Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-UBND

Quảng Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG NỢ ĐỌNG XÂY DỰNG CƠ BẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương, từng bước lập lại kỷ cương trong quản lý đầu tư và xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các chủ đầu tư triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp để xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh như sau:

1. Các sở, ban ngành, địa phương phải có kế hoạch và lộ trình cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trên địa bàn. Đồng thời, từng cấp ngân sách phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo phân cấp; kiểm điểm trách nhiệm trong việc để xảy ra nợ đọng.

2. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, chủ đầu tư các dự án khẩn trương triển khai ngay các giải pháp để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của khối lượng đã thực hiện tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2011:

- Tập trung chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư và xây dựng, rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ theo mục tiêu và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 của tỉnh, huyện, thành phố, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư công.

- Tiến hành rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng, xác định cụ thể nguyên nhân của từng khoản nợ đọng để có kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được tiến hành dần theo lộ trình từng năm và thứ tự ưu tiên hợp lý.

- Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng XDCB bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp phương án xử lý nợ đọng trên địa bàn tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB.

- Từ năm 2013, phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương và coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương; đảm bảo hàng năm trước ngày 20 tháng 5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản.

- Chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng theo kế hoạch. Các sở, ban, ngành, địa phương có công trình nợ đọng xây dựng cơ bản lớn thì không được bố trí vốn cho các dự án khởi công mới; đồng thời phải thực hiện đình hoãn một số dự án để tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.

3. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các chủ đầu tư rà soát lại các dự án đang triển khai thực hiện; chủ động đánh giá xác định hiệu quả, mức độ hoàn thiện, khả năng khai thác của từng dự án, công trình để thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với những công trình dở dang do nợ đọng xây dựng cơ bản theo hướng:

- Đối với những công trình thật sự có hiệu quả, mức vốn để hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

- Đối với những công trình có khả năng khai thác từng phần thì hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép; các hạng mục còn lại phải kiên quyết đình hoãn.

- Đối với những công trình dở dang khác, cần có giải pháp phù hợp (như chuyển đổi hình thức đầu tư) hoặc kiên quyết tạm dừng thực hiện.

4. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ: Yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành rà soát, tính toán lại các dự án Trung ương không cân đối đủ nguồn vốn để kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư; xem xét, tạm dừng tại điểm dừng kỹ thuật hợp lý hoặc hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép.

5. Để không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản mới, từ năm 2013, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, các chủ đầu tư có trách nhiệm:

- Chú trọng nâng cao chất lượng công tác thẩm định các dự án đầu tư, xem đây là giải pháp quan trọng đầu tiên trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư và chống thất thoát lãng phí trong đầu tư.

- Nghiêm túc chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực quản lý đầu tư, xây dựng và các quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án; chủ động áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các ngành liên quan rà soát, tổng hợp, xây dựng kế hoạch và lộ trình xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định; tổ chức hướng dẫn việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị này.

7. Sở Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện quyết toán các công trình, dự án hoàn thành theo đúng thời gian quy định.

- Đối với các công trình, dự án đã quyết toán hoàn thành nhưng còn thiếu vốn, Sở Tài chính tổng hợp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý trả nợ dứt điểm trong năm 2013.

- Đối với các công trình, dự án đã hoàn thành nhưng chậm quyết toán, Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm các chủ đầu tư chậm quyết toán.

8. Định kỳ (6 tháng, 1 năm), các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo và khẩn trương tổ chức thực hiện nghiêm túc./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hoài