Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 32/2007/CT-UBND

Huế, ngày 20 tháng 7 năm 2007

 

CHỈ THỊ

THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 64/2007/NĐ-CP NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 2007 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC

Trong các năm từ 2004 - 2006, các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, các huyện và thành phố Huế đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức, về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nhiều hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ chuyên môn, nghiệp vụ được xây dựng, các phần mềm ứng dụng trong công tác tin học hóa quản lý hành chính nhà nước đã đi vào hoạt động góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các đơn vị vẫn còn hạn chế, chưa phát huy tiềm lực của cơ sở vật chất, nhân lực hiện có: một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chuyên môn chưa cao; công tác tuyên truyền phổ biến chưa sâu rộng, hiệu quả thấp; việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chưa tạo được động lực đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính ở cơ sở; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được chuẩn hoá, nhỏ lẻ; chính sách đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng như cơ chế thu hút khuyến khích chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Thực hiện Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, Quyết định 56/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 05 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010; Quyết định số 1419/QĐ-UBND ngày 20 tháng 6 năm 2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt “Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”; nhằm cung cấp thông tin, các dịch vụ công cho doanh nghiệp và người dân góp phần nâng cao dân trí, hỗ trợ các điều kiện về tư vấn, khám, chữa bệnh; hướng dẫn nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; tạo điều kiện học tập cho con em vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế thực hiện tốt những nội dung sau:

1. Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 32/2006/CT-UBND ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc giảm văn bản, giấy tờ hành chính trong hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước. Các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện và Thành phố Huế cần thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Cải tiến và chuẩn hóa các quy trình công việc theo hướng phù hợp với chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 - 2010.

b) Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý công việc, tăng cường sử dụng văn bản điện tử, từng bước thay thế văn bản giấy trong quản lý, điều hành và trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị.

c) Xây dựng và ban hành quy chế sử dụng mạng nội bộ, bảo đảm khai thác hiệu quả các giao dịch điện tử trong xử lý công việc của mọi cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin.

2. Tiến hành xây dựng, duy trì và nâng cấp các dịch vụ hành chính công cho người dân, đảm bảo tính công khai, dân chủ. Từng bước chuẩn hoá, số hoá các loại biểu mẫu hành chính cần thiết giải quyết công việc cho người dân, tổ chức theo quy định và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước.

3. Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm nâng cấp Cổng giao tiếp điện tử tỉnh để cung cấp thường xuyên các tin tức về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh và quốc phòng trong tỉnh, các thủ tục hành chính, chính sách thu hút đầu tư, cơ chế một cửa và lịch công tác hàng tuần của Ủy ban Nhân dân tỉnh và đăng tải kịp thời các văn bản pháp quy, văn bản điều hành như: quyết định, công văn, thông báo, kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh, huyện ban hành không thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật cá nhân.

4. Trách nhiệm của Sở Bưu chính Viễn thông:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định danh mục cơ sở dữ liệu; xây dựng, cập nhật và duy trì cơ sở dữ liệu; ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, khai thác, bảo vệ và duy trì cơ sở dữ liệu của tỉnh. Căn cứ Quy hoạch phát triển CNTT tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến 2020 để xây dựng kế hoạch phân kỳ thực hiện các chương trình, dự án và phối hợp với các sở, ban ngành liên quan triển khai.

b) Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Website các Sở, Ban ngành nhằm cung cấp thông tin và bốn (04) dịch vụ công ban đầu cho các tổ chức, cá nhân đảm bảo tiến độ và đạt hiệu quả cao.

5. Nhiệm vụ các Sở, Ban ngành:

a) Giám đốc các Sở, thủ trưởng các Ban, Ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế tiến hành kiểm tra, theo dõi thường xuyên quy trình vận hành, cập nhật thông tin trên hệ thống Website của đơn vị mình sau khi nhận bàn giao sản phẩm từ dự án Website của các Sở; kiểm tra, theo dõi các hệ thống thông tin tại đơn vị mình và đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn. Chủ động nghiên cứu, đề xuất xây dựng các hệ thống thông tin mới để phục vụ quản lý, điều hành tại đơn vị đảm bảo tích hợp được vào Website của đơn vị nhằm thống nhất về công tác điều hành, quản lý, chỉ đạo qua mạng diện rộng của tỉnh, phù hợp với kiến trúc và tính đồng bộ về mặt dữ liệu.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống thông tin Đăng ký kinh doanh qua mạng;

c) Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông, Uỷ ban Nhân dân thành phố Huế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Du lịch và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Hệ thống thông tin địa lý Thừa Thiên Huế (GISHue);

d) Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai hệ thống Đăng ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông triển khai Hệ thống thông tin nông nghiệp và phát triển nông thôn;

e) Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhân sự, cơ sở dữ liệu nhân sự toàn tỉnh; Danh mục và tiến độ thực hiện các dịch vụ công phù hợp với Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2006 – 2010;

g) Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông và các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, kho thông tin số chuyên ngành phục vụ việc tư vấn, khám và chữa bệnh từ xa;

h) Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông và các đơn vị liên quan xây dựng Chương trình đưa Internet đến trường học; xây dựng kho nội dung số về giáo án điện tử, các học liệu điện tử phục vụ việc học và đào tạo qua mạng;

i) Giám đốc Sở Văn hoá Thông tin chủ trì, phối hợp với Sở Bưu chính Viễn thông và các đơn vị liên quan xây dựng giải pháp thư viện số trực tuyến, số hoá sách, báo, tài liệu để tham gia vào hệ thống thư viện số Việt Nam.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính căn cứ kế hoạch 5 năm được Uỷ ban Nhân dân tỉnh phê duyệt, ưu tiên bố trí ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Lý