BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2502/CT-BNN-TY | Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 2007 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI ĐỘNG VẬT
Theo báo cáo của Bộ Y tế, thời gian gần đây, bệnh dại đã tăng lên rõ rệt. Năm 2006, có 80 người ở 20 tỉnh bị tử vong. Từ đầu năm 2007 đến nay, cả nước có 333.450 trường hợp bị súc vật cắn phải tiêm phòng vắc xin dại; 81 người ở 20 tỉnh đã bị tử vong vì bệnh dại. Bệnh tập trung nhiều ở các tỉnh Phú Thọ: 15 ca, Hà Tây: 14 ca, Yên Bái: 14 ca, Tuyên Quang: 9 ca, Gia Lai: 8 ca, Nghệ An: 3 ca, Cao Bằng, An Giang, Bến Tre: 2 ca. Như vậy bệnh dại tập trung ở các tỉnh miền Bắc và Tây nguyên. Tỉnh Phú Thọ, Hà Tây (huyện Ba Vì), Yên Bái là tỉnh có nguy cơ cao nhất, sau đó là tỉnh Tuyên Quang, Gia Lai, Nghệ An.
Nguyên nhân có tình hình trên là do bệnh dại đã được khống chế trong nhiều năm trước, dẫn đến nhiều nơi, chính quyền và cơ quan chuyên môn có biểu hiện lơ là, chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống bệnh dại. Công tác quản lý đàn chó, giám sát bệnh dại chưa được thực hiện tốt. Công tác tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó đạt tỷ lệ thấp, chó con sinh ra không được tiêm phòng kịp thời. Mặt khác, nhiều người dân chưa nhận thức được tác dụng của tiêm phòng. Số người bị chó cắn không tiêm phòng tăng.
Diễn biến tình hình dại đầu năm 2007 có thể dẫn đến nguy cơ bệnh dại xảy ra và lan rộng trong cả nước. Để tăng cường công tác phòng chống bệnh dại, giảm số ổ dịch, tiến tới khống chế và thanh toán bệnh dại trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc Nghị định 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ về phòng, chống bệnh dại động vật, trước mắt thực hiện các nội dung sau:
a) Củng cố và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống bệnh dại ở cấp tỉnh và các cấp huyện, xã;
b) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin phổ biến kiến thức về bệnh dại và các biện pháp phòng chống để mọi người dân biết rõ về tính nguy hiểm của bệnh, chủ động phòng ngừa;
c) Triển khai ngay công tác tiêm phòng bệnh dại vào tháng 9 và tháng 10/2007. Yêu cầu tiêm phòng đạt tỷ lệ trên 80% đàn chó, mèo. Các tỉnh đã tiêm phòng xong, nếu kết quả đạt thấp, yêu cầu tiêm phòng bổ sung;
d) Tăng cường công tác giám sát, quản lý bệnh dại trên đàn chó, đặc biệt là các tỉnh có bệnh dại và các tỉnh có nguy cơ cao. Phát triển và xử lý kiên quyết chó bị bệnh dại, chó không tiêm phòng, chó chạy rông tại ổ dịch và triển khai tiêm phòng chống dịch triệt để khu vực xung quanh xã có dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Thường xuyên báo về Bộ (Cục Thú y) về diễn biến tình hình dịch bệnh, kết quả của công tác phòng chống dịch.
e) Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế trong việc triển khai phòng chống bệnh dại tại địa phương.
2. Cục Thú y:
a) Soạn thảo để Bộ ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại cho động vật theo tinh thần Nghị định 05/2007/NĐ-CP ngày 09/01/2007 của Chính phủ.
b) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bộ Y tế xây dựng Chương trình khống chế, thanh toán bệnh dại ở động vật và người báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao;
c) Tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại cho động vật trong phạm vi cả nước theo quy định của Nghị định 05/2007/NĐ - CP và pháp luật thú y.
3. Các đơn vị liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình được giao về công tác phòng chống bệnh dại.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Công văn 3798/BNN-TY năm 2013 tăng cường công tác phòng, chống bệnh Dại trên động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành
- 2 Công điện 13/CĐ-BNN-TY tăng cường công tác phòng chống bệnh dại trên động vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điện
- 3 Nghị định 05/2007/NĐ-CP về việc phòng, chống bệnh dại ở động vật