BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRUNG ƯƠNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 28-VP/DS | Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 1960 |
CHỈ THỊ
HƯỚNG DẪN THI HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ NHÂN KHẨU NĂM 1960 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH THEO QUY ĐỊNH SỐ 298-TTG NGÀY 12/8/1959 NÓI TRÊN
Chỉ thị này nhằm hướng dẫn và giúp đỡ cho cán bộ làm công tác điều tra dân số nghiên cứu nắm vững được tinh thần và nội dung chủ yếu của bản “Quy định về việc đăng ký nhân khẩu năm 1960” do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định trên, để thống nhất áp dụng trong khi tiến hành công tác.
Về điều 1:
PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ TỔ CHỨC ĐĂNG KÝ NHÂN KHẨU
Điều này định rõ những nhân khẩu thuộc phạm vi cần phải được đăng ký và sự phân công tổ chức đăng ký nhân khẩu.
I. NHÂN KHẨU VIỆT NAM
Tất cả những người Việt Nam ở trong nước và những nhân khẩu Việt Nam tạm thời ra nước ngoài đều phải được đăng ký ở trong nước. Những nhân viên Việt Nam công tác. học tập… có tính chất thường xuyên ở nước ngoài và Việt kiều do các ngành trung ương phụ trách đăng ký theo kế hoạch riêng.
Về mặt tổ chức đăng ký, cần phân biệt như sau:
1. Những nhân khẩu do Ban điều tra dân số các cấp phụ trách tổ chức đăng ký.
- Tất cả những người Việt Nam (trừ những nhân khẩu do Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh, Bộ Công an phụ trách đăng ký), kể cả những người mất quyền công dân, cư trú thường xuyên ở trong nước.
- Tất cả những người Việt Nam tạm thời ra nước ngoài.
2. Những nhân khẩu do Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh phụ trách đăng ký.
a) Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng, bao gồm tất cả những nhân khẩu cư trú ở trong doanh trại hay ở ngoài doanh trại.
b) Những loại nhân khẩu khác như những nhân khẩu không phải là công nhân viên quốc phòng, những nhân khẩu gia thuộc quân nhân, công nhân viên quốc phòng cư trú trong doanh trại có đủ giấy tờ di chuyển hẳn do chính quyền địa phương nơi cư trú gốc cũ cấp, hoặc không có giấy chứng nhận di chuyển nhưng đã cư trú trong doanh trại trên 6 tháng.
- Những nhân khẩu gọi là quân nhân là những người có chứng minh thư do quân đội cấp, có mang quân hiệu, quân hàm.
- Những nhân khẩu gọi là công nhân viên quốc phòng là những người có giấy của Bộ Quốc phòng chứng nhận đăng ký trong hệ thống quốc phòng.
Đối với tất cả những nhân khẩu trên, sau khi đăng ký và tổng hợp xong, các đơn vị quân đội hoặc tổ chức quốc phòng phụ trách tổ chức đăng ký phải gửi toàn bộ tài liệu đăng ký và tổng hợp lên thẳng Bộ Quốc phòng - Tổng tư lệnh. Các địa phương không có trách nhiệm đăng ký, tổng hợp.
c) Các loại nhân khẩu sau đây vẫn do Bộ Quốc phòng Tổng tư lệnh phụ trách đăng ký.
- Quân nhân do Quân đội biệt phái không phải là quân nhân chuyển ngành sang làm việc các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sản xuất quốc doanh ngoài hệ thống quốc phòng.
- Quân nhân về các địa phương có các loại giấy tờ đi công tác (công lệnh), giấy thuyên chuyển trong nội bộ quân đội, giấy ra viện, giấy an dưỡng, giấy nghỉ phép đã hết hạn mà chưa qúa 6 tháng.
- Quân nhân đã được chuyển ngành, phục viên, vì lý do nào đó, lại trở lại quân đội có đủ giấy chứng nhận di chuyển, hoặc không có giấy chứng nhận di chuyển nhưng đã ở trên 6 tháng.
- Quân nhân tại ngũ nằm ở các bệnh viện “dân y” thì do bệnh viện “dân y” đăng ký, nhưng sau khi đăng ký xong, gửi cả phiếu và bản kê khai danh sách về Quân khu sở tại để tổng hợp chung với quân đội.
- (Quân nhân ở bệnh Lao và Trại Phong (trại hủi) thuộc Bộ Y tế quản lý: Quân đội không đăng ký và không tổng hợp, mà do bệnh viện Lao và Trại phong thuộc Bộ Y tế đăng ký gửi phiếu đăng ký cho Ban điều tra dân số địa phương, tùy theo sự phân cấp đăng ký tại địa phương, để tổng hợp chung vào dân số địa phương đó).
3. Những nhân khẩu do Bộ Công an phụ trách đăng ký và tổng hợp
a) Bộ Công an nhân dân võ trang: do Ban chỉ huy công an nhân dân võ trang trung ương phụ trách đăng ký và tổng hợp theo hệ thống dọc từ các đơn vị cơ sở lên thẳng Trung ương như quân đội. Tất cả các điều, tiết quy định cho quân dội ở phần trên đều áp dụng trong việc đăng ký, tổng hợp đối với công an nhân dân võ trang.
b) Nhân viên công an (không phải võ trang) trong biên chế: không phân biệt ở trong hay ở ngoài phạm vi tổ chức, quản lý của cơ quan công an, đều do các Sở, Ty công an phụ trách tổ chức đăng ký và tổng hợp, rồi báo cáo thẳng cho khu, thành phố, tỉnh để tổng hợp, rồi báo cáo thẳng cho khu, thành phố, tỉnh để tổng hợp chung vào dân số địa phương và Bộ Công an. Phiếu đăng ký do Sở, Ty công an lưu trữ.
c) Nhân viên công an (không phải võ trang) ngoài biên chế và gia thuộc của nhân viên công an: nếu cư trú thường xuyên trong phạm vi tổ chức và quản lý của cơ quan công an (tính theo 4 nguyên tắc thường trú trong quy định đăng ký chung) thì đều do các đơn vị công an hữu quan tổ chức đăng ký. Sau khi đăng ký xong, cơ quan công an phụ trách tổng hợp và gửi bản tổng hợp kèm theo các phiếu đăng ký cho cấp khu, thành phố, tỉnh tổng hợp vào dân số địa phương.
d) Phạm nhân và những nhân khẩu đang bị tạm giam do Sở, Ty công an phụ trách đăng ký và tổng hợp báo cáo cho khu, thành phố, tỉnh để tổng hợp vào dân số địa phương, con của phạm nhân đẻ tại trại giam thì do Sở, Ty công an đăng ký vào phiếu riêng và tổng hợp riêng để khỏi lẫn lộn với phạm nhân và nhân viên của trại giam thường trú ở nhà tập thể trong khu vực trại giam. Phạm nhân vượt tù dưới 6 tháng vẫn do Sở, Ty công an đăng ký. Phiếu đăng ký do Sở, Ty công an lưu trữ.
Ngoài ra, trong khu vực do quân đội, công an quản lý, nếu có thường dân ở xen kẽ và nếu là nơi cơ mật thì các đơn vị quân đội, công an hữu quan tổ chức đăng ký (theo phiếu A). Sau khi đăng ký xong, không tổng hợp vào tài liệu của quân đội, công an, mà chuyển ngay phiếu đăng ký cho Ban điều tra dân số địa phương sở tại để tổng hợp chung với dân số địa phương đó. Nếu không phải là nơi cơ mật thì đơn vị quân đội, công an hữu quan bàn giao với Ủy ban Hành chính sở tại để địa phương tổ chức đăng ký.
Điểm chung cần chú ý là cần có sự bàn giao, phân công trách nhiệm dứt khoát giữa quân đội, công an với các địa phương sở tại bằng cách gặp nhau trực tiếp, hoặc bằng cách thông báo tình hình cụ thể ở ngay ở bước chuẩn bị và càng sớm càng tốt.
Chú thích: Quân nhân tại ngũ, công nhân viên quốc phòng, nhân viên công an trong biên chế do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phụ trách trước Chính phủ trung ương tổ chức đăng ký theo kế hoạch riêng, các địa phương không có trách nhiệm đăng ký, tổng hợp, nên trên đây chỉ giải thích hướng dẫn các điểm có liên quan đến các địa phương.
4. Những nhân khẩu Việt Nam thường xuyên ở ngoài nước: do các ngành Trung ương phụ trách đăng ký theo kế hoạch riêng, các địa phương không có trách nhiệm đăng ký, tổng hợp.
II. NHÂN KHẨU NGOẠI QUỐC
Tất cả những người nước ngoài cư trú thường xuyên ở nước ta đều phải được đăng ký.
Về mặt tổ chức đăng ký hoặc thu thập tài liệu về dân số, cần phân biệt như sau:
1. Những nhân khẩu do Ban điều tra dân số các cấp phụ trách đăng ký: Hoa kiều, Lào kiều.
Tất cả các ngoại kiều khác (ngoài người Hoa kiều, Lào kiều), thuộc các nước xã hội chủ nghĩa hay các nước khác, đều đã được Bộ Công an đăng ký, tuy nhiên, khi lập danh sách các hộ và nhân khẩu cũng như tiến hành đăng ký, nếu cán bộ, nhân viên điều tra dân số phát hiện thấy hộ hoặc nhân khẩu ngoài kiều nào không có giấy chứng nhận cư trú do Sở, ty công an cấp thì vẫn đăng ký vào một phiếu loại A, và không làm phiếu để lại cho chủ hộ, và gửi ngay phiếu đăng ký để lại cho chủ hộ, và gửi ngay phiếu đăng ký đó cho công an khu, thành, tỉnh để tổng hợp chung vào danh sách ngoài kiều cư trú tại địa phương.
Để tiện cho việc kiểm tra và đối chiếu với tài liệu cho ngành công an đã thu thập, trong khi tiến hành đăng ký, các Ban điều tra dân số địa phương cần chú ý:
- Trong một hộ, nếu vợ chồng… là người Việt Nam thì nay vẫn đăng ký người Việt Nam đó, còn vợ hay chồng… là ngoại kiều, ngành công an đã đăng ký rồi, nay không đăng ký lại nữa.
- Đối với người con:
+ Nếu bố là người Việt Nam thì con theo quốc tịch Việt Nam, cả bồ và con đều phải đượ c đăng ký phiếu loại A.
+ Nếu bố là ngoại kiều thì con theo quốc tịch của người bố và đều coi là ngoại kiều, ngành công an đã đăng ký rồi, nay không phải đăng ký lại nữa.
2. Tất cả những nhân viên nước ngoài đang công tác tại Việt Nam đều đăng ký theo kế hoạch riêng, địa phương không có trách nhiệm đăng ký, tổng hợp.
Về điều 2:
ĐƠN VỊ ĐĂNG KÝ
Các hai loại hộ: hộ thông thường và hộ tập thể.
1. Hộ thông thường: Trong khi đăng ký, nhất thiết không phải giải quyết vấn đề tách hay nhập hộ, làm xáo trộn những hộ sẵn có, do đó nói chung tiến hành đăng ký dựa vào cơ sở “hộ” cũ theo đăng ký hộ khẩu ở thành thị và hộ tính thuế nông nghiệp ở nông thôn. Trường hợp có những nhân khẩu đến nay vì lý do nào đó, chưa ở trong một bộ phận nào cả thì tùy theo tình hình cụ thể, có thể đăng ký vào một phiếu riêng coi như một bộ, hoặc đăng ký nhập vào hộ sẵn có nào đó. Trường hợp ở những nơi chưa có tổ chức theo hai loại hộ trên thì xác định theo tiêu chuẩn cùng ở chung và có một người đứng làm chủ hộ tiến hành đăng ký nhân khẩu.
2. Hộ tập thể: Chỉ kể các đơn vị do cơ quan Nhà nước tổ chức và quản lý. Các hợp tác xã (trừ hợp tác xã mua bán) các tập đoàn, các đơn vị tổ chức dân lập như các trường học, vườn trẻ, nhà hộ sinh… công tư hợp doanh, đại lý, kinh tiêu đều đăng ký theo hộ thông thường. Đăng ký nhân khẩu cư trú trong hộ tập thể, cần chú ý:
a) Phiếu B: chỉ dùng để đăng ký những người ở một mình (không có cha mẹ, vợ, con, bà con…ở chung tại hộ tập thể).
b) Phiếu A: dùng để đăng ký những người có gia đình như 2 vợ chồng, có con, cha, mẹ, người thân thuộc ở chung với nhau trong hộ tập thể. Tuy đăng ký theo hai loại phiếu, những vẫn tổng hợp chung vào số nhân khẩu trong hộ tập thể và có phân loại để nghiên cứu.
Về điều 3:
MỐC THỜI GIAN ĐĂNG KÝ
1. Trước hết cần biết tại sao phải định mốc thời gian.
Mốc thời gian là một điểm thời gian nhất định được ấn định làm căn cứ để thống nhất tính tổng số nhân khẩu thường trú ở khắp các địa phương trong toàn miền Bắc khỏi trùng khỏi sót và để tính tuổi của nhân khẩu khi biết rõ ngày, tháng, năm sinh. Mốc thời gian lấy 0 giờ của một ngày nhất định để tính nhân khẩu vì đó là một thời điểm tĩnh nhất trong một ngày theo quan điểm thống kê dân số, một thời điểm thuận lợi nhất cho việc tính tổng số nhân khẩu và tính tuổi của mỗi người.
2. Lấy 0 giờ làm mốc để đăng ký nhân khẩu, nhưng không phải là đánh thức dân dậy lúc 12 giờ đêm (giữa đêm) để đăng ký mà bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày hôm sau mới tiến hành đăng ký lần lượt từng hộ và đăng ký mấy ngày liên tiếp mới xong hết được.
3. Kể từ 7 giờ sáng ngày 01/3/1960 (tức là 7 giờ sáng ngày mồng 04 tháng 02 năm Canh tý) các địa phương sẽ bắt đầu và lần lượt tiến hành đăng ký…, nghĩa là bắt đầu từ sáng ngày 01/3/1960 tất cả các địa phương đều phải thống nhất tiến hành đăng ký, chữ lần lượt có nghĩa là tiến hành đăng ký từng hộ, trong từ 5 đến 7 ngày sau mốc thời gian đăng ký, chứ không phải tập trung đăng ký tất cả mọi người vào một giờ hay một buổi trong một ngày nhất định nào đó (ví dụ vào buổi sáng ngày 01/3/1960).
4. Vì sao lại không đăng ký những nhân khẩu mới sinh, hoặc mới đến ở chính thức sau mốc thời gian?
- Nhân khẩu mới sinh sau mốc thời gian, tức là sau mốc thời gian mới có nhân khẩu này, nếu tính cả là thừa, vì nhân khẩu này chưa có ở mốc thời gian trên.
- Nhân khẩu mới đến ở chính thức sau mốc thời gian, nơi mới không đăng ký nếu tính cả là trúng vì nơi cũ đã đăng ký rồi. Nhưng cũng cần đề phòng trường hợp vì lý do nào đó nơi cũ chưa đăng ký thì nơi mời phải đăng ký tại địa phương.
5. Vì sao lại không đăng ký những nhân khẩu đã chết hoặc đã di chuyển chính thức đi nơi khác trước mốc thời gian đăng ký.
Vì mốc thời gian nhân khẩu đó không còn sống, hoặc không còn ở tại nơi trú cũ nữa, nếu đăng ký cả và thừa hoặc trùng.
Về điều 4:
LOẠI NHÂN KHẨU ĐĂNG KÝ
Nhân khẩu thường trú là nhân khẩu có một địa điểm cư trú thường xuyên nhất định và khác với loại nhân khẩu có mặt (cùng nghĩa với tạm trú, hiện có) là nhân khẩu không kể nơi họ cư trú thường xuyên ở đâu, nếu có mặt tại nơi nào vào mốc thời gian nào đó là nhân khẩu có mặt tại nơi đó.
Địa chỉ thường trú để đăng ký nhân khẩu:
Tất cả các nhân khẩu đều phải được đăng ký tại địa chỉ nơi mình ở chứ không phải đăng ký ở nơi mình làm việc. Do đó, các phiếu đăng ký phải được ghi theo địa chỉ nhà ở (tức là theo các hộ thông thường hay hộ tập thể) chứ không ghi theo địa điểm làm việc. Riêng trong mục nghề nghiệp ở phiếu đăng ký nhân khẩu, mới đăng ký theo nơi làm việc hoặc nơi làm nghề đó.
Về điều 5:
CÁC NGUYÊN TẮC ĐỂ XÁC ĐỊNH NHÂN KHẨU THƯỜNG TRÚ
Điều này nêu lên các nguyên tắc chính để xác định nhân khẩu thường trú. Các nguyên tắc này tất nhiên chưa giải quyết được tất cả mọi trường hợp cụ thể về biến động của nhân khẩu, nhưng về căn bản đã giải quyết được hầu hết các hiện tượng biến động có tính chất phổ biến của nhân khẩu.
Khi vận dụng các nguyên tắc trên để xác định nhân khẩu thường trú, phải điều tra kỹ, sâu tình hình cụ thể và phải nắm vững tinh thần cơ bản của nguyên tắc quy định là phải làm thế nào để phân biệt cho được nhân khẩu cư trú lâu dài với nhân khẩu tạm thời cư trú ở địa phương để khỏi tính trùng hoặc bỏ sót nhân khẩu. Do đố, phải cân nhắc hết sức thận trọng và đề phòng lối vận dụng chủ quan, giản đơn, tùy tiện.
Dưới đây giải thích hướng dẫn cụ thể từng nguyên tắc.
Nguyên tắc 1:
“Tất cả các nhân khẩu cư trú thường xuyên cố định ở nơi nào thì đăng ký là nhân khẩu thường trú nơi ấy”.
Đây là một nguyên tắc cơ bản nhất, nó giải quyết tuyệt đại bộ phận nhân khẩu đã có một nơi cư trú thường xuyên cố định như những loại nhân khẩu sau đây:
1. Nhân khẩu cư trú thường xuyên ở một nơi cố định và có mặt ở nhà đó vào lúc 0 giờ ngày 01/3/1960.
2. Nhân khẩu cư trú thường xuyên ở một nơi cố định tuy vắng mặt vào lúc 0 giờ ngày 01/3/1960 hoặc vắng mặt trong thời gian ngắn ở nơi đó, nhưng vẫn được tính là nhân khẩu thường trú ở nhà đó trong những trường hợp ví dụ sau đây:
+ Những người đi làm kíp đêm, làm trực nhật ở các địa điểm công tác;
+ Những người đang thừa hành nhiệm vụ trên tàu hỏa, tàu thủy, ô tô… đang đi áp tải hàng hóa…
+ Những người đang làm công việc đồng áng;
+ Những người đi buôn chuyến, đi săn bắn, đi kiếm củi, đi đánh cá…
+ Những người đi chơi, đi thăm họ hàng, bà con quen thuộc…
Nguyên tắc 2:
“Các nhân khẩu đã tời khỏi chỗ ở cũ trước mốc thời gian đăng ký nếu có giấy chứng nhận di chuyển hẳn thì đăng ký nhân khẩu thường trú ở nơi cư trú mới”
- Nguyên tắc này xét tính chất thường trú lấy “giấy chứng nhận di chuyển hẳn” làm căn cứ để xác định nhân khẩu thường trú. Bởi vậy phải quy định loại giấy tờ có giá trị chứng nhận đi chuyển hẳn như sau:
1. Đối với nhân dân nói chung, chỉ có các loại giấy tờ sau đây có giá trị chứng nhận di chuyển hẳn:
+ Giấy “chứng nhận di chuyển” của Ủy ban hành chính các cấp (cấp thấp nhất là xã, thị trấn, khu phố) cáp cho rời hẳn chỗ ở cũ đi nơi khác để ở hoặc sản xuất làm ăn lâu dài, hoặc đi làm nghĩa vụ quân sự (tòng quân, nhập ngũ).
+ Giấy phục viên của quân đội, giấy cho thôi làm việc (ví dụ cho về địa phương sản xuất, tham gia công tác ở xã…) do các cơ quan Nhà nước cấp.
+ Lệnh bắt giam của cơ quan công an, tư pháp.
2. Đối với nội bộ cơ quan Nhà nước và các đoàn thể từ cấp huyện trở lên, các loại giấy tờ sau đây có giá trị chứng nhận di chuyển hẳn:
+ Giấy điều động, thuyên chuyển công tác, giấy thôi trả lương do cơ quan hành chính, quân sự, xí nghiệp, công trường, nông, lâm trường, đoàn thể cấp.
Tất cả các loại giấy tờ khác, ngoài các loại giấy tờ quy định trên đây, đều không có giá trị chứng nhận di chuyển hẳn.
Nguyên tắc 3:
“Các nhân khẩu rời khỏi chỗ ở cũ trước mốc thời gian đăng ký, nếu không có giấy chứng nhận di chuyển hẳn hoặc không rõ đi đâu thì tính từ ngày người đó rời chỗ ở cũ ra đi đến mốc thời gian đăng ký, nếu chưa đủ 6 tháng thì đăng ký tại nơi cư trú cũ, nếu qúa 6 tháng thì đăng ký tại nơi cư trú mới”.
- Nguyên tắc này lấy mốc 6 tháng kể từ mốc thời gian đăng ký trở về trước kết hợp với việc xét tính chất cư trú là thường xuyên hay tạm thời để xác định nơi cư trú thường xuyên của nhân khẩu.
Sỡ dĩ phải lấy mốc 6 tháng vì nếu thời gian qúa ngắn (ví dụ vài ba tháng) biến động của nhân khẩu càng nhiều, việc tính nhân khẩu thường trú càng phức tạp, đồng thời ý nghĩa “thường trú” đối với từng địa phương cũng ít tác dụng.
Muốn tính được chính xác mốc 6 tháng, đòi hỏi bản thân người được đăng ký và các người khác có liên quan kê khai đăng ký và các người khác có liên quan kê khai đăng ký cho người đó, tại nơi ở cũ và tại nơi mới phải nhớ rõ và thống nhất ngày tháng rời khỏi gia đình (gốc) nơi thường trú cũ (có thể tính từ lần rời khỏi gia đình lần đầu tiện hoặc là lần cuối cùng tùy theo từng trường hợp cụ thể).
Để bớt phức tạp, nay thống nhất tính mốc 6 tháng theo cách sau đây: nhân khẩu nào đã rời gia đình (gốc) ra đi từ tháng 8/1959 trở về trước (từ là từ tháng 7 năm Kỷ Hợi) thì coi là nhân khẩu đó đã đi qúa 6 tháng, nơi nhân khẩu đó cư trú cũ không đăng ký nữa.
Dưới đây nêu lên một số trường hợp thường gặp và cần tính theo mốc 6 tháng:
- Nhân khẩu thoát ly cơ sở nông thôn đi ở thuê, đi làm phụ động, tạm chuyển, công nhật, làm khoán…ở các cơ quan, công trường, xí nghiệp quốc doanh, ở các công nông trường quân đội.
- Những nhân khẩu đi đâu không rõ, những nhân khẩu tuy có nơi ở gốc (không phải nhân khẩu cơ nhỡ, vô gia cư) nhưng thường xuyên đi nay đây mai đó không có đủ giấy tờ chứng nhận di chuyển hợp lệ.
- Những nhân khẩu đi học hoặc dạy học các lớp dài hạn 6 tháng ở xa gia đình, nơi cư trú gốc cũ:
+ Nếu thường trú tại trường thì đăng ký tại trường.
+ Nếu ở trọ ở ngoài trường thì đăng ký tại nơi ở trọ.
Nguyên tắc 4:
“Nhân khẩu không có nơi cư trú nhất định, trong thời gian tiến hành đăng ký, nếu có mặt tại đâu thì đăng ký là nhân khẩu thường trú tại đấy”.
Vận dụng nguyên tắc này để tính nhân khẩu thường trú khi gặp những trường hợp nhân khẩu không chỉ rõ được nơi thường trú của mình. Ví dụ:
- Nhân khẩu cơ nhỡ, vô gia cư, không còn bà con thân thuộc, không có nhà ở nhất định, lang thang nay đây mai đó…
Đối với các loại nhân khẩu này, trong thời gian đăng ký, họ có mặt ở đâu thì đăng ký tại đó và sau khi đăng ký xong, cấp giấy chứng nhận đã đăng ký cho họ.
Ngoài 4 nguyên tắc chính nói trên, còn phải thi hành một số biện pháp rất cần thiết và rất quan trọng để đề phòng đăng ký trùng hoặc bỏ sót nhân khẩu như sau:
1. Cần phải làm thật tốt công tác chuẩn bị:
- Tích cực đẩy mạnh công tác hộ khẩu của công an đang tiến hành để tạo điều kiện cho công tác điều tra dân số tiến hành thuận lợi, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề lập danh sách chủ hộ (và nhân khẩu) và vấn đề giấy chứng nhận di chuyển trong nhân dân.
- Khi lập danh sách địa điểm dân cư, chủ hộ, cần chú ý đi sâu nghiên cứu phát hiện những trường hợp hộ, nhân khẩu nhập nhằng, khó khăn… để có biện pháp giải quyết kịp thời.
- Ngay ở bước chuẩn bị, các cấp, các địa phương, các ngành, các cơ quan công, nông trường, xí nghiệp… cần có sự liên hệ chặt chẽ, bàn giao, phân công đăng ký giữa nhau cho cụ thể, dứt khóa đối với từng đơn vị đăng ký cũng như đối với từng nhân khẩu phải đăng ký.
2. Trong thời gian tiến hành đăng ký, nếu gặp những trường hợp nhập nhằng, khó xác định dứt khoát (còn nghi ngại) thì đơn vị, địa phương… nơi đăng ký nhân khẩu đang cư trú, sau khi đăng ký xong, cần trực tiếp thông báo (đã có mẫu in sẵn) thẳng cho địa phương có liên quan biết để khỏi đăng ký trùng. Việc gửi thông báo nên làm trước mốc thời gian đăng ký càng sớm càng tốt.
Vận dụng các nguyên tắc trên để xác định nhân khẩu thường trú trong các hộ tập thể (cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông, lâm trường…) như thế nào?
Đối với cán bộ, công nhân viên… trong bộ máy Nhà nước không phân biệt ở trong biên chế hay ngoài biên chế, không cần phân biệt nơi nào trả lương, khi xác định nhân khẩu thường trú, phải vận dụng đủ các nguyên tắc nói ở trên, và tất cả những nhân khẩu ấy phải được đăng ký tại nơi ở, chứ không phải đăng ký ở nơi làm việc. (Tức là nếu ở trong hộ tập thể thì đăng ký theo hộ tập thể, nếu ở ngoài thì đăng ký theo hộ thông thường ở ngoài). Trong các đơn vị sản xuất cũng đăng ký theo nơi ở, không được đăng ký theo tổ chức sản xuất.
Nhưng cần phải chú ý những điểm chính sau đây:
1. Để phòng đăng ký trùng hoặc bỏ sót những nhân khẩu mới vào biên chế, những nhân khẩu làm việc phụ động, tạm tuyển, làm khoán, hợp đồng, những nhân khẩu gia thuộc của cán bộ công nhân viên (và những người ở nhờ) ở chung trong hộ tập thể chưa đến 6 tháng tính từ mốc thời gian trở về trước và không có giấy chứng nhận di chuyển hợp lệ.
2. Cần có sự liên hệ chặt chẽ bàn giao, phân công đăng ký cụ thể giữa trung ương với các địa phương, giữa các ngành Trung ương với các đơn vị cơ sở, giữa các đơn vị cơ sở của các ngành (các Bộ) với các địa phương… từng đơn vị và số người phải đăng ký cho dứt khoát ngay trong thời gian chuẩn bị và tranh thủ làm xong trước ngày 15/2/1960. Cần đặc biệt chú ý đến các đơn vị nhỏ làm công tác lưu động như các tổ, các đội sửa đường, thăm dò địa chất, khảo sát rừng, các đội y tế lưu động…
Cách giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể gặp ở các hộ tập thể.
1. Nhân viên thuộc ba, bốn cơ quan ở chung một nhà (tập thể) thì đăng ký theo hệ thống tổ chức riêng từng cơ quan để kiểm tra đối chiếu.
2. Trường hợp cán bộ, công nhân viên không ở với gia đình và cũng không thường xuyên ở trong một đơn vị hộ tập thể nào cả, như thường xuyên đi công tác lưu động, thỉnh thoảng mới về cơ quan (có khi đi công tác ở trong rừng riêng lẻ, nay đây mai đó, địa phương sở tại không biết) thì do Phòng tổ chức cán bộ hoặc nhân sự của đơn vị quản lý hiện đang trực tiếp trả lương phụ trách kê khai để đăng ký vào hộ cơ quan quản lý hộ.
3. Hai vợ chồng cùng là cán bộ, công nhân viên ở hai cơ quan khác nhau, nhưng cùng ăn ở chung ở một hộ tập thể cơ quan (của chồng hay vợ) thì cũng đăng ký tại hộ tập thể cơ quan… mà cả hai vợ chồng cùng ở chung (phiếu A). Gọi là ăn ở chung ở đây là ăn, ở thường xuyên hàng ngày và không kể trường hợp hai vợ chồng ở hai nơi, chỉ về gặp nhau ngày chủ nhật và ngày lễ.
4. Những trẻ em ở vườn trẻ, trại trẻ quốc lập và học sinh ở ký túc xá:
+ Nếu cư trú thường xuyên (chỉ ngày nghỉ, ngày lễ bố mẹ mới đón nhận về nhà) ở vườn trẻ, trại trẻ hay ở ký túc xá thì đăng ký tại vườn trẻ, trại trẻ hay ký túc xá.
+ Nếu chỉ ở theo cách “sáng gửi tối nhận về” thì đăng ký theo nơi cư trú thường xuyên của người trực tiếp nuôi.
5. Trên phạm vi các đất đai do các xí nghiệp, hầm mỏ công trường.. quản lý, nếu có thường dân cất nhà cửa ở nhờ thì đơn vị trực tiếp quản lý đất đai đó nếu được phân công phụ trách phải tổ chức đăng ký các nhân khẩu đó và gửi phiếu đăng ký ra Ban điều tra dân số sở tại để tổng hợp chung vào dân số thường trú ở địa phương đó. Trường hợp này thường gặp ở các đất mỏ, nhà ga, công trường xây dựng…
6. Nhân khẩu làm phụ động, tạm tuyển, công nhật, làm khoán ở công trường mà tự ý bỏ việc đi nơi khác, thì công trường không đăng ký, vì đăng ký thì dễ trùng, hơn nữa công trường, nói chung, không nắm được lý lịch của họ, không quản lý họ được chặt chẽ như công nhân viên trong biên chế.
Về điều 6:
ĐĂNG KÝ CÁC LOẠI NHÂN KHẨU
Trong điều này, các chi tiết 1 và 4 đã rõ nghĩa, chỉ cần giải thích thêm các tiết 2, 3, 5 và 6.
Tiết 2: Thường dân nằm ở bệnh viện: trong đây bao gồm cả nhân viên Nhà nước. Nếu là nhân khẩu không có nơi thường trú (đứt gốc), hoặc có nơi thường trú nhưng đã nằm bệnh viện trên 6 tháng kể từ mốc thời gian trở về trước thì đăng ký tại bệnh viện.
Trẻ em sinh tại các bệnh viện: gặp trường hợp bố mẹ ở 2 nơi khác nhau thì lấy nơi cư trú của mẹ làm căn cứ để đăng ký trẻ mới sinh ở bệnh viện. Đối với nhân khẩu sinh ở bệnh viện qúa xa gia đình, để bảo đảm thời hạn đăng ký, gia đình nhân khẩu đó cần tranh thủ đi thăm hỏi tình hình ở bệnh viện, đồng thời bệnh viện cũng có trách nhiệm báo tin cho gia đình nhân khẩu đó biết càng sớm càng tốt.
Tiết 3: Gọi là “tạm giam” nhưng nhân khẩu đã có lệnh bắt giam của cơ quan tư pháp, cơ quan công an. Còn “tạm giữ” là chỉ kể những trường hợp phạt vi cảnh, tạm giữ để tra cứu… chưa có lệnh bắt giam.
Nếu chưa có lệnh bắt giam của các cơ quan có thẩm quyền như trên, thì đăng ký tại nơi nhân khẩu cư trú trước khi tạm giữ. Cơ quan tạm giữ có nhiệm vụ thu thập đủ tài liệu về dân số để gửi cho Ủy ban Hành chính nơi nhân khẩu đó cư trú trước khi bị tạm giữ. Tốt nhất là bảo đảm thi hành đúng luật, tạm giữ không được qúa 1 ngày, qúa hạn đó thì phải có đủ lệnh bắt giam nếu cần thiết, và nếu không thì phải thả ngay.
Tiết 5.: Tiết này đề ra giải quyết một số trường hợp khó xác định nơi cư trú thường xuyên.
Ví dụ:
- Chồng có nhiều vợ, lúc ở với vợ này, lúc ở với vợ khác, hoặc vì lý do nào đó ở linh tinh nhiều nơi.
- Vợ bộ đội hoặc cán bộ… công tác xa gia đình, lúc chồng về thì ở nhà với chồng, chồng đi thì lại về ở lại bố mẹ đẻ…
Trong một số trường hợp cá biệt như trên, vì không thể giải quyết theo một nguyên tắc nào cả, nên phải lấy nơi đăng ký hộ khẩu tính thuế nông nghiệp hoặc bầu cử Hội đồng nhân dân làm căn cứ để xác định nơi cư trú thường xuyên và thông báo trong các trường hợp xét cần thiết.
Tiết 6: Tiết này chỉ áp dụng cho các nhân khẩu không đăng ký hộ khẩu, không được tính thuế nông nghiệp, hoặc không bầu cử Hội đồng nhân dân ở một nơi nhất định.
Về điều 7:
ĐĂNG KÝ CÁC NHÂN KHẨU CƯ TRÚ HOẶC CÓ NGHỀ NGHIỆP TRÊN MẶT NƯỚC
Ở đây, ý chính cần nắm vững là:
- Tất cả các loại thuyền bè đều lấy “bên gốc” làm căn cứ để đăng ký, Bên gốc ở đây còn có nghĩa là “xã gốc” của những nhân khẩu làm ăn, sinh sống trên mặt nước hoặc có hay không có nơi cư trú thường xuyên trên bộ, nhưng chịu sự quản lý về mặt hành chính của Ủy ban hành chính cấp xã, thị trấn, thị xã (như làm nghĩa vụ công dân, bầu cử ứng cử, lấy giấy thông hành,... ở một nơi nhất định nào đó).
- Đối với loại nhân khẩu này, khi xác định nhân khẩu thường trú chủ yếu vận dụng các nguyên tắc 1 và 4 trong điều 5 của Bản quy định đăng ký nhân khẩu.
Chi tiết về quy định đăng ký, về kế hoạch tổ chức đăng ký: xem bản kế hoạch bổ sung riêng về việc đăng ký các loại nhân khẩu cư trú, làm ăn, sinh sống trên thuyền bè, nhà bè.
VỀ CÁC ĐIỀU 8, 9, 10, 11 VÀ 12 (không có gì phải giải thích thêm)
Sau đây hướng dẫn thêm cách giải quyết một số trường hợp ngoại lệ thường gặp.
1. Đăng ký ở vùng biên giới, giới tuyến: sẽ có hướng dẫn riêng đối với các địa phương có liên quan.
2. Nhân khẩu đến ở nơi cư trú mới chưa đến 6 tháng, đã được chính quyền nơi cư trú mới công nhận là nhân khẩu chính thức, mặc dầu không có giấy tờ chứng nhân di chuyển của chính quyền nơi cư trú cũ: ở đây cần chú ý là không căn cứ vào sự công nhận nhân khẩu chính thức của chính quyền nơi cư trú mới, mà phải căn cứ vào giấy tờ chứng nhận di chuyển của địa phương nơi cư trú cũ để xác định nhân khẩu thường trú (trường hợp này phải giải quyết theo nguyên tắc 3).
3. Nhân khẩu mới về ở nhà chồng (đi lấy chồng) hoặc mới về ở nhà vợ (đi ở rể) trước mốc thời gian đăng ký, mặc dầu chưa có giấy chứng nhận di chuyển hẳn, vẫn đăng ký theo nơi họ hiện đang cư trú (tức đăng ký theo nhà chồng hoặc nhà vợ).
4. Cả gia đình tự động rời chỗ ở cũ đến cư trú một nơi khác trước “mốc thời gian đăng ký” thì đăng ký tại nơi họ mới đến cư trú (trường hợp này thường gặp ở các vùng miền núi).
5. Nhân khẩu rời chỗ ở chính xác đi nơi khác giáp trước và sau mốc thời gian đăng ký (nhập nhằng): nơi cũ chưa đăng ký thì nơi mới phải đăng ký ngay trong thời gian đăng ký, hoặc đăng ký bổ sung nếu đã đăng ký xong, trường hợp cá biệt đi giữa đường vì lý do nào đó (như ốm đau, ở lại thăm bà con dọc đường…) không thể đến kịp nơi ở mới trong thời gian đăng ký hoặc đăng ký bổ sung thì đăng ký nơi ở lại dọc đường để khỏi sót và sau khi đăng ký xong cấp giấy chứng nhận đã đăng ký cho họ.
6. Các trẻ em lúc ở với bố, lúc ở với mẹ.. (không kể các trường hợp các trẻ em đã có nơi cư trú thường xuyên, chỉ lâu lâu mới đi chơi thăm bố hoặc mẹ ở xa nơi cư trú thường xuyên) trong thời gian tiến hành đăng ký, trẻ em đó ở đâu thì đăng ký ở đó.
VỀ CHẾ ĐỘ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐÃ ĐĂNG KÝ, GỬI THÔNG BÁO ĐÃ ĐĂNG KÝ VÀ ĐĂNG KÝ BỔ SUNG
1. Về giấy chứng nhận đã đăng ký.
Giấy này Trung ương đã có in sẵn gửi các địa phương dùng để cấp cho những nhân khẩu không nơi cư trú nhất định như những nhân khẩu đi làm việc lưu động, những nhân khẩu lưu manh, cơ nhỡ đi lang thang nay đây mai đó… sau khi đã đăng ký xong nhằm bảo đảm không bỏ sót nhân khẩu, không tính nhân khẩu nào hai lần.
Giấy chứng nhận đã đăng ký do Ủy ban Hành chính xã, cơ sở cấp và có giá trị trong thời gian đăng ký và đăng ký bổ sung tức là từ 1-3 đến 15/3/1960 hết hạn.
2. Về chế độ thông báo đã đăng ký.
- Trong tất cả mọi trường hợp đăng ký nhân khẩu chưa được bảo đảm đầy đủ chính xác thì cần thông báo kịp thời càng sớm càng tốt cho cấp hành chính cơ sở nơi cư trú cũ của nhân dân hữu quan đó rõ để thống nhất đăng ký, không bỏ sót, tính trùng một nhân khẩu nào.
- Nguyên tắc là Ủy ban hành chính xã, đơn vị cơ sở nơi đăng ký nhân khẩu cư trú có trách nhiệm gửi thông báo thẳng (không phải qua cấp huyện…) cho Ủy ban hành chính xã, đơn vị cơ sở có liên quan, và thống nhất là Ủy ban hành chính xã, đơn vị cơ sở, nơi nhận được thông báo phải gạc bỏ nhân khẩu nói trên nếu đã đăng ký rồi, không phải xét lại trường hợp nơi thông báo đã đăng ký đúng hay sai.
3. Về việc đăng ký bổ sung
Thời gian đăng ký bổ sung thống nhất trong toàn miền Bắc đến 9 giờ tối ngày 15/3/1960 hết hạn.
Trong cuộc điều tra dân số, yêu cầu trọng tâm cao nhất là không tính trùng hoặc bỏ sót nhân khẩu, đảm bảo thu thập số liệu chính xác nhất về tổng số nhân khẩu. Thực tế tình hình biến động về tổng số nhân khẩu, nhất là trong vấn đề biến động về di chuyển trong xã hội, có rất nhiều tình trạng khác nhau rất phức tạp. Chúng ta không thể và cũng không có thể có một bản quy định hay giải thích quy định nào ghi được đủ mọi trường hợp cụ thể về tình hình biến động ấy được, mà chỉ có thể căn cứ và những biến động có tính chất phổ biến thể hiện được tuyệt đại bộ phận trong tình hình chung nêu lên những nguyên tắc và quy định ấy, cán bộ trong khi đăng ký, nhất là khi gặp những trường hợp cụ thể phức tạp, có khó cá biệt nữa, phải có ý thức điều thật kỹ, tìm hiểu sâu để áp dụng cho đúng vào từng trường hợp cụ thể.
| TM. BAN CHỈ ĐẠO ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRUNG ƯƠNG |
- 1 Quy định 298-TTg về việc đăng ký nhân khẩu toàn miền Bắc năm 1959 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 20-TĐTDS/QĐ năm 1974 ban hành phiếu đăng ký nhân khẩu và bản hướng dẫn cách điều tra và ghi các mục trong phiếu đăng ký nhân khẩu của Ban Chỉ đạo điều tra dân Trung ương
- 3 Quyết định 19-TĐTDS/QĐ ban hành bản quy định về việc đăng ký nhân khẩu trong cuộc tổng điều tra dân số miền Bắc lần thứ hai (1974) của Ban chỉ đạo điều tra dân số trung ương
- 4 Thông tư 021-TTg năm 1960 về mốc thời gian đăng ký nhân khẩu trong toàn miền Bắc năm 1960 do Thủ tướng Chính phủ ban hành