Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 28/CT-UB-KT

TP. Hồ Chí Minh, ngày 13 tháng 08 năm 1996

 

CHỈ THỊ

VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, BIỆN PHÁP CẦN TẬP TRUNG THỰC HIỆN TRONG 6 THÁNG CUỐI NĂM 1996 VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH TẾ-XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 1997.

Qua 7 tháng phấn đấu thực hiện, tình hình kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại phải khẩn trương giải quyết, nhất là trong các lĩnh vực thuế, thu chi ngân sách, đầu tư phát triển, cải cách thủ tục hành chánh… Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội năm 1996 và xây dựng kế hoạch năm 1997, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các Sở, Ngành, Quận, Huyện tổ chức thực hiện tốt những việc sau:

I. ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM 1996:

1/ Tiểu Ban đổi mới doanh nghiệp thành phố phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện tiếp tục thực hiện kế hoạch sắp xếp các doanh nghiệp Nhà nước theo Thông báo số 3200/ĐMDN ngày 03/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ ; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp, thành lập thí điểm một số Tổng công ty, Công ty có Hội đồng quản trị và sơ kết Tổng Công ty thương mại Sàigòn, đề xuất phương án tổ chức sắp xếp lại các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty. Đề xuất phương án giải quyết các đơn vị thua lỗ kéo dài theo công văn số 2190/UB-KT ngày 8/8/1995 của Ủy ban nhân dân thành phố.

2/ Cục quản lý vốn và tài sản phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện lập đề án bán tài sản, nhà xưởng không cần dùng để tạo vốn đầu tư đổi mới thiết bị theo công văn số 1642/UB-QLĐT ngày 14/5/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố. Những vướng mắc phải kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố để trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn.

3/ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chánh phối hợp với các Sở, ngành, quận, huyện giám sát và kịp thời giải quyết vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn theo kế hoạch được giao.

4/ Sở Kế hoạch và Đầu tư giúp Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra, đôn đốc các đơn vị xây dựng các chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng theo Chỉ thị số 18/CT-UB-KT ngày 21/5/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố và soát xét điều chỉnh tăng vốn cho các công trình quan trọng.

5/ Sở Giao thông công chánh triển khai thực hiện đề án phụ thu tiền nước theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố khóa V, kỳ hợp thứ 6 ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, lập các dự án về cung cấp nước và xử lý rác.

6/ Sở Tài chánh xây dựng đề án phát hành xổ số kiến thiết (ngoài kế hoạch năm 1996) để tạo vốn xây dựng thêm phòng học.

7/ Kiến trúc sư trưởng thành phố chủ trì phối hợp với các ngành liên quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch cụ thể ranh giới, diện tích các khu công nghiệp tập trung và các khu đô thị mới ; trong đó ưu tiên cho việc bố trí dân cư nội thành ra các khu đô thị mới ; quy hoạch chi tiết 5 quận mới theo Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận thành lập các quận mới.

8/ Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu vốn đăng ký 2 tỷ USD và vốn thực hiện tối thiểu 800 triệu USD trở lên. Kiểm tra lại các dự án đã có giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện để làm rõ nguyên nhân và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

9/ Cục Thuế thành phố kết hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, quận, huyện trong công tác thu để đảm bảo thu đúng, thu đủ và thu kịp thời; thực hiện kiểm tra thường xuyên để quản lý thu thuế đúng thực tế phát sinh, chống thất thu, có biện pháp tích cực đôn đốc các đơn vị nộp các khoản thu còn tồn đọng; bằng mọi biện pháp phấn đấu thực hiện đạt kế hoạch thu ngân sách đã được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua. Trong điều hành chi ngân sách, các Sở, ngành, quận, huyện tính toán chặt chẽ, thực hiện tiết kiệm để dành vốn cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

10/ Sở Thương mại, Ban Vật giá phối hợp với các ngành liên quan tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, xây dựng lực lượng dự trữ hàng hóa, củng cố hệ thống đại lý bán lẻ của doanh nghiệp Nhà nước và hợp tác xã đối với các mặt hàng cần bình ổn giá, đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu, đầu cơ tích trữ, theo dõi nắm bắt kịp thời tình hình biến động giá cả thị trường để có biện pháp đối phó linh hoạt nhằm kềm giữ giá, không để xảy ra đột biến.

11/ Ban Chỉ đạo cải cách hành chánh thành phố và Ban Tổ chức chính quyền tổ chức sơ kết thực hiện cơ chế hành chánh một cửa, sử dụng một con dấu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó xin phép cho mở ra diện rộng các quận, huyện khác và xây dựng thành quy chế thống nhất cho các Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện. Xác định rõ nhiệm vụ và mối quan hệ quản lý hành chánh Nhà nước của từng Sở, ban, ngành, làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức, định biên chế và xây dựng quy chế làm việc.

II. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NĂM 1997:

Trên cơ sở phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch 5 năm 1996-2000 do Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI đề ra và thực hiện Chỉ thị số 442/TTg ngày 03/7/1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 1997, nội dung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 1997 như sau:

1/ Các nhiệm vụ trọng tâm:

1.1- Tiếp tục duy trì nhịp độ tăng trưởng và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế ; nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn, những doanh nghiệp có quy mô lớn, có sức đóng góp cao cho ngân sách, những doanh nghiệp thu hút nhiều lao động… Triển khai các chương trình, dự án với những mục tiêu và điều kiện đảm bảo thực thi (nguồn vốn, giải pháp về cơ chế, chính sách, tiến độ triển khai,…) theo Chỉ thị số 24/CT-UB-NC ngày 19/6/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố.

1.2- Điều hành và quản lý tốt thu chi ngân sách, bảo đảm thu đủ và đúng theo luật định. Cân đối ngân sách bảo đảm tính tích cực, mọi khoản thu, chi đều phải tuyệt đối được phản ánh đầy đủ vào dự toán ngân sách Nhà nước. Triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng, tăng cường huy động mọi nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, coi trọng đặc biệt các biện pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

1.3-Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành văn hóa, giáo dục, y tế, xã hội, giảm tỷ lệ tăng dân số. Tạo bước phát triển mới về giáo dục, đào tạo, thực hiện một bước mục tiêu nâng cao mặt bằng học vấn, tiếp tục xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập cấp II đối với người dân nội thành, các thị trấn, khu đô thị mới đến độ tuổi theo quy định ; đào tạo, khẩn trương bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài. Đẩy mạnh công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng xuống cấp và từng bước cải thiện môi trường.

1.4- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chánh, củng cố và đổi mới bộ máy quản lý Nhà nước ở các ngành, các cấp; trước hết ở các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, cấp phép, nhà đất,… Thực hiện 4 cuộc vận động lớn về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, gây phiền hà nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng.

2/ Nội dung, tiến độ xây dựng và tổng hợp kế hoạch:

2.1- Các nội dung cần tập trung:

+ Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch, các mục tiêu, chương trình, dự án năm 1996 ; nêu rõ những mặt làm được, chưa làm được, nguyên nhân. Chú ý phân tích những trở ngại chính một cách thẳng thắn, không né tránh, đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch, kể cả những vấn đề về cơ chế, chính sách có ảnh hưởng đến việc phát triển ngành, địa phương để từ đó có kiến nghị và biện pháp khắc phục trong kế hoạch năm 1997.

+ Căn cứ vào phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và các lĩnh vực cần tập trung phát triển của kế hoạch 5 năm (1996-2000) đã được Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI thông qua, các Sở, ngành, quận, huyện, Tổng Công ty theo chức năng được phân công xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và dự toán ngân sách năm 1997 và đề ra các chương trình, dự án với những giải pháp cụ thể.

2.2- Tổ chức thực hiện:

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chánh phối hợp hướng dẫn các Sở, ngành, quận, huyện tính toán xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội, bảo đảm các cân đối tích cực, vững chắc.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các Sở, ngành, quận, huyện xây dựng và tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chủ trì làm việc với các Sở, ngành, quận, huyện có sự tham gia của Sở Tài chánh, Cục Đầu tư phát triển, Cục quản lý vốn về kế hoạch kinh tế - xã hội, danh mục và khối lượng công trình đầu tư trong năm 1997.

+ Sở Tài chánh thông báo số kiểm tra về thu, chi ngân sách năm 1997, hướng dẫn các Sở, ngành, quận, huyện xây dựng và tổng hợp dự toán thu chi ngân sách, chủ trì làm việc với các Sở, ngành, quận, huyện có sự tham gia của Cục Thuế, Sở Kế hoạch và Đầu tư về dự toán thu chi ngân sách, kinh phí cho các chương trình, dự án.

2.3- Tiến độ và thời gian:

+ Trước ngày 15/9/1996 các Sở, ngành, quận, huyện, Tổng Công ty gởi báo cáo kế hoạch và dự toán ngân sách năm 1997 cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chánh, Cục Thuế thành phố để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố.

+ Trong tháng 10/1996, Ủy ban nhân dân thành phố sẽ làm việc với một số ngành, quận, huyện về chương trình, dự án trọng điểm.

+ Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức giao kế hoạch năm 1997 cho các Sở, ngành, quận, huyện khi có chỉ tiêu kế hoạch chính thức của Chính phủ giao cho thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo sát sao, chặt chẽ quá trình thực hiện kế hoạch năm 1996 và xây dựng, tổng hợp kế hoạch năm 1997, bảo đảm các phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
Q. CHỦ TỊCH




Võ Viết Thanh