BỘ CÔNG THƯƠNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/CT-BCT | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM CÂN ĐỐI CUNG CẦU, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG CUỐI NĂM 2014 VÀ DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN ẤT MÙI 2015
11 tháng đầu năm 2014, nền kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, lạm phát được kiểm soát tốt. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 5,8%; CPI 11 tháng chỉ tăng 2,08% so với tháng 12 năm 2013; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 11 tháng nếu loại trừ yếu tố tăng giá tăng khoảng 6,5%. Thị trường hàng hóa thiết yếu, nhất là các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng khá ổn định, giá hàng hóa có xu hướng giảm tạo điều kiện cho việc cắt giảm chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ Tết, do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chịu tác động lớn của thời tiết, dịch bệnh nên có thể ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường tăng trong các dịp lễ, Tết, gây bất ổn thị trưởng, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2014 và dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng cần chủ động có các giải pháp trong điều hành sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ và linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, đồng thời nghiêm túc thực hiện các công việc sau:
1. Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Theo dõi, dự báo sớm nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu tại địa bàn quản lý để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các Bộ, ngành có liên quan biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.
- Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phương án hỗ trợ vốn vay dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020.
- Phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương khác, tổ chức các Chương trình giao thương, kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối hàng hóa với các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, các khu vực khai thác thủy hải sản lớn để liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản, thủy hải sản, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.
- Đôn đốc các doanh nghiệp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các Chương trình kích cầu tiêu dùng, đồng thời có chính sách hỗ trợ, ưu tiên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.
- Kết hợp với các Chương trình bình ổn và Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết, để cung ứng sớm và đầy đủ cho nhân dân các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và vùng bị thiệt hại do thiên tai với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.
- Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Chú trọng công tác bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ tại các nơi công cộng, khu dân cư, khu vui chơi.
- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường đối với các vấn đề về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức chu đáo, an toàn các Hội chợ Xuân, các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh trên địa bàn.
- Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chính sách bình ổn thị trường của nhà nước cho người dân địa phương; tuyên truyền sâu rộng việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
2. Các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thiết yếu
- Đối với các đơn vị sản xuất
+ Chủ động rà soát, đánh giá cung cầu theo giai đoạn, bảo đảm tiến độ sản xuất, thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết.
+ Có kế hoạch dự trữ hàng hóa, vật tư, nguyên, nhiên vật liệu một cách hợp lý, ưu tiên sử dụng nguyên liệu trong nước đã sản xuất được, nhằm duy trì sản xuất ổn định để bảo đảm lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường với giá hợp lý, chất lượng tốt; điều tiết nguồn cung hàng hợp lý và kịp thời, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong các dịp cao điểm; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý găm hàng, nâng giá.
+ Nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào nhằm tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Đối với các đơn vị kinh doanh thương mại
+ Tăng cường hợp tác, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, tham gia tích cực các Chương trình kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm của Bộ Công Thương và Sở Công Thương tổ chức.
+ Chủ động tham gia triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, các Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại các địa phương; đẩy mạnh việc mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa nhất là các khu vực nông thôn, hải đảo nhằm cung ứng tốt hàng hóa bình ổn nói chung và hàng Việt nói riêng cho người dân.
- Các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng chính sách theo nhiệm vụ được giao, triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 nhằm đảm bảo nhu cầu thiết yếu của nhân dân vùng khó khăn.
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam: thực hiện nghiêm túc kế hoạch cung ứng điện cho sản xuất, tiêu dùng dịp cuối năm 2014, đồng thời có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015.
3. Các Hiệp hội ngành hàng
- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương rà soát cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, theo dõi sát diễn biến thị trường để chủ động đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên duy trì sản xuất, chủ động, linh hoạt trong hoạt động xuất nhập khẩu, tổ chức tốt lưu thông hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ nguồn hàng cho thị trường, đặc biệt trong các dịp cao điểm Lễ, Tết, mùa vụ.
- Phản ánh kịp thời với Bộ Công Thương về các khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh để Bộ có hướng phối hợp, xử lý; tiếp tục đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp.
4. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương
- Vụ Kế hoạch
+ Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 389/QĐ-BCT ngày 11 tháng 01 năm 2014 của Bộ Công Thương ban hành Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
+ Đôn đốc các đơn vị trong Bộ và các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thực hiện các nhiệm vụ được giao và là đầu mối tổng hợp tình hình triển khai Chỉ thị này.
- Vụ Thị trường trong nước
+ Theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp thiết yếu trong giai đoạn cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 để có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống, không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.
+ Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối bám sát diễn biến thị trường và chính sách điều hành của nhà nước; bảo đảm đủ nguồn hàng, tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
+ Phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, rà soát, kịp thời xác minh và phản ánh với Bộ Công Thương và các cơ quan báo chí, đồng thời chủ động có biện pháp xử lý đối với các hoạt động của thương nhân nước ngoài thu mua nông sản không đúng quy định của pháp luật trên địa bàn.
+ Đôn đốc các địa phương, các doanh nghiệp triển khai các Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường; kết hợp triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, Chương trình bình ổn thị trường với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp, các hoạt động kết nối cung cầu, hợp tác thương mại vùng miền nhằm thúc đẩy tiêu thụ và tạo nguồn hàng phục vụ thị trường.
+ Phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Vụ Thương mại biên giới và miền núi, các địa phương, nhất là các tỉnh có chung đường biên giới nắm sát tình hình xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở... để có các biện pháp điều hành kịp thời nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa phục vụ cho thị trường nội địa và bình ổn thị trường.
+ Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra việc chuẩn bị hàng Tết tại các địa phương lớn, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa phục vụ Tết; đôn đốc, rà soát việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
- Các Vụ, Cục, Tổng Cục: Công nghiệp nhẹ, Công nghiệp nặng, Năng lượng, Hóa chất
Tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý duy trì hoạt động sản xuất các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm chế biến, xăng dầu, điện, phân bón...) đảm bảo cung ứng đủ cho sản xuất và đời sống nhất là trong dịp cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới công nghệ, bảo đảm sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả, tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.
- Cục Xuất nhập khẩu: Tiếp tục thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn cuối năm; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu để phối hợp với các đơn vị liên quan có biện pháp điều hành kịp thời, hợp lý nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước.
- Cục Quản lý thị trường
+ Phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai quyết liệt các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại (cân đong, đo lường, bao gói sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa...), chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.
+ Tăng cường đôn đốc các địa phương vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tham gia và tiếp tay trong việc tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng...
- Vụ Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường chỉ đạo, rà soát việc chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định tại các đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, chú trọng các mặt hàng phục vụ Tết như rượu, bia, nước giải khát, bánh mứt kẹo.
- Cục Xúc tiến thương mại
+ Bám sát hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
+ Tổ chức các Hội chợ Xuân, các Chương trình xúc tiến thương mại nội địa, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Vụ Thương mại biên giới và miền núi: Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương theo dõi sát tình hình về hoạt động thương mại biên giới và miền núi, chú trọng các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng nhiều trong dịp Tết (lương thực, thực phẩm...) để kịp thời tham mưu, đề xuất các biện pháp điều hành nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường.
- Cục Thương mại điện tử: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tốt Ngày mua sắm trực tuyến, qua đó khuyến khích tiêu dùng, góp phần thúc đẩy thị trường trong nước phát triển.
- Văn phòng Bộ
+ Đầu mối tổng hợp báo cáo tình hình chuẩn bị Tết và phục vụ Tết gửi Thủ tướng Chính phủ.
+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí thuộc Bộ thông tin chính xác, kịp thời về công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thông tin trung thực, khách quan, tạo sự đồng thuận của xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.
- Các cơ quan thông tin báo chí thuộc Bộ
+ Thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách, quy định về kinh doanh của nhà nước; cung cầu, giá cả hàng hóa để ngăn chặn tình trạng tin đồn thất thiệt gây rối loạn thị trường, ảnh hưởng bất lợi đến người tiêu dùng.
+ Phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí khác ngoài Bộ, tuyên truyền sâu rộng về các Chương trình bình ổn thị trường và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
5. Tổ chức thực hiện
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.
- Chế độ báo cáo
+ Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa có báo cáo gửi về Bộ Công Thương về kế hoạch chuẩn bị hàng hóa và triển khai các nhiệm vụ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam có báo cáo phương án bảo đảm nguồn điện:
Đợt 1: Báo cáo về kế hoạch sản xuất, cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước dịp cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 trước ngày 15 tháng 12 năm 2014;
Đợt 2: Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ trước ngày 20 tháng 01 năm 2015;
Đợt 3: Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị trước ngày 10 tháng 02 năm 2015.
+ Các đơn vị thuộc Bộ: Báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị này trước ngày 23 hàng tháng gửi về Văn phòng Bộ.
+ Các Sở Công Thương gửi báo cáo công tác phục vụ Tết theo các đợt như sau:
Đợt 1: Báo cáo kế hoạch chuẩn bị Tết và thực hiện các Chỉ thị của Chính phủ, của Bộ Công Thương trước ngày 15 tháng 12 năm 2014.
Đợt 2: Báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao tai Chỉ thị và tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa tại địa phương dịp cuối năm trước ngày 20 tháng 01 năm 2015.
Đợt 3: Báo cáo tình hình thị trường, cung cầu giá cả hàng hóa tại địa phương dịp sát Tết Nguyên đán 2015 trước ngày 12 tháng 02 năm 2015.
Đợt 4: Báo cáo kết quả phục vụ Tết trước ngày 25 tháng 02 năm 2015.
Báo cáo của các Sở Công Thương gửi bằng văn bản và e-mail gửi về theo địa chỉ: Bộ Công Thương, E-mail: cungcau@moit.gov.vn - fax: 0422205510./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG |
- 1 Chỉ thị 12/CT-BCT thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 do Bộ Công thương ban hành
- 2 Chỉ thị 36/CT-TTg năm 2014 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Quyết định 634/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Quyết định 389/QĐ-BCT về Chương trình hành động của ngành Công thương thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 5 Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Chính phủ ban hành
- 6 Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7 Chỉ thị 2051/CT-TTg năm 2011 về tăng cường biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Chỉ thị 12/CT-BCT thực hiện giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 do Bộ Công thương ban hành
- 2 Chỉ thị 36/CT-TTg năm 2014 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3 Chỉ thị 25/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Chỉ thị 2051/CT-TTg năm 2011 về tăng cường biện pháp nhằm bình ổn giá cả, thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012 do Thủ tướng Chính phủ ban hành