ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 27/CT-UBND | Thừa Thiên Huế, ngày 25 tháng 12 năm 2013 |
CHỈ THỊ
TIẾP TỤC TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT GẮN LIỀN VỚI CẤP QUYỀN SỞ HỮU NHÀ Ở, TÀI SẢN KHÁC GẮN LIỀN VỚI ĐẤT VÀ HOÀN THIỆN HỒ SƠ ĐỊA CHÍNH, XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU ĐỊA CHÍNH ĐỒNG BỘ, THỐNG NHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG NĂM 2014
Trong năm 2013, UBND các cấp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các cấp đã tập trung, quyết liệt trong công tác chỉ đạo và thực hiện cấp Giấy chứng nhận, nâng tỷ lệ diện tích cấp giấy được cấp lần đầu đạt trên 93%. Tuy nhiên, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận ở một số địa phương và một số loại đất còn đạt thấp so với kế hoạch đề ra; việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính còn chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ; việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định. Bên cạnh đó, qua rà soát hiện trạng sử dụng đất đã phát hiện nhiều trường hợp giao đất, cho thuê đất trái thẩm quyền, giao đất sai đối tượng; các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích; việc quản lý đất công ích của UBND các xã, phường, thị trấn còn nhiều bất cập.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên và triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý đất đai có nền nếp, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo mô hình tập trung, thống nhất từ cấp tỉnh, cấp huyện nhằm xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin đất đai của các ngành, lĩnh vực và giao dịch của người sử dụng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và trách nhiệm của người sử dụng đất theo quy định, UBND tỉnh yêu cầu:
1. Ban Chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ sau:
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn liền với cấp quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với diện tích chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
b) Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đồng thời với việc cấp Giấy chứng nhận và lập hồ sơ địa chính để đảm bảo cơ sở dữ liệu địa chính được cập nhật và vận hành đồng bộ.
c) Rà soát quỹ đất công ích do UBND cấp xã quản lý để xây dựng phương án sử dụng đất hiệu quả, đảm bảo đúng quy định.
d) Thống kê hiện trạng sử dụng đất từng địa phương trên cơ sở kết quả cấp Giấy chứng nhận để làm cơ sở xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất toàn tỉnh trên nền GIS.
2. UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế
a) Xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm cấp Giấy chứng nhận lần đầu gắn với cấp quyền sở hữu công trình và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu. Phấn đấu tỷ lệ diện tích cần cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 95% trước ngày 30/6/2014; đặc biệt đối với các địa phương và các loại đất có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận còn thấp.
b) Tập trung thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thành dứt điểm đối với các đơn vị thực hiện điểm (Hương Trà, A Lưới, Nam Đông, Phú Vang) trước ngày 30/6/2014 để triển khai thực hiện trên toàn tỉnh.
Thường xuyên chỉ đạo thực hiện cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, khai thác hiệu quả hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính; thực hiện tốt việc thống kê đất đai định kỳ năm 2014 đảm bảo nội dung và thời gian theo quy định.
c) Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn rà soát, xác định các thửa đất thuộc quỹ đất công ích (đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất sản xuất nông nghiệp 5%) do UBND cấp xã quản lý; thực hiện trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính đối với nơi chưa có bản đồ địa chính để kê khai, đăng ký lập hồ sơ địa chính phục vụ quản lý sử dụng đất công ích, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6/2014.
Chỉ đạo giao đất đối với diện tích vượt quá 5% đất công ích sau khi rà soát cho các đối tượng theo quy định, việc giao đất gắn liền với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xử lý dứt điểm, cương quyết theo quy định việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo 100% diện tích đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng được cấp Giấy chứng nhận lần đầu, khắc phục tình trạng thất thu tiền thuê đất đối với các đối tượng phải thuê đất.
d) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất đăng ký kê khai, lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân không tiến hành kê khai, lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất theo Nghị định 105/2009/NĐ-CP ngày 11/11/2009 của Chính phủ, đồng thời để làm cơ sở thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai.
đ) Hàng tháng, hàng quý báo cáo tình hình, kết quả cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường.
3. UBND các xã, phường, thị trấn
a) Thống kê diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân để rà soát các trường hợp giao đất không đúng đối tượng theo quy định, báo cáo UBND cấp huyện để có phương án cho thuê đất hoặc giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân khó khăn về đất sản xuất.
b) Rà soát, thống kê, lập danh sách cụ thể các trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận lần đầu (kể cả các tổ chức, cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất), nắm chắc các trường hợp đang sử dụng đất mà không kê khai đăng ký để đôn đốc, vận động, hướng dẫn thực hiện lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận gắn liền với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
c) Thực hiện rà soát từng trường hợp đang sử dụng đất công ích và các hợp đồng cho thuê đất công ích của xã để xác định rõ vị trí, diện tích đất cho thuê, thời hạn cho thuê. Trường hợp chưa ký hợp đồng cho thuê đất công ích với người đang sử dụng đất thì phải khẩn trương ký hợp đồng theo đúng quy định; trường hợp đã ký hợp đồng nhưng chưa đầy đủ (chưa xác định rõ vị trí, diện tích, thời hạn thuê đất) thì phải ký lại hoặc ký bổ sung hợp đồng thuê đất.
Đối với các địa phương để đất công ích lớn hơn theo quy định (5%), có diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các cá nhân, đối tượng sử dụng không đúng quy định khẩn trương xây dựng phương án thu hồi để giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng không có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất; trong đó phải ưu tiên giao đất cho các gia đình chính sách và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ gia đình, cá nhân khác chưa có đất sản xuất.
d) Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về đất đai để người dân nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc đăng ký cấp Giấy chứng nhận lần đầu và tự giác thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
a) Xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm cấp Giấy chứng nhận lần đầu gắn với cấp quyền sở hữu công trình và tài sản khác gắn liền với đất đối với tổ chức chưa được cấp Giấy chứng nhận, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% diện tích đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, đất lâm nghiệp do các lâm trường, công ty lâm nghiệp quản lý, sử dụng được cấp Giấy chứng nhận lần đầu trước ngày 30/6/2014.
b) Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất tỉnh tiếp tục rà soát, thống kê từng thửa đất, lập danh sách thông báo đến từng đơn vị, cơ quan Nhà nước chưa cấp Giấy chứng nhận để thông báo yêu cầu khẩn trương thực hiện đăng ký theo quy định.
c) Xây dựng Đề án thành lập Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất một cấp để quản lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính thống nhất toàn tỉnh, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến trong Quý I năm 2014.
d) Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất các huyện, thị xã, thành phố Huế để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
đ) Hướng dẫn và có kế hoạch tổ chức kiểm tra các địa phương thực hiện rà soát, thống kê diện tích đất công ích do UBND cấp xã đang quản lý để có phương án quản lý, sử dụng đất công ích theo quy định, văn bản hướng dẫn cho các địa phương ban hành trong tháng 1 năm 2014, báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, phương án xử lý diện tích vượt quá 5% tại các địa phương trình UBND tỉnh trước ngày 30/7/2014.
e) Hoàn thành và tổ chức tổng kết công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp Giấy chứng nhận theo Quyết định số 414/QĐ-BTNMT ngày 01/4/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Quý II năm 2014.
g) Tập trung nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, ban hành các văn bản để triển khai đồng bộ ngay khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thực hiện từ ngày 01/7/2014.
5. Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh:
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục về giao đất, giao rừng, cho thuê rừng và cấp Giấy chứng nhận đất lâm nghiệp; thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các lâm trường quốc doanh.
b) Sở Xây dựng phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng trên đất để cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
c) Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh phê duyệt mô hình quản lý cơ sở dữ liệu đất đai toàn tỉnh, lựa chọn phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo cập nhật đồng bộ cơ sở dữ liệu địa chính các cấp và cấp Giấy chứng nhận trực tuyến.
d) Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, hoàn thành tốt các nội dung quy định của Chỉ thị này.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thường xuyên báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc phải báo cáo kịp thời về UBND tỉnh để xem xét giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Luật đất đai 2013
- 2 Quyết định 3038/QĐ-UBND năm 2013 sửa đổi Quy định về trình tự, thủ tục kê khai đăng ký, xét duyệt, thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo dự án Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa kèm theo Quyết định 2483/QĐ-UBND
- 3 Quyết định 48/2013/QĐ-UBND ủy quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do tỉnh Kon Tum ban hành
- 4 Quyết định 414/QĐ-BTNMT năm 2013 về Kế hoạch thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 5 Chỉ thị 1474/CT-TTg năm 2011 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị định 105/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai
- 7 Chỉ thị 05/CT-UB năm 1998 về đẩy mạnh và hoàn thành việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp do tỉnh Bến Tre ban hành
- 1 Quyết định 48/2013/QĐ-UBND ủy quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2 Quyết định 3038/QĐ-UBND năm 2013 sửa đổi Quy định về trình tự, thủ tục kê khai đăng ký, xét duyệt, thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo dự án Hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa kèm theo Quyết định 2483/QĐ-UBND
- 3 Chỉ thị 05/CT-UB năm 1998 về đẩy mạnh và hoàn thành việc giao đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp do tỉnh Bến Tre ban hành