Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 30/2005/CT-TTG

Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA CẦM BẢO ĐẢM AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM

Trong những năm gần đây, công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm đã được chính quyền một số địa phương quan tâm chỉ đạo nhằm cung cấp thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh cho tiêu dùng và xuất khẩu, góp phần ngăn chặn dịch bệnh động vật và phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên, việc giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu hiện nay vẫn còn tuỳ tiện, phân tán, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, đặc biệt ở các đô thị, khu công nghiệp, nơi đông dân cư; nhiều nơi còn buông lỏng việc kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, hạn chế phát triển chăn nuôi quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Để tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có trách nhiệm:

a) Khẩn trương chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và thực hiện quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn theo quy định của Pháp lệnh Thú y, Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và phù hợp với điều kiện từng địa phương. Việc quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải đảm bảo định hướng lâu dài, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật. Ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, khu dân cư đông phải xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, chấm dứt ngay tình trạng giết mổ phân tán, giết mổ tại các chợ. Đồng thời các địa phương phải quy hoạch ngay các chợ, các điểm kinh doanh buôn bán động vật sống, sản phẩm động vật. Việc xây dựng, phê duyệt quy hoạch này phải được hoàn thành và triển khai thực hiện trong năm 2006.

b) Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, tổ chức và quản lý hoạt động kinh doanh giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật tập trung trên địa bàn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, ngăn chặn sự phát sinh và lây lan dịch bệnh. Tuỳ điều kiện, từng địa phương có chính sách hỗ trợ, ưu đãi hợp lý đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung.

c) Tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ theo các quy định bắt buộc về vệ sinh thú y trong kinh doanh buôn bán, giết mổ, sơ chế động vật, sản phẩm động vật. Xử lý thật nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật đối với giết mổ nhỏ lẻ, không qua kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; đồng thời tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân chỉ tiêu dùng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đã được kiểm soát giết mổ, kiểm tra bảo đảm vệ sinh.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương ban hành các quy định về quản lý, quy trình kỹ thuật áp dụng cho hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm.

Phối hợp với các Bộ: Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thương mại, Khoa học và Công nghệ chỉ đạo cơ quan chuyên môn giúp các địa phương trong việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở giết mổ; tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ quản lý, kiểm soát giết mổ bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh cho người và động vật; phòng, chống ô nhiễm môi trường.

3. Bộ Văn hóa – Thông tin phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các chương trình tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, giết mổ, sản xuất, lưu thông và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc gia súc, gia cầm, phòng, chống các bệnh nguy hiểm từ động vật sang người qua con đường tiêu thụ thực phẩm.

Bộ trưởng các Bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, NN(5b). (Hòa 310b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
 



Phạm Gia Khiêm