THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 318/TTg | Hà Nội, ngày 29 tháng 6 năm 1993 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC XUẤT BẢN VÀ PHÁT HÀNH BẢN ĐỒ VÀ CÁC ẤN PHẨM CÓ LIÊN QUAN TỚI ĐƯỜNG BIÊN GIỚI QUỐC GIA, CÁC VÙNG BIỂN, HẢI ĐẢO VÀ THỀM LỤC ĐỊA CỦA VIỆT NAM
Trong thời gian qua việc xuất bản và lưu hành một số sách giáo khoa địa lý, bản đồ atlas về biên giới và lãnh thổ, cũng như nội dung tuyên truyền, giáo dục của ta về vấn đề này còn thiếu sự thống nhất; thậm chí có trường hợp còn trái với quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia, hoặc còn có những sơ hở gây bất lợi cho cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Để khắc phục tình trạng nói trên và nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao hiểu biết và ý thức bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong tình hình hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Việc in ấn, phát hành các loại bản đồ, kể cả bản đồ chuyên ngành, hải đồ, sách báo, tài liệu, các ấn phẩm khác và các văn bản về địa danh địa giới có liên quan tới đường biên giới quốc gia trên đất liền, các vùng biển, hải đảo, thềm lục địa và những vấn đề về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, phải có ý kiến của Ban Biên giới của Chính phủ trước khi thực hiện.
2. Các cán bộ của các ngành, các địa phương khi tiếp xúc với khách quốc tế, hoặc đi công tác, hội nghị ở nước ngoài, nếu nội dung làm việc liên quan đến những vấn đề nêu ở điểm 1 phải tham khảo ý kiến Ban Biên giới của Chính phủ trước để dự kiến các tình huống đối phó, tránh những sai sót làm ảnh hưởng tới cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
3. Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước là cơ quan có trách nhiệm quản lý và xuất bản các loại bản đồ hành chính nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ nay các cơ quan Nhà nước, các tổ chức kinh tế, xã hội và công dân chỉ được sử dụng thống nhất một loại bản đồ hành chính Việt Nam do Cục đo đạc và Bản đồ Nhà nước xuất bản.
4. Ban Biên giới của Chính phủ sớm trình Chính phủ văn bản chính thức về địa danh các đảo, bãi đá trong hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và xác định ranh giới của hai quần đảo này.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia tiến hành nghiên cứu và sớm bổ sung vào các giáo trình giảng dạy ở nhà trường những chuyên đề về chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên đất liền và trên biển, trên không, các vùng biển, các quần đảo, thềm lục địa, công việc này phải được tiến hành ngay trong năm 1993.
6. Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo các nhà xuất bản, các báo chí ở Trung ương và địa phương kể cả công tác thông tin, tuyên truyền, quảng cáo phải thực hiện đúng các quy định trên đây. Các ấn phẩm đã xuất bản trước đây có những sai sót về vấn đề này không cho phép tiếp tục sử dụng.
7. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan xem xét hỗ trợ kinh phí cho việc biên tập, in ấn bản đồ, sách giáo khoa; đặc biệt chú ý cấp kinh phí cho việc xuất bản các tài liệu tuyên truyền về chủ quyền và các quyền của ta trên đất liền, các vùng biển, vùng trời, hải đảo và thềm lục địa.
| Trần Đức Lương (Đã ký) |
- 1 Thông tư 17/2018/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 2 Nghị định 140/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Biên giới quốc gia
- 1 Nghị định 140/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Biên giới quốc gia
- 2 Thông tư 17/2018/TT-BTNMT quy định về kỹ thuật thành lập, cập nhật bộ bản đồ chuẩn biên giới quốc gia và thể hiện đường biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên các sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành