Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được mọi tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng và từng bước đã trở thành thói quen, ý thức của đa số quần chúng nhân dân, cán bộ, công chức, công nhân viên và các tổ chức, cơ quan nhà nước.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều Nghị quyết và các văn bản pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chỉ đạo các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội và các địa phương có biện pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng đơn vị để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nhiều Bộ, ngành, địa phương và tổ chức đã chủ động, tích cực triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của đất nước. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã trở thành nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng buông lỏng quản lý, vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính, ngân sách, làm thất thoát tài sản của Nhà nước còn lớn, nhất là trong một số lĩnh vực như: đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng tài sản công, sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Việc tổ chức lễ hội, kỷ niệm ngày thành lập, đón nhận các danh hiệu thi đua, hội nghị,... còn mang nặng tính phô trương, hình thức, lãng phí thời gian, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Tình trạng lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân diễn ra còn tương đối phổ biến.

Nguyên nhân của tình trạng trên trước hết thuộc trách nhiệm của Thủ trưởng, cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp chưa nhận thức và quán triệt đúng, đầy đủ chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước. Cơ chế, chính sách, biện pháp triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bất cập và chưa phù hợp nhưng lại không được điều chỉnh, bổ sung kịp thời; việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm chưa thường xuyên và chưa nghiêm minh.

Để khắc phục tình trạng trên, nhằm triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước và người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của mình phải tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nhằm quán triệt đến tất cả các ngành, các cấp, các đơn vị và mọi người nhận thức đúng, đầy đủ ý thức, yêu cầu của chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tổng kết, đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan, tổ chức hoặc địa phương mình, gửi báo cáo về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị là người chịu trách nhiệm chính về việc để xẩy ra tình trạng lãng phí, vi phạm các quy định về tiết kiệm.

2. Tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản:

a) Phải thực hiện tốt quy hoạch, chuẩn bị đầu tư chu đáo bảo đảm đúng kế hoạch, lập đề án khả thi sát với yêu cầu, tiêu chuẩn và định mức; thực hiện công khai quy hoạch đất đai, việc giao nhiệm vụ cho đơn vị quản lý và bảo vệ đất đai đã được quy hoạch phải rõ ràng, cụ thể.

b) Đổi mới phương thức, tổ chức giải phóng mặt bằng đúng chính sách, chế độ, không gây thất thoát tài sản, tiền vốn của Nhà nước và nhân dân.

c) Công bố công khai việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm việc sử dụng vốn đúng mục đích, tập trung, có hiệu quả, đúng Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng.

d) Thực hiện đúng Quy chế đấu thầu, nghiêm cấm việc chọn thầu, chỉ định thầu sai nguyên tắc.

đ) Tổ chức giám sát chặt chẽ công tác thi công các công trình xây dựng cơ bản. Đối với một số công trình ở xã, phường, cần tổ chức để nhân dân tham gia giám sát thi công. Các cơ quan, đơn vị có công trình xây dựng, phải công khai quy hoạch, thiết kế và dự toán để cán bộ công nhân viên của cơ quan, đơn vị tham gia kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng từ đấu thầu, thực hiện dự án đền bù đến mua sắm thiết bị và nghiệm thu công trình.

3. Tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng tài sản công và sử dụng ngân sách nhà nước.

a) Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ chi tiêu, hội họp, trang bị điện thoại, mua sắm và sử dụng ô tô... trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, triệt để tiết kiệm trong việc tổ chức các cuộc họp và hội nghị.

b) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định về tổ chức lễ hội, đón nhận các danh hiệu, kỷ niệm ngày thành lập đơn vị, hội nghị ..., nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và ban hành quy định về chế độ chi tiêu cho từng loại, bảo đảm được yêu cầu nhưng thực sự tiết kiệm.

c) Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải thực hiện đúng chế độ công khai tài chính; cơ quan tài chính các cấp kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện chế độ công khai tài chính ở các đơn vị; tăng cường sự giám sát kiểm tra của nhân dân và các tổ chức, đoàn thể, quần chúng.

d) Bộ Tài chính kiểm tra và công bố công khai các đơn vị sử dụng lãng phí kinh phí của Nhà nước, thực hiện không đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại; mua sắm và sử dụng ô tô không đúng chế độ quy định, kiên quyết thực hiện việc điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu.

đ) Nghiêm cấm: việc chi "hộ", chi "thay" của doanh nghiệp nhà nước cho cơ quan quản lý nhà nước, Uỷ ban nhân dân các cấp; sử dụng công quỹ Nhà nước, tập thể làm quà biếu và nhận quà biếu dưới bất cứ hình thức nào; giữ lại các khoản phải nộp ngân sách nhà nước để sử dụng trái chế độ quy định, kể cả đầu tư mua sắm tài sản, chi phúc lợi hoặc thưởng cho cán bộ công nhân viên.

Cơ quan tài chính các cấp kiểm tra, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các vi phạm nhằm thu hồi tài sản và xác định rõ trách nhiệm đối với Thủ tưởng đơn vị nếu phát hiện vi phạm các quy định nói trên.

e) Trụ sở làm việc, nhà công vụ và các công trình kiến trúc khác phải được sử dụng theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cấp có thẩm quyền quy định. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng trụ sở làm việc và diện tích đất đã cấp cho doanh nghiệp nhà nước, kiên quyết xử lý hoặc thu hồi diện tích bị sử dụng lãng phí, không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích theo quy định.

4. Tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước.

a) Về chế độ sử dụng điện thoại, doanh nghiệp phải căn cứ chế độ do Nhà nước quy định để ban hành quy chế sử dụng điện thoại của doanh nghiệp theo nguyên tắc: tiết kiệm, có định mức cụ thể, nếu sử dụng quá mức quy định thì cá nhân tự thanh toán.

b) Các doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh nhất thiết phải có định mức sử dụng nguyên, nhiên,vật liệu. Có chế độ thưởng khuyến khích tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật.

c) Việc tổ chức hội nghị, tiếp khách, ngày lễ, Tết, đón nhận Huân, Huy chương, đi công tác trong và ngoài nước... phải triệt để tiết kiệm và thực hiện đúng chế độ chi tiêu đã quy định.

5. Tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

a) Việc tổ chức lễ, hội, cưới xin, tang lễ và các hoạt động khác phải thiết thực, đơn giản và hết sức tiết kiệm. Nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức lễ, hội để bắt buộc các cá nhân, tổ chức đóng góp tiền của.

b) Các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương cần tuyên truyền, giáo dục ý thức tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng của nhân dân, khuyến khích nhân dân tiêu dùng hàng sản xuất trong nước để hỗ trợ sản xuất phát triển.

6. Tổ chức, cá nhân được giao tiếp nhận, quản lý, phân phối các quỹ hình thành từ nguồn đóng góp, ủng hộ của nhân dân, các tổ chức, Chính phủ, tổ chức phi Chính phủ cho các hoạt động cứu trợ, hoạt động nhân đạo, từ thiện... phải công khai nguồn thu, kết quả phân phối, sử dụng các quỹ này theo đúng Quy chế công khai tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 225/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong dịp Tết cổ truyền hàng năm.

Để bảo đảm cho nhân dân đón Tết cổ truyền hàng năm được vui vẻ, an toàn và tiết kiệm, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong ngành, địa phương và phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:

a) Nghiêm cấm lợi dụng lễ, Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí và dùng tiền công quỹ để biếu xén. Những đơn vị được trích quỹ thưởng theo chế độ cho đơn vị, cá nhân có công trong phối hợp, giúp đỡ thì phải công khai danh sách thưởng và mức thưởng cho toàn thể cơ quan, đơn vị biết.

b) Bảo đảm đáp ứng đủ hàng hoá thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết với giá cả ổn định, quan tâm đến đời sống của nhân dân, không để dân đói, không có Tết; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến; đặc biệt chú ý đến đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa biên giới, hải đảo, vùng bị thiệt nặng nề do thiên tai lũ lụt; thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các gia đình thuộc diện chính sách, bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ và chiến sĩ các đơn vị lực luợng vũ trang; vận động các tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống tương thân, tương ái giúp đỡ các gia đình nghèo. Huy động đủ phương tiện vận chuyển hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp tết; bảo đảm trật tự an toàn xã hội cho nhân dân. Tổ chức tốt các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, vui chơi giải trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá tinh thần cho nhân dân và bè bạn quốc tế có mặt tại Việt Nam. Tổ chức tốt việc chăm lo, phòng chống dịch bệnh và chữa bệnh; kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước và người đứng đầu các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm tổ chức và hướng dẫn thực hiện chỉ thị này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)