Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 30/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 1986

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NGHĨA VỤ QUÂN SỰ CÁC CẤP

Mấy năm qua, thực hiện luật nghĩa vụ quân sự, Hội đồng nghĩa vụ quân sự đã được tổ chức theo 3 cấp: Phường (Xã), Quận (Huyện) và Thành phố. Với chức năng giúp Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự ở địa phương, Hội đồng nghĩa vụ quân sự về cơ bản đã thực hiện được nhiệm vụ của mình theo quy định tại điều 25, 26, 27 của luật nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, trong hoạt động của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, một số thành viên chưa ý thức hết trách nhiệm của ngành mình theo luật định, chưa tham dự đầy đủ hoặc cử cán bộ chuyên môn không đủ thẩm quyền quyết định tham dự, nên kết quả chỉ đạo theo ngành dọc làm chậm hoặc làm không triệt để. Một số nơi, Hội đồng nghĩa vụ quân sự làm việc không theo đúng nguyên tắc tập thể, Chủ tịch Hội đồng còn khoán trắng cho cơ quan quân sự, chưa có sự phối hợp đồng bộ phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban ngành, đoàn thể là thành viên Hội đồng.

Qua Đại hội Đảng bộ các cấp, có nhiều thay đổi trong bố trí cán bộ chủ chốt các ngành, từng lúc, từng nơi chưa có sự quan tâm đúng mức đến công tác nghĩa vụ quân sự, công tác quân sự địa phương.

Để phát huy những kết quả đạt đựơc, khắc phục những thiếu sót của mấy năm qua, tích cực chuẩn bị thực hiện kế hoạch công tác gọi nhập ngũ đợt I năm 1987 và các công tác quân sự địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Khẩn trương rà soát, bố trí lại các thành viên Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp theo đúng quy định tại điều 24, Luật nghĩa vụ quân sự:

Cơ cấu Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp bao gồm: Chủ tịch là Chủ tịch Ủy ban nhân dân; Phó Chủ tịch là Chỉ huy trưởng quân sự; các Ủy viên là người phụ trách chính các ngành kế hoạch, lao động, công an, y tế, văn hóa thông tin, Mặt trận tổ quốc, công đoàn, đoàn thanh niên, Hội phụ nữ và Hội nông dân tập thể.

Ở thành phố và quận, huyện, Hội đồng nghĩa vụ quân sự phải có đầy đủ 12 hoặc 11 thành viên. Riêng ở Phường không có Hội nông dân tập thể, ở xã không có công đoàn, có thể có 11 hoặc 10 thành viên. Vừa qua một số quận, huyện có mở rộng, mời thêm đại diện ngành Tài chánh, Thanh niên xung phong… để cùng bàn bạc phối hợp tổ chức thực hiện nhưng cần chú ý những đại diện này không là ủy viên chính thức, không có quyền biểu quyết khi kết luận.

Ủy ban nhân dân các cấp, cùng với các sở, ban, ngành, đoàn thể rà soát lại danh sách các thành viên Hội đồng, nếu có thành viên cũ không điều kiện hoạt động hoặc chuyển công tác thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân ra quyết định thay đổi danh sách thành viên mới. Chậm nhất là trong tháng 12/1986 phải làm xong việc này.

2. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ của các thành viên trong Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp theo đúng Thông tư 1531/TT-QP ngày 11/10/1982 của Bộ Quốc Phòng. Cần xác định rõ “Mỗi thành viên trong Hội đồng nghĩa vụ quân sự có nhiệm vụ phải tham gia đầy đủ các cuộc sinh hoạt của Hội đồng, chỉ đạo và đôn đốc ngành mình thực hiện đúng nội dung, chương trình, kế hoạch đã được Hội đồng thông qua”.

3. Cơ quan thường trực giúp việc Hội đồng là cơ quan quân sự địa phương nhưng tránh tình trạng Chủ tịch Hội đồng khoán trắng cho cơ quan quân sự thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp Ủy và Ủy ban. Các thành viên ngành Công an, Y tế cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc thực hiện công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự, đề nghị, xét duyệt, phân loại chính trị đạo đức, khám và kết luận sức khỏe cùng cơ quan quân sự trình Chủ tịch quyết định. Giảm dần tỷ lệ sai sót trong việc gọi thanh niên nhập ngũ, xét giải quyết miễn hoãn theo luật định. Phải có kế hoạch phối hợp đồng bộ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền giáo dục và thực hiện luật nghĩa vụ quân sự; chuẩn bị cho thanh niên sẵn sàng nhập ngũ, gọi thanh niên nhập ngũ. Thực hiện chính sách hậu phương quân đội, xử lý các hành vi vi phạm…

Trong lề lối làm việc, cần bảo đảm nguyên tắc tập thể, duy trì chế độ sinh hoạt thường kỳ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.

Nghị quyết của Hội đồng phải được quá nữa tổng số thành viên tán thành. Các thành viên Hội đồng phải thể hiện hết trách nhiệm trong làm việc tập thể, cá nhân thành viên không quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền chung của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.

Ngoài các lần sinh hoạt thường kỳ, Chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ quân sự có thể triệu tập các cuộc họp bất thường để giải quyết kịp thời những yêu cầu của công tác đột xuất.

Các văn bản của Hội đồng nghĩa vụ quân sự như biên bản của các cuộc hội nghị, báo cáo sơ tổng kết, biên bản đề nghị… đều phải lưu tại cơ quan quân sự cùng cấp để tiện tra cứu, xác minh khi cần thiết.

4. Chú ý thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp đã được quy định tại điều 25, 26, 27, luật từ thành phố, quận, huyện và phường, xã.

Trên đây là một số nội dung chủ yếu để củng cố kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nghĩa vụ quân sự các cấp, phục vụ trước mắt cho công tác gọi thanh niên nhập ngũ đợt 1/1987, công tác đăng ký nghĩa vụ quân sự năm 1987 và các năm tiếp theo.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm triển khai tổ chức thực hiện nội dung chỉ thị này và báo cáo kết quả về thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố trước tháng 1/1987.

Các Sở, Ban ngành Thành phố cần nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ tích cực cho công tác nghĩa vụ quân sự, công tác quân sự địa phương; có kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành dọc thực hiện tốt các mặt công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ngành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần báo cáo kịp thời về Thường trực Hội đồng nghĩa vụ quân sự thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố để tiếp tục chỉ đạo.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh