Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/CT-UBND

Bình Thuận, ngày 13 tháng 9 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN (2011 - 2020) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Trong những năm qua, công tác Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng triển khai thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Kết quả thực hiện ở các nội dung về: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy; Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng điều hành hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đó là: công tác chỉ đạo về Cải cách hành chính của thủ trưởng cơ quan ở một số cấp, ngành chưa thực sự quyết liệt; hiệu quả công tác tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh chưa cao; việc thực hiện một số quy trình, thủ tục hồ sơ hành chính của một số cơ quan, địa phương chưa bảo đảm tuân thủ đúng theo quy định, dẫn đến gây phiền hà, chậm trễ trong giải quyết công việc cho tổ chức, cá nhân; công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong giải quyết công việc vẫn còn thiếu đồng bộ, chưa kịp thời; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và giải quyết công việc còn yếu; trình độ, năng lực của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế nhất định và ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm;

Để phát huy những mặt làm được và khắc phục những hạn chế của công tác Cải cách hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị cho thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các công việc sau đây:

1. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định công tác Cải cách hành chính là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình Cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn (2011 - 2020), theo đó tiến hành rà soát và đánh giá hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ Cải cách hành chính tại đơn vị mình.

a) Tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả Kế hoạch CCHC giai đoạn (2011 - 2015), Kế hoạch Cải cách hành chính hàng năm của đơn vị, địa phương bảo đảm đúng với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung và đúng lộ trình Kế hoạch Cải cách hành chính chung của tỉnh. Các sở, ngành, địa phương được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ Cải cách hành chính phải thường xuyên kiểm tra, rà soát và đánh giá mức độ hoàn thành từng nhiệm vụ cụ thể.

Kết quả thực hiện Cải cách hành chính hàng năm là nội dung chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đánh giá, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng cũng như xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ của người đứng đầu, của cán bộ công chức và tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương;

b) Tiếp tục đẩy mạnh Cải cách thủ tục hành chính. Rà soát, xác định nguyên nhân tồn tại yếu kém, đề ra giải pháp khả thi và có biện pháp tổ chức thực hiện tốt để nâng cao chỉ số PAPI, PCI của tỉnh, chú trọng việc rà soát, cập nhật và thông báo công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của ngành và địa phương mình, bảo đảm các thủ tục hành chính thật sự đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện.

Bắt buộc cơ quan hành chính Nhà nước các cấp khi giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân phải thông qua cơ chế Một cửa, cơ chế Một cửa liên thông theo quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ;

c) Rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị trực thuộc, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót về chức năng, nhiệm vụ; rà soát, điều chỉnh quy chế làm việc; xác định vị trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, công chức, viên chức;

d) Thực hiện tốt việc tuyên truyền về cải cách hành chính, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện các nhiệm vụ Cải cách hành chính;

đ) Thường xuyên tự kiểm tra, giám sát việc giải quyết hồ sơ, công việc cho tổ chức, công dân; xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức;

e) Các sở, ngành và địa phương phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong giải quyết hồ sơ hành chính của các tổ chức, cá nhân, nhất là giải quyết hồ sơ trên các lĩnh vực đất đai, cấp giấy chứng nhận đầu tư, xác định đơn giá thuê đất, nghĩa vụ tài chính...

2. Sở Nội vụ:

a) Chủ trì theo dõi, đôn đốc và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung tổng thể về Cải cách hành chính hàng năm và từng giai đoạn trên địa bàn tỉnh. Định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định;

b) Tiếp tục nghiên cứu tham mưu để hoàn thiện cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh;

c) Thực hiện việc chấm điểm Chỉ số Cải cách hành chính hàng năm đối với các sở, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố. Cơ quan, đơn vị, địa phương có kết quả thực hiện Cải cách hành chính xếp loại Kém là không hoàn thành nhiệm vụ.

Đưa kết quả điểm Chỉ số Cải cách hành chính vào tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức kể từ năm 2014 trở đi;

d) Hướng dẫn, thẩm định Đề án vị trí việc làm của từng cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định của Trung ương và của tỉnh.

3. Sở Tư pháp:

a) Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo văn bản được ban hành đúng quy định của pháp luật, tránh chồng chéo và có tính khả thi cao;

b) Tăng cường hoạt động kiểm tra việc thực hiện Kiểm soát thủ tục hành chính; Kiểm soát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức, qua đó kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức.

4. Sở Thông tin và Truyền thông:

a) Đẩy mạnh việc triển khai phần mềm Văn phòng điện tử, ứng dụng chữ ký số trong trao đổi và giải quyết công việc tại các sở, ngành, địa phương;

b) Phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai tốt ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.

5. Văn phòng UBND tỉnh:

a) Phối hợp với các Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan tích hợp, công khai các thông tin về thủ tục hành chính, các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh;

b) Bảo đảm kết nối thông suốt giữa Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; hình thành mạng thông tin hành chính điện tử và Hệ thống thông tin quản lý cơ sở dữ liệu, biểu mẫu của tỉnh.

6. Sở Khoa học và Công nghệ:

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mở rộng mô hình khung trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đối với các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.

7. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bình Thuận:

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác Cải cách hành chính; xây dựng các phóng sự chuyên mục, chuyên trang về Cải cách hành chính; kịp thời, phát hiện nêu gương, biểu dương những cá nhân, tập thể tiêu biểu, tiến tiến có những sáng kiến góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong thực hiện các nhiệm vụ Cải cách hành chính của đơn vị, địa phương.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Tiến Phương