinh doanh.

- Thu hồi tạm thời hoặc thu hồi hẳn giấy phép kinh doanh.

- Truy tố trước pháp luật.

Về mức phạt tiền đối với những trường hợp vi phạm điều lệ đăng ký kinh doanh nay quy định cụ thể như sau:

- Trưởng phòng thương nghiệp ở quận, huyện được xử phạt từ cảnh cáo, phạt tiền đến 2.000 đồng, thu hồi tạm thời giấy phép không quá 1 tháng, lập hồ sơ đề nghị truy tố trước tòa án (với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng).

Ủy ban nhân dân quận, huyện và Giám đốc Sở Thương nghiệp được quyền xử phạt tiền đến 10.000 đồng, thu hồi hẳn giấy phép kinh doanh của những hộ vi phạm, đề nghị truy tố trước tòa án.

Số tiền phạt và trị giá hàng hóa tịch thu đều nộp vào ngân sách và được trích thưởng cho cơ quan thực hiện theo quy định hiện hành.

10) Về tổ chức thực hiện: Với những nội dung trên đây, Sở thương nghiệp chủ động phối hợp với các ngành và các quận, huyện vạch kế hoạch và tổ chức thực hiện vào tháng 7-1987. Quá trình thực hiện phải có kế hoạch cụ thể, từng bước có sơ kết rút kinh nghiệm.

- Ủy ban nhân dân các quận, huyện căn cứ kế hoạch của Sở thương nghiệp, chỉ đạo trực tiếp cho Phòng thương nghiệp quận, huyện các ngành liên quan ở quận, huyện và Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn thực hiện những nội dung đã nêu trong kế hoạch.

Các ngành của thành phố cần có kế hoạch phối hợp với Sở thương nghiệp để đảm bảo cho việc đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép kinh doanh tiến hành được nhanh gọn, chống và xử trị nghiêm minh các hành vi tung tin xuyên tạc, đồn nhảm kích động nhân dân gây rối thị trường. Lực lượng công an thành phố và các quận, huyện một mặt phối hợp trong việc xét cấp giấy phép ngành đặc doanh, mặt khác phải bố trí lực lượng theo dõi dư luận, có biện pháp kịp thời trấn áp bọn tung tin kích động, gây rối thị trường.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết