Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/CT-UBND

Nghệ An, ngày 08 tháng 8 năm 2024

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHIÊM CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG BỆNH DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy trên 42.400 con lợn, nhất là tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam, Long An... gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Dịch bệnh đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm, chỉ số giá tiêu dùng và môi trường.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 145 ổ Dịch tả lợn Châu Phi tại 20 huyện, thành, thị, buộc tiêu hủy 3.470 con lợn. Trong đó một số địa phương phát sinh nhiều ổ dịch như huyện Thanh Chương (27 ổ), Đô Lương (18 ổ), Anh Sơn (14 ổ), Yên Thành (14 ổ), Nghi Lộc (12 ổ). Hiện nay còn 15 ổ dịch chưa qua 21 ngày. Nguyên nhân dịch xảy ra: (1) Nhiều địa phương chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai chống dịch, chưa tiêu hủy triệt để, kịp thời dẫn đến dịch bệnh dây dưa, kéo dài; (2) Không bố trí đủ nguồn kinh phí, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch, không lập các chốt kiểm soát vận chuyển động vật ra vào địa bàn, không cấm giết mổ, mua bán lợn và sản phẩm của lợn tại lò mổ, chợ trong vùng dịch; (3) Tỷ lệ tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn vật nuôi đạt thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, đặc biệt là hầu hết các địa phương không chỉ đạo tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP cho đàn lợn thịt; (4) Việc tái đàn, tăng đàn và vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật chưa được kiểm soát chặt chẽ, triệt để theo quy định; (5) Chưa xử lý nghiêm các trường hợp không tiêm phòng các loại vắc xin bắt buộc cho đàn lợn...

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 14/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; Để tăng cường phòng, chống, kiểm soát bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã báo cáo Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy, thị ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đồng thời chủ động tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh, tập trung một số nhiệm vụ cụ thể sau:

a) Trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết đúng theo quy định và hướng dẫn về phòng chống bệnh DTLCP; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

b) Chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách quy định của pháp luật. Chỉ hỗ trợ đối với lợn đã tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh bắt buộc theo quy định.

c) Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

d) Rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm phòng bệnh DTLCP; trên cơ sở đó tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng chống bệnh; chỉ đạo, hướng dẫn người dân tiêm phòng vắc xin DTLCP cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn tại các văn bản: Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Công văn số 7296/UBND-NN ngày 30/8/2023 của UBND tỉnh, Công văn số 944/CNTY.QLDB ngày 23/11/2023 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

e) Báo cáo tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch hàng ngày về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Chi cục Chăn nuôi và Thú y); xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh.

g) Xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để dịch bùng phát ra diện rộng trên địa bàn quản lý.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương:

a) Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh DTLCP; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, không để dịch lây lan diện rộng.

b) Đôn đốc các địa phương bố trí kinh phí và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025.

c) Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, đảm bảo kịp thời, đầy đủ số liệu dịch bệnh trên hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS); tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

3. Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường phối hợp với lực lượng thú y, công an, thanh tra giao thông xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển trên thị trường nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP và các dịch bệnh động vật khác.

4. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch bệnh DTLCP để người dân không hoang mang, chủ động áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên ngành Chăn nuôi, Thú y.

5. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.

6. Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, tiêu hủy động vật, sản phẩm động vật.

7. Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; ngành thú y tăng cường kiểm tra, bắt giữ và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; không rõ nguồn gốc; không có giấy chứng nhận kiểm dịch, trốn tránh kiểm dịch qua đường cao tốc Bắc - Nam và các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ; bán chạy động vật mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường.

8. Các Sở, ngành cấp tỉnh có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh DTLCP và các loại dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN & PTNT (để b/c);
- Cục Thú y (để b/c);
- Cục Chăn nuôi (để b/c);
- Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các PCT NN UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành cấp tỉnh có liên quan;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- CVP, PCVP KT UBND tỉnh;
- Chi cục Chăn nuôi và Thú y;
- Lưu: VT, NN (M).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Đệ