THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 316-TTg | Hà Nội, ngày 09 tháng 12 năm 1980 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KHỐNG CHẾ VÀ TIÊU DIỆT BỆNH DỊCH TẢ LỢN
Trong nhiều năm qua, bệnh dịch tả lợn phát sinh, lây lan rộng ở nước ta và gây nhiều thiệt hại: trong số lợn chết vì dịch bệnh hàng năm quá nửa là do mắc bệnh dịch tả.
Năm nay, bệnh này đã lan tràn ở 13 tỉnh, thành phố làm thiệt hại trên 10 vạn lợn, ảnh hưởng không tốt đến việc thực hiện kế hoạch chăn nuôi.
Nguyên nhân của tình hình trên là:
1. Công tác vệ sinh phòng bệnh cho lợn ở các địa phương còn yếu. Việc tiêm phòng dịch tả lợn ở nhiều nơi làm không đúng định kỳ, tỷ lệ lợn được tiêm phòng quá thấp, chỉ đạt khoảng 45-50% so với số lợn trong diện phải tiêm.
2. Khi dịch xảy ra, thường phát hiện chậm, chẩn đoán sai hoặc nhầm lẫn bệnh chính với bệnh ghép, từ đó áp dụng biện pháp phòng, chống dịch không đúng, gây nhiều tốn kém mà không mạng lại hiệu qủa.
3. Điều lệ phòng chống dịch gia súc không được thi hành nghiêm chỉnh, chế độ khai báo dịch không được thực hiện, cấp dưới không báo cáo lên, cấp trên không xuống kiểm tra kịp thời nắm bắt tình hình dịch; trong các ổ dịch, nhân dân bán chạy, vận chuyển, mổ thịt lợn ốm bữa bãi… làm cho dịch ngày một lây lan rộng.
Bộ Nông nghiệp đã nghiên cứu và hướng dẫn một số tỉnh sản xuất được loại vắc-xin phòng bệnh này có hiệu lực cao và khả năng cung cấp đủ vắc-xin cho nhu cầu phóng dịch. Vừa qua, những địa phương đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin này và thực hiện vệ sinh phòng bệnh tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Hưng, Thái Bình…thì dịch tả lợn không xảy ra hoặc chớm có dịch đã dập tắt nhanh chóng.
Để bảo vệ đàn gia súc góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho Bộ Nông nghiệp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải chỉ đạo chặt chẽ công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y để trong vài ba năm tới khống chế và tiêu diệt bệnh dịch tả lợn trong cả nước.
Ủy ban nhân dân các cấp và các ngành liên quan có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện đầy đủ những biện pháp cụ thể đối với từng vùng như sau:
I. ĐỐI VỚI NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG CÓ DỊCH TẢ LỢN XẢY RA.
1. Công việc quan trọng bậc nhất là phải phát hiện dịch sớm và có biện pháp giải quyết kịp thời.
Khi thấy có dịch xảy ra hoặc nghi là có dịch, Ủy ban nhân dân xã phải báo cáo ngay cho Ủy ban nhân dân huyện biết để cử ngay cán bộ thú y về xác minh tại chỗ và áp dụng các biện pháp bao vây, dập tắt dịch.
Ủy ban nhân dân huyện phải báo cáo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở, Ty nông nghiệp biết.
Sau khi các Sở, ty nông nghiệp chẩn đoán đúng là dịch tả lợn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần khẩn trương ra quyết định công bố dịch, tiến hành những biện pháp cần áp dụng trong ổ dịch theo đúng điều lệ phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, ban hành theo Nghị định số 111-CP ngày 23/7/1963 của Hội đồng Chính phủ, đồng thời phải báo cáo ngay tình hình dịch về Bộ Nông nghiệp.
Trường hợp khi chẩn đoán bệnh thấy còn nghi ngờ, nhưng bệnh có hiện tượng lây lan thì phải áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn và bao vây (cách ly lợn ốm, cấm bán chạy, cấm vận chuyển và mổ thịt lợn ốm…) đồng thời báo cáo về Bộ Nông nghiệp để Bộ cử cán bộ về chẩn đoán.
Báo cáo về dịch phải rõ ràng, chính xác và nhanh chóng. Thời gian báo cáo ở mỗi cấp lên cấp trên chậm nhất không được quá 12 tiếng đồng hồ kể từ khi nhận được tin báo có dịch; trong thời gian chống dịch, cơ quan nông nghiệp cứ 10 ngày phải báo cáo một lần lên cấp trên theo ngành dọc.
2. Phải tổ chức tiêm ngay vắc-xin cho toàn bộ số lợn trong diện phải tiêm trong ổ dịch, đồng thời xử lý nhanh những lợn bị bệnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp để nhanh chóng cắt đứt mầm bệnh.
Thời gian dập tắt ổ dịch tả lợn không được kéo dài quá một tháng.
II. ĐỐI VỚI NHỮNG ĐỊA PHƯƠNG CHƯA CÓ DỊCH.
1. Phải tăng cường công tác vệ sinh phòng bệnh, thực hiện đầy đủ vệ sinh về chuồng trại, ăn uống và chăm sóc, nuôi dưỡng tốt để tăng cường sức chống đỡ bệnh tật của đàn lợn.
2. Tổ chức kiểm dịch chặt chẽ việc lưu chuyển gia súc giữa các vùng nhất là ở biên giới và tăng cường kiểm soát sát sinh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp.
3. Phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về tiêm phòng dịch, ngoài việc tiêm phòng đúng định kỳ, hàng tháng phải tiêm bổ sung. Tỷ lệ lợn được tiêm vắc-xin phải đạt 100% số lợn trong diện phải tiêm.
Tùy theo tình hình dịch bệnh của lợn ở từng nơi, có thể tiêm phòng cùng một lúc cả ba loại dịch bệnh thường xảy ra: dịch tả lợn, dịch lợn đóng dấu và dịch tụ huyết trùng để thuận tiện cho nhân dân và các cơ sở chăn nuôi.
III. ĐỐI VỚI CÁC Ổ DỊCH CŨ.
Bệnh dịch tả lợn thường hay tái phát ở các ổ dịch cũ, do đó phải thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý ổ dịch cũ do Bộ Nông nghiệp quy định. Cần theo dõi chặt chẽ những lợn mắc bệnh ở thể mãn tính, những lợn nái, lợn con làm giống để phát hiện dịch sớm và xử lý kịp thời. Hàng năm phải tiêm vắc-xin phòng bệnh từ 3 đến 4 lần cho toàn bộ lợn trong diện phải tiêm ở các ổ dịch cũ.
IV. LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO, TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
Để thực hiện tốt chủ trương khống chế và tiêu diệt bệnh dịch tả lợn, Ủy ban nhân dân các cấp cần phối hợp với các đoàn thể quần chúng nhất là thanh niên, phụ nữ, công đoàn tuyên truyền, giải thích thật sâu rộng trong cán bộ và nhân dân về tính chất, đặc điểm của bệnh dịch tả lợn, về biện pháp khống chế, tiêu diệt dịch và gây thành phong trào quần chúng tích cực tham gia chiến dịch khống chế và tiêu diệt bệnh dịch tả lợn.
Khi có dịch xảy ra, Ủy ban nhân dân các cấp phải trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, thành lập ban chống dịch và huy động các ngành có liên quan như nông nghiệp, công an, y tế… tập trung lực lượng dập tắt dịch nhanh chóng; phải kịp thời động viên khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác này, đồng thời phải xử lý thật nghiêm minh và kịp thời những vụ vi phạm điều lệ phòng chống dịch, bệnh gia súc.
Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch tiêu diệt bệnh dịch tả lợn ở các địa phương, bồi dưỡng về chuyên môn nhất là về phương pháp chẩn đoán bệnh cho cán bộ thú y các cấp và cử cán bộ có kinh nghiệm về giúp các tỉnh tổ chức tiêm phòng và dập tắt dịch nhanh gọn.
Bộ Nông nghiệp cùng với Ủy ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ vật tư cần đáp ứng các yêu cầu của các xí nghiệp thuốc thú y ở trung ương và trạm thú y tỉnh để sản xuất đủ thuốc vắc-xin và dụng cụ tiêm phòng.
Trong quá trình thực hiện chỉ thị này, nếu có khó khăn, trở ngại gì lớn thì Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo về Phủ Thủ tướng và Bộ Nông nghiệp. Hàng tháng Bộ Nông Nghiệp (Cục thú y) có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc và gia cầm nói chung về Phủ Thủ tướng.
| KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |