Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 27/2002/CT-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 12 năm 2002 

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI SÔNG, KÊNH RẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH.

Trong các năm qua, công tác tổ chức và phối hợp quản lý sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố chưa được thực hiện chặt chẽ, nhiều nơi bị san lấp bừa bãi, bị lấn chiếm xây dựng và khai thác cát lòng sông trái phép ;… nhưng việc kiểm tra, xử lý các vi phạm chưa kịp thời, đồng bộ và kiên quyết, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, thoát nước, làm thay đổi dòng chảy, sạt lở ven bờ, phá vỡ quy hoạch,v.v... Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố Chỉ thị Thủ trưởng các sở-ngành thành phố và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện triển khai thực hiện ngay những công tác chủ yếu sau đây :

1. Kiến trúc sư Trưởng thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Công chánh, Sở Địa chính-Nhà đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cảng vụ Sàigòn và Chi cục Đường sông phía Nam nghiên cứu, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt ban hành quy định về chỉ giới đường sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố (thực hiện xong trong quý I năm 2003) ; đối với những sông, kênh rạch chưa thể quy định được chỉ giới ngay thì xác định ranh bảo vệ bờ hiện trạng và trên cơ sở quy hoạch chi tiết thoát nước khu vực (hệ thống cấp 1), báo cáo xét duyệt bổ sung trong quý II năm 2003.

2. Giám đốc Sở Giao thông Công chánh có trách nhiệm :

2.1- Chủ trì, phối hợp với Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Sở Địa chính-Nhà đất và Ủy ban nhân dân các quận-huyện liên quan thực hiện cắm mốc chỉ giới (hoặc ranh bảo vệ bờ hiện trạng) sông, kênh rạch để tổ chức quản lý theo quy định hiện hành (thực hiện xong trong quý II năm 2003).

2.2- Tổ chức hướng dẫn thống nhất về những nhiệm vụ cụ thể của Ủy ban nhân dân các quận-huyện để tăng cường chỉ đạo thường xuyên, bảo đảm công tác quản lý chỉ giới đường sông, kênh rạch ở từng địa phương.

2.3- Lập kế hoạch nghiên cứu các dự án chỉnh trị những đoạn sông nguy hiểm, khắc phục dòng chảy gây xoáy lở, đe dọa đến sự an toàn ở hai bên bờ sông, kênh rạch thuộc phạm vi trách nhiệm của thành phố ; đồng thời báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Cục Đường sông nghiên cứu thực hiện các dự án tương tự đối với những đoạn sông do Bộ quản lý (thực hiện xong trong quý II năm 2003).

2.4- Tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra và hỗ trợ Ủy ban nhân dân các quận-huyện trong công tác phát hiện, xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hệ thống sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố (bắt đầu thực hiện ngay).

2.5- Xây dựng các tiêu chí, định mức, định ngạch về quản lý sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố trình Ủy ban nhân dân thành phố xét duyệt ban hành trong quý I năm 2003.

2.6- Tổ chức nghiên cứu bổ sung quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến sông trên địa bàn thành phố giai đoạn sau năm 2010, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong quý II năm 2003.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện có trách nhiệm :

3.1- Tổ chức tổng rà soát và chỉ đạo xử lý ngay, yêu cầu phải bảo đảm chỉ giới (hoặc ranh bảo vệ bờ hiện trạng) của tất cả sông, kênh rạch trên địa bàn quận-huyện ; phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi lấn chiếm, san lấp, xây dựng nhà, kè bao, đăng đáy cá, neo đậu phương tiện ven sông, .v.v... trái phép. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, buộc phải tháo dỡ ngay, bồi thường thiệt hại và trả lại hiện trạng như ban đầu.

3.2- Khảo sát kỹ những khu vực ven sông, kênh rạch có nguy cơ bị sạt lở, lập ngay kế hoạch và vận động, hỗ trợ nhân dân di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, phòng tránh triệt để sự cố có thể xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản.

3.3- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố nếu để có trường hợp lấn chiếm, san lấp sông, kênh rạch trái phép trên địa bàn do quận-huyện quản lý.

4. Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Sở Địa chính-Nhà đất và Ủy ban nhân dân các quận-huyện khi lập thủ tục trình cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất có tiếp giáp sông, kênh rạch cho các tổ chức, cá nhân sử dụng phải bảo đảm chỉ giới đường sông ; tiến hành rà soát ngay các dự án đã được quy hoạch cấp đất ven bờ trước đây, đề xuất biện pháp xử lý, trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh phù hợp với nội dung Chỉ thị này (thực hiện xong trong quý I năm 2003).

5. Ban Tổ chức Chính quyền thành phố chủ trì, phối hợp với các sở-ngành thành phố và Ủy ban nhân dân các quận-huyện khẩn trương xác lập nhiệm vụ, tổ chức phân công và qui trình phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khai thác cát lòng sông. Trước mắt, giao Giám đốc Sở Công nghiệp  chủ  trì, phối hợp với Sở Giao thông Công chánh, Công an thành phố và Ủy ban

nhân dân huyện-quận liên quan có kế hoạch kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố ; bố trí lực lượng thường trực kiểm soát tại những điểm nóng.

6. Sở Xây dựng, Sở Địa chính-Nhà đất và Ủy ban nhân dân các quận-huyện ngưng cấp phép xây dựng, hợp thức hóa nhà và xác lập quyền sử dụng đất đối với nhà, đất do san lấp lấn chiếm trái phép ven sông, kênh rạch mà có.

7. Công an thành phố ngưng giải quyết cấp hộ khẩu cho các hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất ven sông, kênh rạch.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chánh-Vật giá trình Ủy ban nhân dân thành phố bố trí vốn cho các đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công theo Chỉ thị này.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, các Đoàn thể, các cơ quan thông tin đại chúng có kế hoạch phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về các quy định pháp luật đối với trật tự giao thông đường thủy và an toàn trên sông, kênh rạch.

10. Định kỳ hàng quý, Giám đốc Sở Giao thông Công chánh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện báo cáo kết quả thực hiện và đề xuất Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để chỉ đạo kịp thời ; báo cáo đồng gởi Thường trực Ban An toàn giao thông thành phố để theo dõi.

11. Giao Ban An toàn giao thông thành phố chuẩn bị để Ủy ban nhân dân thành phố chủ trì, tổ chức sơ, tổng kết định kỳ hàng năm việc thực hiện  Chỉ thị này cùng với kết quả thực hiện Nghị định số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh./.

 

 

Nơi nhận :
- Văn phòng Chính phủ
 - Bộ Giao thông Vận tải
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Thường trực Thành Ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân thành phố 
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố  
- Các Đoàn thể thành phố 
- Các Sở-Ngành thành phố  
- UBND các Quận-Huyện 
- Các Cơ quan thông tấn báo chí,
   phát thanh, truyền hình
- VPHĐ-UB : CPVP, các Tổ NCTH
- Lưu (ĐT/Thg)
 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Lê Thanh Hải