THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 260/CT-TTg | Hà Nội, ngày 04 tháng 03 năm 2008 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHỦ TRƯƠNG MỞ RỘNG ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH THỦ ĐÔ HÀ NỘI
Trong quá trình xây dựng và phát triển,địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã nhiều lần được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu và điều kiện phát triển trong từng thời kỳ. Hiện nay, đất nước ta trong quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, có nhiều cơ hội đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. Thành phố Hà Nội với quy mô hiện tại không đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu xây dựng một Thủ đô hiện đại; đồng thời cũng không đáp ứng được vai trò là trung tâm phát triển của vùng Thủ đô mang tính lâu dài, bền vững và sự gắn kết hợp lý với các vùng phụ cận theo kế hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và lâu dài.
Để có được Thủ đô tương xứng với quy mô dân số trên 100 triệu người của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững cả trước mắt cũng như lâu dài thì việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội hiện nay là đòi hỏi khách quan, là công việc rất quan trọng, cần phải được khẩn trương triển khai thực hiện.
Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã có Kết luận số 19-KL/TW ngày 28 tháng 01 năm 2008 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội trên cơ sở hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của tỉnh Hà Tây; điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc; toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Để đảm bảo thực hiện tốt Kết luận nêu trên của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện được điều chỉnh về Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, khẩn trương tiến hành họp bất thường ra Nghị quyết về việc hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính theo quy định của pháp luật; đồng thời, giám sát các hoạt động của Ủy ban nhân dân cùng cấp trong quá trình triển khai thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.
2. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng chuẩn bị Tờ trình Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội theo phương án đã được lựa chọn; đồng thời có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hoà Bình thực hiện các công việc cụ thể liên quan đến mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, phương án tổ chức lại các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Hà Nội mở rộng.
3. Bộ Xây dựng:
a. Chủ trì xây dựng Đề án về những định hướng lớn quy hoạch của Thủ đô Hà Nội mở rộng gắn với định hướng quy hoạch vùng Thủ đô để trình Quốc hội; đồng thời chủ trì khẩn trương nghiên cứu, lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng gắn với quy hoạch vùng Thủ đô. Bộ Xây dựng thuê tư vấn nước ngoài để tham gia thực hiện nhiệm vụ này.
b. Chủ trì rà soát lại toàn bộ các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng. Các đồ án quy hoạch, các dự án liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng được lập từ trước ngày Chỉ thị này có hiệu lực nhưng chưa được phê duyệt thì tạm dừng lại. Các dự án khu đô thị, khu dân cư, các cơ sở công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp đã được phê duyệt trước ngày Chỉ thị này có hiệu lực, nếu không phù hợp với những định hướng lớn quy hoạch của Thủ đô Hà Nội mở rộng thì tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các đồ án quy hoạch, các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án khác liên quan đến việc bố trí không gian Hà Nội thuộc địa giới Hà Nội mở rộng được lập từ sau ngày Chỉ thị này có hiệu lực, khi xem xét phê duyệt phải được sự thỏa thuận của Bộ Xây dựng để bảo đảm phù hợp với định hướng quy hoạch của Thủ đô Hà Nội mở rộng.
4. Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình xây dựng phương án điều chỉnh và phân bổ ngân sách theo đơn vị hành chính mới; đồng thời hướng dẫn, kiểm tra các địa phương nêu trên giải quyết kịp thời những vấn đề ngân sách, quản lý trụ sở, tài sản công theo quy định của pháp luật.
5. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình chủ động tổ chức thực hiện các công việc liên quan đến hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương; tập trung làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ và nhân dân nơi hợp nhất, điều chỉnh địa giới hành chính về Thủ đô Hà Nội, không ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng của cán bộ, công chức và nhân dân của các địa phương này.
Đối với công tác tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây, thực hiện theo quy định tại Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 và Nghị định số 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ; sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục hợp nhất các cơ quan nói trên. Từ nay đến khi có Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, công tác đề bạt cán bộ (nếu có) cần được thực hiện chặt chẽ, theo đúng quy trình.
Các địa phương nêu trên chủ động rà soát theo nội dung quy định tại điểm b, khoản 3 của Chỉ thị này các đồ án quy hoạch, các dự án khu đô thị, khu dân cư và các dự án liên quan khác trong phạm vi địa giới Thủ đô Hà Nội mở rộng và phải có biện pháp cụ thể, quyết liệt và kịp thời để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ngăn chặn việc chuyển đổi các loại đất trái pháp luật, cũng như việc xây dựng khu đô thị mới, phê duyệt khu công nghiệp nằm ngoài quy hoạch đã được phê duyệt.
6. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên.
7. Chỉ thị này có hiệu lực từ ngày ký. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, các Bộ, cơ quan liên quan; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và các tỉnh: Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |