HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 29-HĐBT | Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 1981 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG SINH ĐẺ CÓ KẾ HOẠCH TRONG 5 NĂM 1981 - 1985
Sau 5 năm thực hiện nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV và chỉ thị 265 của Hội đồng Chính phủ, cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch đã đạt được kết quả tốt: tỷ lệ phát triển dân số từ 3,2% (năm 1976) xuống 2,23% (năm 1980). Đã có 1022 xã và 14 huyện đạt tỷ lệ phát triển dân số dưới 1,5%; 7 tỉnh và thành phố có thành tích trội hơn là Hải Hưng, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Hà Nam Ninh.
Tuy nhiên, phong trào quần chúng thực hiện sinh đẻ có kế hoạch chưa mạnh, chưa đều; công tác tuyên truyền vận động chưa sâu rộng. Tỷ lệ sinh đẻ trong nữ công nhân, viên chức đến năm 1980 còn 12% so với tổng số nứ công nhân, viên chức (chỉ tiêu đề ra là 10%).
Còn tình trạng trên là do các ngành, các cấp chưa nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa và tính cấp thiết của cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, chưa có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các ngành, các đoàn thể quần chúng trong cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch và việc thực hiện các mặt công công tác khác. Một số địa phương còn coi nhẹ, chỉ giao phó cho ngành y tế.
Để khắc phục tình trạng trên, Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:
1. Các ngành, các cấp phải tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch mạnh mẽ và đều khắp trong cả nước, với mục tiêu là sinh đẻ ít, sinh đẻ thưa, nam nữ thanh niên đã kết hôn thì vận động chậm sinh con đầu lòng. Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên đẻ 2 con và đẻ thưa cách nhau 5 năm; người phụ nữ chỉ nên sinh đẻ khi cơ thể đã phát triển hoàn thiện, tốt nhất từ 22 tuổi trở lên. Đến năm 1985 phải đạt mục tiêu hạ tỷ lệ phát triển dân số bình quân cả nước là 1,7%, trong đó miền Bắc 1,5% trở xuống, miền Nam 1,9% trở xuống. Tỷ lệ sinh đẻ trong nữ công nhân, viên chức là 8% so với tổng số nữ công nhân, viên chức trong đơn vị.
2. Để đạt mục tiêu nói trên, ngoài việc tiếp tục thực hiện biện pháp nêu trong chỉ thị số 265-CP ngày 19/10/1978 của Hội đồng Chính phủ, cần thực hiện các biện pháp sau đây:
a. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng Bộ Y tế sau khi tham khảo ý kiến của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành chỉ tiêu phát triển dân số hàng năm cho từng địa phương.
b. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp, thủ trưởng các ngành, các cơ quan, các đơn vị vũ trang, các đơn vị sản xuất kinh doanh, sự nghiệp chịu trách nhiệm về chỉ tiêu phát triển dân số giao cho địa phương, đơn vị, cơ sở mình.
c. Bộ Y tế chủ trì cùng với Tổng công đoàn Việt Nam, Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nghiên cứu trình Hội đồng bộ trưởng quyết định hoặc quyết định theo quyền hạn của mình các chế độ nhằm khuyến khích cán bộ, công nhân, viên chức thực hiện tốt các mục tiêu của cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch như trích quỹ bảo hiểm xã hội của công đoàn, quỹ phúc lợi của xí nghiệp để khen thưởng; để nghị sửa đổi những chế độ trợ cấp, phân phối có liên quan làm hạn chế kết quả cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch.
Đối với khu vực kinh tế tập thể, Bộ Y tế chủ trì cùng với Bộ Nông nghiệp, Hội liên hiệp nông dân tập thể, ban quản lý hợp tác xã và Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam nghiên cứu và áp dụng các chế độ trợ cấp và chế độ khen thưởng thích hợp nhằm khuyến khích xã viên sinh đẻ có kế hoạch.
d. Củng cố và kiện toàn các ban vận động sinh đẻ có kế hoạch ở địa phương và cơ sở, bảo đảm đúng thành phần và có hoạt động thiết thực. Ở các địa phương, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân làm trưởng ban, trưởng cơ quan y tế và Hội liên hiệp phụ nữ làm phó trưởng ban thường trực, các ngành và các đoàn thể khác làm uỷ viên. Trong từng cơ quan, đơn vị thì thủ trưởng làm trưởng ban, cán bộ y tế và công đoàn làm phó trưởng ban thường trực, cán bộ các ngành và các đoàn thể khác làm uỷ viên. Bộ y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn sự hoạt động của các ban này.
e. Phải hết sức coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục làm cho mọi người cả nam và nữ thấy rõ lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của sinh đẻ có kế hoạch, có ý thức sâu sắc và tự giác về sự cần thiết phải thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Công tác tuyên truyền vận động phải kiên trì và thường xuyên bằng nhiều hình thức, nhưng không nên làm ồ ạt mà phải chú ý tới đặc điểm từng vùng, từng địa phương; chú ý các tỉnh miền Nam, miền núi, vùng đồng bào tôn giáo, để có nhiều hình thức vận động thích hợp. Cần gắn cuộc vận động với các mặt công tác của ngành, của địa phương, với việc thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất, công tác phân phối lưu thông và cuộc sống của từng gia đình, và gắn với nội dung vận động xây dựng gia đình văn hóa mới.
Riêng đối với một số dân tộc quá ít người đang cần phát triển dân số thì phải tăng cường giúp đỡ mọi mặt, để đồng bào sinh đẻ tốt và nuôi dưỡng tốt các cháu, chống nạn hữu sinh vô dưỡng, làm cho dân số của dân tộc này tăng lên.
Cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp cần quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của cuộc vận động này, để lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện. Phải coi công tác sinh đẻ có kế hoạch là một bộ phận quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội, là một quốc sách. Yêu cầu các cấp, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông hội tích cực tổ chức động viên đoàn thể mình tham gia cuộc vận động này.
Bộ Y tế chịu trách nhiệm giáo dục, kiểm tra và tạo điều kiện cho cán bộ y tế làm tròn trách nhiệm của mình, chăm sóc thật tốt sức khoẻ của chị em trong việc áp dụng các biện pháp tránh thai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các ngành, các cấp trong việc thực hiện chỉ thị này và định kỳ báo cáo kết quả lên Hội đồng Bộ trưởng.
| Tố Hữu (Đã ký)
|
- 1 Quyết định 94-CP năm 1970 về cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 2 Quyết định 58-HĐBT năm 1984 về việc thành lập Uỷ ban Quốc gia dân số và sinh đẻ có kế hoạch do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Chỉ thị 265-CP năm 1978 về đẩy mạnh cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch trong cả nước do Hội đồng Chính phủ ban hành