Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 282-CT

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NGƯỜI MẮC BỆNH PHONG

Trong những năm qua, ngành y tế và các cấp chính quyền nhiều địa phương đã có cố gắng trong việc tổ chức điều trị, chăm lo đời sống và quản lý người mắc bệnh phong.

Tuy vậy, trong cán bộ và nhân dân còn nhận thức không đúng về bệnh phong, người mắc bệnh phong thường bị hắt hủi, một số địa phương chưa tổ chức tốt việc điều trị và quan tâm giúp đỡ về đời sống để họ đi lang thang ở các thành phố, thị xã.

Hiện nay, dựa vào kết quả nghiên cứu khoa học, giới y học không còn xem bệnh phong là một bệnh nguy hiểm, khả năng lây lan của bệnh phong rất hạn chế, chỉ từ 1 đến 6 phần nghìn, dù là sống chung với người bị bệnh. Đối với những bệnh nhân đã uống thuốc điều trị liên tục 3 tháng trở lên thì không còn khả năng lây lan nữa. Hiện nay, ta đã có thuốc đặc trị có thể chữa khỏi được, không để lại di chứng, chỉ cần phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Để tiến hành thanh toán bệnh phong ở nước ta, trước mắt cần tăng cường quản lý người mắc bệnh phong, chấm dứt tình trạng để bệnh nhân đi lang thang các nơi, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng chỉ thị cho các ngành và các cấp có liên quan làm tốt các việc sau đây:

1. Đối với những bệnh nhân đi lang thang ở điạ phương nào thì Uỷ ban nhân dân địa phương đó có trách nhiệm thu gom, khám xác định bệnh và giải quyết theo các hướng sau:

a) Đối với các bệnh nhân còn ở giai đoạn hoạt tính, có khả năng lây lan thì đưa vào điều trị nội trú tại các khu, trại điều trị phong ở địa phương (nếu có), hoặc khoa da liễu của bệnh viện tỉnh, thành phố.

b) Đối với các bệnh nhân đã qua điều trị và nay đã ổn định thì đưa về nơi cư trú để sống với gia đình. Uỷ ban nhân dân địa phương có trách nhiệm tiếp nhận. Chính quyền xã và hợp tác xã có trách nhiệm giúp đỡ sắp xếp công việc làm, tạo điều kiện cho họ tham gia sản xuất tự túc, khi chưa tự túc được thì Uỷ ban nhân dân xã tổ chức cứu trợ hoặc đề nghị lên trên giải quyết.

c) Đối với những người tàn phế, hoặc già yếu không còn khả năng lao động, không có nơi nương tựa thì đưa vào các trại xã hội của đụa phương để nuôi dưỡng.

d) Đối với những người không muốn về gia đình, hoặc không xác định được nơi cư trú thì địa phương tổ chức cho họ lao động sản xuất, sinh sống phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

2. Ngành y tế cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong cán bộ và nhân dân những kiến thức về bệnh phong, xoá bỏ những định kiến sai lầm về bệnh phong, để cán bộ và nhân dân tham gia việc phòng, chống, tiến tới thanh toán bệnh phong ở nước ta. Các cơ quan y tế phải cử cán bộ về tận nơi có người mắc bệnh phong đang điều trị ngoại trú hoặc ở tại nơi điều trị tập trung giải thích cho nhân dân, kể cả gia đình có người bị bệnh phong hiểu được đặc tính của bệnh, giúp đỡ người bệnh tham gia sản xuất, sinh sống và yên tâm điều trị.

3 . Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần có kế hoạch phát triển và củng cố mạng lưới phòng chống bệnh phong cũng như các bệnh xã hội khác, để tăng cường việc quản lý người bệnh phong và điều trị ngoại trú tại xã, tại nhà.

4. Bộ Y tế và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo cụ thể cho các khu, trại điều trị bệnh phong của trung ương và của địa phương, đẩy mạnh sản xuất, phát triển các ngành nghề thủ công, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho bệnh nhân.

5. Ngành thương nghiệp cần bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm khác cho các khu điều trị bệnh phong theo chế độ đã quy định. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các Bộ Y tế, Thương binh và xã hội, Nội vụ, Nội thương, Lương thực và các ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ thi hành nghiêm chỉnh chỉ thị này.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)