THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/2001/CT-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 10 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỘI NÔNG DÂN CÁC CẤP THAM GIA GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NÔNG DÂN
Tình hình khiếu kiện của công dân trong đó số đông là nông dân diễn biến rất đa dạng và phức tạp. Việc khiếu kiện và xử lý khiếu kiện là vấn đề vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có tính lâu dài, các đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền giải quyết khiếu kiện của công dân. Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian vừa qua đã quan tâm và chủ động phối hợp với các cấp chính quyền giải quyết khiếu kiện của nông dân.
Để Hội Nông dân phối hợp với các cấp chính quyền tham gia giải quyết khiếu kiện của nông dân thiết thực, có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là cấp cơ sở, cần chủ động phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp, xây dựng Quy chế dân chủ ở nông thôn, xây dựng gia đình văn hoá, làng, bản văn hoá, để mọi mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nông dân phải được hoà giải hoặc giải quyết ngay tại cơ sở không để khiếu kiện vượt cấp lên trên; tạo điều kiện cho Hội Nông dân nắm chắc tình hình nội bộ của nông dân, tiến hành các biện pháp hoà giải ngay từ cơ sở không để xẩy ra các điểm nóng.
2. Bộ Tư pháp phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, chính sách của Nhà nước cho nông dân để nông dân thực hiện đúng đường lối chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước; giáo dục phân tích cho hội viên Hội nông dân thấy rõ khuyết điểm, sai phạm của việc không chấp hành pháp luật hoặc có những việc làm sai trái không phù hợp với đạo lý; kiến nghị với chính quyền, các tổ chức hữu quan nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong việc giải quyết khiếu kiện nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của nông dân.
3. Uỷ ban nhân dân các cấp, Trụ sở tiếp công dân của địa phương hoặc Trung ương khi có nông dân khiếu kiện thì mời Hội Nông dân cùng cấp để tiếp nông dân, nghe phản ánh về tâm tư nguyện vọng, các đề nghị, kiến nghị của nông dân, trên cơ sở đó, nếu vụ việc cần hoà giải thì Hội Nông dân chủ động tiếp nhận đơn hoà giải hoặc chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
4. Khi giải quyết khiếu kiện có liên quan đến nông dân, các cấp chính quyền cần tham khảo ý kiến của Hội Nông dân về quan điểm xử lý. Hội Nông dân ở cơ sở tiến hành hoà giải trong các giai đoạn khi có khiếu kiện. Sau khi có quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền thì Hội vận động các bên thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung của quyết định trên. Các vụ việc mà Hội Nông dân đã chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền cần tập trung xử lý, giải quyết dứt điểm. Hội Nông dân các cấp kiểm tra giám sát việc thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo.
5. Thanh tra Nhà nước thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam để giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu kiện của nông dân và có trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng về nghiệp vụ cho cán bộ Hội để Hội Nông dân tham gia giải quyết khiếu kiện có hiệu quả.
6. Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm mời Hội Nông dân cùng cấp tham gia các hội nghị sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phạm vi địa phương mình.
Yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chủ động triển khai thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương mình để phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Việt Nam xây dựng quy chế phối hợp nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này.
| Nguyễn Công Tạn (Đã ký)
|