Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2004/CT-UB

Đồng Hới, ngày 16 tháng 12 năm 2004

 

CHỈ THỊ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC HOÀ GIẢI Ở CÁC CƠ SỞ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Thời gian qua, công tác hoà giải ở các cơ sở trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung đã được các ngành, các cấp, các địa phương quan tâm. Hầu hết các cụm dân cư đều đã thành lập, củng cố, kiện toàn tổ hoà giải và đi vào hoạt động nền nếp, ổn định. Nhiều mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nhân dân đã được các tổ hoà giải, tổ viên tổ hoà giải giải quyết kịp thời, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, giảm bớt các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan Nhà nước, phát huy dân chủ ở các cơ sở, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, nhiều tổ hoà giải được thành lập nhưng không hoạt động hoặc hoạt động còn mang tính hình thức; công tác quản lý Nhà nước về hoạt động hoà giải chưa được chú trọng; kinh phí phục vụ công tác hoà giải còn ít, việc tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng cho các hòa giải viên ít được triển khai, hiệu quả hoạt động còn thấp. Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời để tăng cường hơn nữa công tác hoà giải trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở.

2. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Uỷ ban Mặt trận tổ Quốc Việt Nam cùng cấp khẩn trương chỉ đạo việc rà soát lại toàn bộ tổ hoà giải và tổ viên tổ hoà giải trên địa bàn, đồng thời có kế hoạch, biện pháp cụ thể để củng cố, kiện toàn tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ hoà giải. Đảm bảo tất cả các thôn, xóm, bản, tiểu khu, tổ dân phố và cụm dân cư khác trên địa bàn toàn tỉnh đều có tổ hoà giải đáp ứng được yêu cầu về số lượng và thành phần hoà giải viên của tổ, với các tổ viên đủ điều kiện, tiêu chuẩn và được thành lập, công nhận theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền đã quy định.

3. Cơ quan Tư pháp các cấp có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cùng cấp thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng hoà giải cho các hoà giải viên. Duy trì thường xuyên các hội thi “Hoà giải viên giỏi ”, tăng cường công tác kiểm tra, định kỳ tổ chức Hội nghị sơ kết. Tổng kết về công tác hoà giải ở cơ sở.

4. Hàng năm trên cơ sở kế hoạch sử dụng kinh phí do Cơ quan Tư pháp các cấp lập, Uỷ ban nhân dân cùng cấp phải trích một phần kinh phí từ ngân sách để phục vụ công tác hoà giải ở cơ sở, bao gồm kinh phí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tập huấn nghiệp vụ, tổ chức các hội thi, trang bị tài liệu pháp luật cho các tổ hoà giải, kinh phí tổ chức Hội nghị sơ kết, tổng kết và khen thưởng trong công tác hoà giải.

5. Sở Tư pháp, Sở Văn hoá - Thông tin, các cơ quan Báo, Đài ở địa phương cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng với nội dung phù hợp , thiết thực.

6. Sở Tư pháp có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân tỉnh.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Lưu VT, NC.

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Phan Lâm Phương