ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 28/CT-UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 01 tháng 07 năm 1992 |
CHỈ THỊ
VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG BÃO LỤT VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI NĂM 1992 .
Các năm gần đây, tình hình thời tiết một số nơi ở nước ta diễn biến rất phức tạp, làm thiệt hại đến người và tài sản, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân và Nhà nước. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, ngoài các công tác thường xuyên và định kỳ, trong mùa mưa bão năm nay, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố và Trung ương đóng trên địa bàn thành phố, phải tích cực thực hiện tốt một số công việc sau đây :
1- Các cơ quan, đơn vị đóng ở các quận nội thành, các vùng đông dân cư có nhiều cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phải kết hợp chặt chẽ các ban ngành chức năng kiểm tra kỹ hệ thống điện, các kho tàng, (vật tư, thiết bị, hàng hóa, lương thực...) của các cơ sở sản xuất, nhà ở, cống rãnh tiêu thoát nước, cây to dễ bị đổ ngã... Trên cơ sở đó lập kế hoạch, phương án và biện pháp xử lý cụ thể, phòng tránh bão, lụt, gió to, lốc xoáy, mưa lớn có thể gây thiệt hại về người và tài sản do thiếu kiểm tra và phòng ngừa có hiệu quả.
2- Các quận ven và ngoại thành có sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, phải xác định vùng có khả năng bị ngập úng, tiến hành tổ chức kiểm tra các công trình thủy lợi (tiêu úng, chống lũ, bờ bao, cống bộng, kênh mương, đê đập, trạm bơm...). Từ đó, xây dựng kế hoạch, phương án bảo vệ sản xuất vụ hè thu, vụ mùa cho từng vùng cụ thể.
Đi đôi với công tác phòng chống bão lụt, phải quan tâm và coi trọng công tác chống hạn vụ hè thu và vụ mùa. Riêng huyện Nhà Bè, Thủ Đức, Cần Giờ có sông lớn và tiếp giáp biển, cần lưu ý bảo vệ sản xuất, tính mạng, tài sản của nhân dân gắn với việc bảo vệ ghe thuyền và đánh bắt thủy sản của ngư dân.
3- Các cơ quan, ban, ngành thành phố theo chức năng, nghiệp vụ của mình, kết hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, tổ chức tổng kiểm tra, lập kế hoạch, phương án, biện pháp bảo vệ các cơ sở vật chất kỹ thuật của các công trình xây dựng cơ bản do ngành, đơn vị quản lý. Bố trí tiến độ thi công thích hợp các hạng mục và công trình trọng điểm, để hạn chế thiệt hại khi mưa to, bão lụt xảy ra.
4- Các quận, huyện, phường xã, cơ quan đơn vị, tiến hành tổng kết, đánh giá công tác phòng chống bão lụt năm 1991, trên cơ sở đó, lập và triển khai kế hoạch phòng chống bão lụt năm 1992 nhằm kịp thời, chủ động ứng phó tại chỗ khi có tình huống thiên tai, bão, lụt xảy ra.
5- Thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, Đài khí tượng thủy văn thành phố phối hợp chặt chẽ với bưu chính, viễn thông và Ban quản lý thủy điện Trị An, hồ Dầu Tiếng, kịp thời thông tin, dự báo tình hình diễn biến thời tiết, xả lũ của 2 hồ xuống hạ du, bảo đảm liên lạc thông suốt để chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản và an toàn của hồ.
Phòng chống bão lụt giảm nhẹ thiên tai là công tác trọng điểm trong mùa mưa, gắn liền với việc thực hiện chương trình hưởng ứng thập kỷ quốc tế giảm nhẹ thiên tai. Các ban ngành thành phố, quận huyện, phường xã, các cơ quan đóng trên địa bàn thành phố hết sức đề cao cảnh giác, phát huy tinh thần trách nhiệm cao, quán triệt phương châm phòng, tránh, chống một cách tích cực sáng tạo, linh hoạt, nhằm hạn chế thiệt hại thấp nhất nếu có tình huống bão, lụt đột biến xảy ra.
Nhận được chỉ thị này, các ngành, quận huyện lập kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện theo nội dung chỉ thị nầy.
Sở Nông nghiệp là cơ quan thường trực của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt thành phố có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra các ngành, các cấp nghiêm túc thực hiện chỉ thị này, đồng thời báo cáo tình hình, kết quả và các vấn đề khó khăn vướng mắc về Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố để kịp thời chỉ đạo giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |