Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/CT-UBND

Phú Thọ, ngày 10 tháng 10 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG SỬ DỤNG VẬT LIỆU XÂY KHÔNG NUNG VÀ HẠN CHẾ SẢN XUẤT, SỬ DỤNG GẠCH ĐẤT SÉT NUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn đã có sự tăng trưởng và phát triển khá. Nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đã đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dang hoá chủng loại, trong đó có cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung đã đầu tư dây chuyền sản xuất khá đồng bộ. Tuy nhiên, việc khai thác và sản xuất vật liệu xây còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhất là việc khai thác đất sét làm gạch và sử dụng các lò nung thủ công, thủ công cải tiến, làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được khắc phục, diện tích đất canh tác của nông dân bị thu hẹp.

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 16/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường sử dụng vật liệu xây dựng không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung ban hành tại Quyết định 567/QĐ-TTg , ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012-2020 đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt tại Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND ngày 26/3/2012; nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung, đồng thời triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2020 đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh; giữ gìn đất canh tác nông nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của địa phương, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn tỉnh; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu xây dựng thực hiện ngay các nội dung như sau:

1. Thủ trưởng, Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các chính sách của Chính phủ thuộc phạm vi quản lý của từng cơ quan, ban, ngành, địa phương, nhằm khuyến khích sản xuất và ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung. Hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung, xây dựng lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công cải tiến, lò liên tục kiểu đứng phù hợp với từng địa bàn. Theo dõi, thống kê, tổng hợp tình hình về hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng thuộc thẩm quyền.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

- Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các quy định về cơ chế nhằm tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung theo hướng:

+ Các công trình sử dụng vốn nhà nước như: Trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học... bắt buộc phải sử dụng vật liệu xây không nung theo tỷ lệ trong tổng số vật liệu xây do Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng quy định.

+ Các công trình nhà cao tầng không phân biệt nguồn vốn, ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung, đặc biệt là vật liệu xây không nung loại nhẹ tối thiểu phải đạt 30% trong tổng số vật liệu xây.

+ Khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, các chủ đầu tư phải chú ý việc ưu tiên sử dụng vật liệu xây không nung.

- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng theo Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành, thị thực hiện lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công cải tiến, lò liên tục kiểu đứng theo Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2020 đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt.

- Không sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công. Từ năm 2015 không sử dụng gạch đất sét nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các công trình xây dựng.

- Phối hợp với các hội, hiệp hội nghề nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan truyền thông để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các công nghệ tính năng ưu việt, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường... khi sử dụng vật liệu xây không nung, đặc biệt là gạch bê tông nhẹ.

3. Sở Tài chính có trách nhiệm:

- Đề xuất với UBND tỉnh trình HĐND quyết định nâng mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với việc khai thác đất sét sản xuất gạch lên mức tối đa theo quy định hiện hành.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng; lực lượng Quản lý thị trường và các đơn vị liên quan tổ chức quản lý về các loại vật liệu xây không nung trên thị trường, không để tình trạng các sản phẩm này trở thành độc quyền của một số nhà sản xuất, nhà cung cấp, đẩy giá tăng cao bất hợp lý.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng, hoàn chỉnh các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích phát triển và tạo điều kiện cho các dự án chế tạo thiết bị sản xuất vật liệu xây không nung; các dự án sản xuất vật liệu xây không nung.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

- Tăng cường kiểm tra việc quản lý khai thác và sử dụng tài nguyên đất sét để sản xuất gạch, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục theo đúng các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

- Phối hợp với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành, thị trong việc cấp phép khai thác đất sét sản xuất gạch. Không cấp phép khai thác đất sét sản xuất gạch ngói cho các dự án sản xuất bằng dây chuyên công nghệ liên tục kiểu đứng đã hết tuổi thọ hoặc nằm trong diện xóa bỏ, chuyển đổi theo quy hoạch của tỉnh và kế hoạch của các huyện, thành, thị.

5. Sở Công thương có trách nhiệm:

- Không sử dụng kinh phí khuyến công hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ nung bằng lò thủ công cải tiến, lò liên tục kiểu đứng.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các dự án nhiệt điện sử dụng công nghệ phù hợp giảm thiểu phát thải ra môi trường góp phần giảm diện tích bãi thải, bảo vệ môi trường; đồng thời thu hồi tro, xỉ lò nung đảm bảo chất lượng để làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây không nung.

6. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm:

- Tham mưu với UBND tỉnh ưu tiên hỗ trợ kinh phí (bằng các nguồn vốn của Trung ương, địa phương) cho các đề tài nghiên cứu, thực hiện dự án sản xuất vật liệu xây không nung và sản xuất thiết bị cho sản xuất vật liệu xây không nung.

- Hướng dẫn các cơ chế, chính sách ưu đãi về chuyển giao công nghệ, dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung. Không sử dụng vốn khoa học hàng năm vào việc hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung sử dụng công nghệ bằng lò thủ công cải tiến.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

- Tham mưu cho UBND trình ưu tiên việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án sản xuất vật liệu xây không nung đảm bảo điều kiện: dự án phù hợp với Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của tỉnh, có công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến, có mức tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng thấp, sản phẩm chất lượng cao, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Không cấp phép đầu tư mới cho các dự án sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu.

- Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung.

8. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị có trách nhiệm:

- Kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tái hoạt động các lò thủ công kiểu cũ, các trường hợp vi phạm, không thực hiện xóa bỏ sản xuất gạch thủ công theo quy hoạch của tỉnh và theo kế hoạch của huyện;

- Không cho phép các loại sản phẩm, hàng hóa gạch đất sét nung bằng lò thủ công (Từ năm 2015 đối với gạch đất sét nung bằng lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch) lưu thông trên thị trường và sử dụng trong các công trình xây dựng của tỉnh; không cấp phép đầu tư xây dựng mới hoặc tái xuất (đối với các cơ sở đã chấm dứt hoạt động) các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

- Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện lộ trình giảm dần việc sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công cải tiến, lò liên tục kiểu đứng đảm bảo phù hợp với Quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2012 - 2020 đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt, trong đó chú trọng việc phát triển VLXKN từng bước thay thế gạch đất sét nung.

9. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Phú Thọ và các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở có trách nhiệm: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; nêu gương những tổ chức, cá nhân làm tốt, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất và sử dụng vật liệu xây trên địa bàn.

10. Chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước có trách nhiệm: Chỉ đạo các đơn vị tư vấn trong quá trình khảo sát, thiết kế lập dự án, tăng cường việc sử dụng vật liệu không nung đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành đưa vào sử dụng trong công trình.

Giao Giám đốc Sở Xây dựng chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi và đôn đốc các sở, ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm Chỉ thị này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện; đề xuất giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với Ủy ban nhân dân tỉnh để xử lý.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Công Thủy