Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
ĐỒNG NAI
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
******

Số: 32/2007/CT-UBND

Biên Hòa, ngày 17 tháng 08 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP CẤP BÁCH KIỀM CHẾ TỐC ĐỘ TĂNG GIÁ THỊ TRƯỜNG

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01/08/2007 về một số biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường; ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại Văn bản số 4379/VPCP-KTTH ngày 07/08/2007; đề nghị của Bộ Thương mại tại Văn bản số 4463/BTM-TTTN ngày 03/08/2007 về bình ổn thị trường kiềm chế tăng giá và của Bộ Tài chính tại Công điện khẩn số 04/BTC-QLG ngày 06/08/2007 và Công văn số 10491/BTC-QLG ngày 07/08/2007;

Nhằm kiềm chế tốc độ tăng giá, ổn định kinh tế và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Đồng Nai Chỉ thị:

1. Sở Kế hoạch - Đầu tư:

a) Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh và các Sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện tốt các giải pháp thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; chủ động điều hành đảm bảo cân đối về hàng hóa, tiền tệ, cán cân thanh toán, thu, chi, ngân sách;

b) Rà soát, tập trung vốn đầu tư cho các dự án quan trọng, cấp thiết; kiên quyết thực hiện việc điều chuyển vốn các công trình triển khai chậm, chưa mang lại hiệu quả ngay cho các dự án có nhu cầu cấp thiết, cần sớm đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả cao.

c) Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các Sở, ngành liên quan rà soát tình hình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu của tỉnh, tín dụng Nhà nước và nguồn vốn ODA, nhất là giải ngân các dự án thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, nông nghiệp; kịp thời đề xuất giải quyết hoặc ứng vốn cho các dự án đang vướng mắc về thủ tục thanh toán theo tiến độ thực hiện.

2. Sở Tài chính:

a) Chủ trì, phối hợp Cục thuế Đồng Nai các Sở, ngành liên quan thành lập ngay các đoàn kiểm tra, kiểm soát các yếu tố hình thành giá của những hàng hóa, dịch vụ độc quyền, hàng hóa, dịch vụ đang có giá tăng quá cao, không hợp lý do các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn đang kinh doanh, không phân biệt doanh nghiệp Trung ương hay địa phương; kiểm tra việc chấp hành kỷ luật Nhà nước về giá: Bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá của cơ quan có thẩm quyền quy định; kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, việc kê khai giá, đăng ký giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải kê khai đăng ký giá, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của Pháp lệnh Giá và các quy định của pháp luật có liên quan đối với các hành vi vi phạm như: Quyết định giá sai thẩm quyền, quy định mức giá không tuân thủ quy trình, hạch toán vào giá các chi phí không đúng, không hợp lý, hợp lệ; lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường, liên kết định giá bất hợp lý;

b) Chủ trì, phối hợp Ban Chỉ đạo 127/ĐP  tỉnh và các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức ngay việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật đối với các hiện tượng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước, biến động của thị trường và tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng trốn lậu thuế,… làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng và của Nhà nước.

c) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ việc thu chi ngân sách; tổ chức nghiêm ngặt các giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường tổ chức triển khai các giải pháp tích cực để tăng nguồn thu ngân sách, hoàn thành chỉ tiêu ngân sách năm 2007.

3. Sở Thương mại - Du lịch:

a) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan rà soát cân đối cung cầu và tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối các mặt hàng trọng yếu (xăng dầu, lương thực, thực phẩm, đường, muối, xi măng, sắt thép, phân bón), bình ổn thị trường tiêu dùng, hàng hóa lưu thông thông suốt trên địa bàn tỉnh.

b) Chỉ đạo và tăng cường công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, kiểm tra chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn đã công bố, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với kiểm tra niêm yết giá, đăng ký giá và bán hàng theo giá niêm yết.

c) Theo dõi sát diễn biến thị trường giá cả trong và ngoài nước; tổ chức tốt công tác phân tích, dự báo cung cầu hàng hóa; rà soát cân đối cung cầu các loại hàng hóa, dịch vụ trọng yếu, các mặt hàng tăng giá để có biện pháp cụ thể bảo đảm cân đối cung cầu, trước hết là các mặt hàng thực phẩm; kịp thời phối hợp Sở Tài chính và các Sở, ngành, đơn vị liên quan đề xuất các Bộ ngành về chính sách thuế nhập khẩu đối với các loại hàng hóa thực phẩm, thức ăn gia súc thiếu nguồn cung cấp.

4. Sở Công nghiệp:

Tổ chức thực hiện các giải pháp đồng bộ, không để xảy ra thiếu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; tập trung nguồn lực để phát triển các ngành công nghiệp, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có tốc độ tăng xuất khẩu cao.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

a) Tập trung chỉ đạo thực hiện mọi biện pháp để dập tắt dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng ở gia súc, bệnh tai xanh ở lợn; xử lý các ổ dịch bệnh ngay từ khi mới xuất hiện; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;

b) Chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Sở Thương mại - Du lịch, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài, Báo và các đơn vị liên quan tích cực chủ động tuyên truyền đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến khích chăn nuôi theo vùng quy hoạch, chế biến và kinh doanh thực phẩm theo hướng công nghiệp, bảo đảm vệ sinh, an toàn cho người tiêu dùng;

6. Sở Y tế:

a) Tổ chức thực hiện các biện pháp để bình ổn giá thuốc phòng và chữa bệnh cho người theo quy định của Luật Dược; tổ chức các Đoàn công tác kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, độc quyền hoặc liên kết độc quyền, không để giá thuốc trên thị trường và ở các cơ sở khám chữa bệnh tăng cao bất hợp lý; tiếp tục sắp xếp hợp lý hệ thống phân phối và cung ứng thuốc, giảm thiểu các tầng nấc phân phối trung gian; kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp không chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý giá thuốc;

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Đình chỉ hoạt động và xử phạt nghiêm những cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống dịch cúm A ở người.

7. Sở Giáo dục - Đào tạo:

Tổ chức thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra việc quy định giá bán sách giáo khoa, dụng cụ học tập, không để xảy ra tình trạng đầu cơ đẩy giá tăng cao bất hợp lý.

8. Cục Hải quan Đồng Nai:

Tổ chức các giải pháp nghiệp vụ bảo đảm thông quan ngay trong ngày đối với các loại thực phẩm và một số hàng hóa tiêu dùng thiết yếu nhập khẩu; kịp thời áp dụng các chính sách miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm, giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với vật tư hàng hóa nhập khẩu là đầu vào của sản xuất.

9. Sở Văn hóa - Thông tin:

Chủ trì, phối hợp các cơ quan Báo, Đài, cơ quan thông tin truyền thông trên địa bàn tỉnh và các Sở, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các biện pháp cấp bách kiềm chế tốc độ tăng giá thị trường theo Chỉ thị số 18/2007/CT-TTg ngày 01/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị này của UBND tỉnh.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh:

a) Tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và kịp thời hỗ trợ cho công tác phòng chống các dịch bệnh, phòng chống thiên tai;

b) Tổ chức các Đoàn kiểm tra, kiểm soát không để các chủ thể sản xuất kinh doanh lợi dụng chủ trương điều chỉnh giá của Nhà nước và biến động của thị trường để tăng giá bất hợp lý, trái pháp luật, làm phương hại đến lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Thương mại - Du lịch và các cơ quan liên quan theo dõi việc triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này và định kỳ tổng hợp, kịp thời báo cáo UBND tỉnh.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này và tiếp tục chỉ đạo rà soát các mục tiêu và biện pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh thuộc lĩnh vực ngành, địa phương được phân công phụ trách; bổ sung các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trong các tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu năm 2007; thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 05/NQ/TU ngày 09/01/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 80/2006/NQ-HĐND ngày 21/12/2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 88/2006/QĐ-UBND ngày 22/12/2006 của UBND tỉnh./.

 

 

 TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Văn Một