ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/2001/CT-UB | Hà Nội, ngày 13 tháng 08 năm 2001 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC TIẾP DÂN, TẬP TRUNG GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO PHỨC TẠP TỒN ĐỌNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Luật Khiếu nại, Tố cáo, Nghị định số 67/1999/NĐ-CP ngày 7/8/1999 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khiếu nại, Tố cáo, Chỉ thị số 55/CT-TU ngày 1/6/2000 Của Thường vụ thành uỷ Hà Nội. UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành các quy định, chỉ thị để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện như: Quyết định số 38/2000/QĐ-UB ngày19/4/2000 về việc ban hành quy định giải quyết Khiếu nại, Tố cáo thuộc Thành phố Hà Nội; Chỉ thị số 17/1999/CT-UB ngày 1/10/1999 và Chỉ thị số 20/2000/CT-TU ngày 18/12/2000. UBND Thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị sơ kết Luật Khiếu nại, Tố cáo, thành lập các tổ công tác liên ngành trực tiếp xuống các đơn vị để giúp quận, huyện giải quyết các khiếu nại, tố cáo. Do vậy, tình hình Khiếu nại, Tố cáo bước đầu đã dịu đi. Tuy vậy, công tác giải quyết Khiếu nại, Tố cáo ở một số đơn vị, địa phương vẫn còn chưa đúng qui trình, quy định, nhất là giải quyết Khiếu nại, Tố cáo còn chưa kịp thời, thiếu tập trung, không dứt điểm trong tổ chức thực hiện các quản lý giải quyết khiếu nại, kết luận về tố cáo khi đã có hiệu lực pháp luật.
Để đưa công tác tiếp dân, giải quyết Khiếu nại, Tố cáo vào nề nếp, đúng trình tự quy định của pháp luật, nhằm giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn thành phố, UBND Thành phố Hà nội yêu cầu:
1- Thủ trưởng các cấp, các sở ngành, cần tăng cường công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trên địa bàn, theo thẩm quyền đã phân cấp.
2- Tổ chức tiếp dân theo đúng quy định của pháp luật, tăng cường về số lượng và chất lượng cán bộ của các quận, huyện, mở hệ thống sổ sách, ghi chép nội dung Khiếu nại, Tố cáo, phân công lãnh đạo tiếp dân theo đúng lịch làm việc đã đặt ra, đôn đốc việc giải quyết của cấp dưới đối với các vụ việc tiếp nhận khi tiếp dân.
3- Coi trọng việc xử lý đơn thư, cần phân định cụ thể nội dung vụ việc tồn đọng, phức tạp hay mới phát sinh, thẩm quyền giải quyết. Nếu trong đơn có cả nội dung Khiếu nại, Tố cáo thì cần phải tách ra thành 2 và thụ lý 2 vụ việc riêng theo quy trình đã định.
4- Tập trung giải quyết ngay các vụ việc khi mới phát sinh, nhất là ở các xã, phường, thị trấn cần bố trí cán bộ có trách nhiệm, có năng lực trong công tác tiếp dân
và giải quyết Khiếu nại, Tố cáo giúp Uỷ ban nhân dân.
5- Đối với các vụ việc tồn đọng, phức tạp các điểm nóng, các cấp, các ngành cần rà soát, mở các hội nghị tư vấn, tập trung các tổ công tác kiểm tra, làm rõ để cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết Khiếu nại, kết luận về Tố cáo, các quyết định xử lý (nếu có) nhằm giải quyết dứt điểm từng vụ việc tồn đọng lâu ngày.
6- Đối với các vụ việc đã có các quyết định giải quyết Khiếu nại, các kết luận của đoàn thanh tra và ý kiến chỉ đạo của cấp có thẩm quyền song lâu ngày không được thực hiện do nhiều nguyên nhân, đến nay công dân vẫn khiếu kiện. Các cấp, các ngành cần tập trung giải quyết, tổ chức thực hiện và báo cáo UBND Thành phố Hà Nội những khó khăn, vướng mắc để tìm biện pháp giải quyết.
7- Chủ tịch UBND quận, huyện, Giám đốc Sở, ngành và các đơn vị cơ sở phải trực tiếp giải quyết Khiếu nại, Tố cáo và chịu trách nhiệm trước cấp trên về việc chậm giải quyết Khiếu nại, Tố cáo, để xảy ra "điểm nóng" khiếu kiện phức tạp, đông người ở ngành, địa phương. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Khiếu nại, Tố cáo, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về quy trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết Khiếu nại, Tố cáo cho cán bộ lãnh đạo và đội ngũ cán bộ làm công tác Khiếu tố.
8- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về Khiếu nại, Tố cáo, có biện pháp tuyên truyền kịp thời, nắm vững tình hình Khiếu tố xảy ra, kết quả giải quyết của các cấp, các ngành. Định kỳ, tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đôn đốc các cấp, các ngành, các đơn vị trực thuộc trong công tác tiếp dân, giải quyết Khiếu nại, Tố cáo thuộc thẩm quyền, và tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật.
9- Đề nghị các cấp Uỷ Đảng, các tổ chức Đoàn thể, các Ban Thanh tra Nhân dân, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cùng cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết Khiếu nại, Tố cáo nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để hạn chế bớt các vụ việc khi mới phát sinh.
Chủ tịch UBND quận, huyện, Giám đốc các sở, ngành có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Chỉ thị này tới các đơn vị trực thuộc. Giao Chánh Thanh tra Thành phố Hà Nội phối hợp với Chánh Văn phòng Hội đồng Nhân dân- Uỷ ban nhân dân Thành phố kiểm tra, đôn đốc và định kỳ báo cáo việc triển khai thực hiện của các đơn vị về Thành uỷ, Hội đồng Nhân dân- Uỷ ban nhân dân Thành Phố./.
| TM/UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
- 1 Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2013 về giải quyết khiếu nại đã thụ lý trước 31/7/2013, thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định
- 2 Quyết định 38/2000/QĐ-UB về giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Nghị định 67/1999/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khiếu nại, tố cáo
- 4 Luật Khiếu nại, tố cáo 1998