THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 344-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 10 năm 1979 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO CÔNG TÁC THU MUA NÔNG SẢN VÀ CUNG ỨNG VẬT TƯ, HÀNG HÓA Ở HUYỆN
Để bảo đảm thực hiện tốt hợp đồng kinh tế hai chiều giữa Nhà nước và nông dân nhằm đẩy mạnh thu mua lương thực, thực phẩm và nông sản khác, bảo đảm phân phối hợp lý vật tư, hàng hóa của Nhà nước, cần thống nhất chỉ đạo và kết hợp chặt chẽ công tác thu mua nông sản với công tác cung ứng vật tư, hàng hóa trên địa bàn huyện như chỉ thị số 302-CP ngày 25-8-1979 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Trong khi chờ tiến hành làm thử để xác định mô hình tổ chức thống nhất, bộ máy kinh doanh, cung ứng vật tư, hàng hóa và thu mua nông sản ở huyện, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị :
1. Các Ủy ban nhân dân huyện phải kiện toàn ngay Ban vật tư – thương nghiệp - đời sống huyện để giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức việc điều hòa phối hợp nhằm thực hiện công tác thu mua nông sản và cung ứng vật tư hàng hóa trên địa bàn huyện, bảo đảm đúng kế hoạch, đúng chính sách, đúng thời gian quy định. Ban này do đồng chí phó chủ tịch có năng lực làm trưởng ban, các đồng chí chủ nhiệm các công ty cung ứng vật tư, công ty hoặc cửa hàng thương nghiệp và trưởng phòng lương thực làm phó trưởng ban.
2. Dưới sự lãnh đạo của huyện ủy và Ủy ban nhân dân huyện, Ban vật tư – thương nghiệp - đời sống huyện và các đồng chí chủ nhiệm công ty cung ứng vật tư, chủ nhiệm công ty hoặc cửa hàng thương nghiệp và đồng chí trưởng phòng lương thực huyện có nhiệm vụ :
a) Phân bổ cụ thể số lượng vật tư, hàng hóa do Nhà nước cung ứng cho các đơn vị sản xuất (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, ban sản xuất xã, ấp) khối lượng vật tư, hàng hóa cung ứng cho cơ sở phải căn cứ chỉ tiêu kế hoạch hàng năm, kế hoạch từng thời vụ và đặc biệt là phải tương ứng với mức huy động lương thực, thực phẩm và nông sản khác của các đơn vị nói trên.
b) Thực hiện việc ký kết hợp đồng kinh tế hai chiều giữa các tổ chức cung ứng vật tư, hàng hóa và thu mua nông sản của huyện với nông dân; đôn đốc, kiểm tra, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng đó, cụ thể là :
- Đôn đốc, kiểm tra các tổ chức cung ứng vật tư, thương nghiệp huyện cung ứng kịp thời các loại vật tư, hàng hóa cho các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất, các hộ nông dân cá thể theo đúng hợp đồng đã ký, chống ăn cắp, móc ngoặc, mua gian bán lậu vật tư, hàng hóa của Nhà nước.
- Đôn đốc, kiểm tra các tổ chức thu mua của huyện thu nhận kịp thời lương thực, thực phẩm và nông sản khác của các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất, các hộ nông dân cá thể làm nghĩa vụ với Nhà nước hoặc bán cho Nhà nước theo hợp đồng đã ký, bảo đảm đúng số lượng, chất lượng và đúng thời gian quy định.
- Kịp thời giải quyết hoặc kiến nghị với Ủy ban nhân dân huyện xử lý những trường hợp không thực hiện đúng hợp đồng về phía các tổ chức cung ứng, vật tư, hàng hóa của Nhà nước, cũng như phía người bán nông sản; huy động thêm hoặc điều chỉnh, điều hòa một số loại vật tư, hàng hóa để ký hợp đồng bổ sung với các hợp tác xã, các tập đoàn sản xuất, các hộ nông dân cá thể có nhiều hàng hóa bán thêm cho Nhà nước ngoài hợp đồng đã ký trước đây.
3. Ban vật tư – thương nghiệp - đời sống huyện không phải là một tổ chức kinh doanh, hạch toán. Việc hạch toán và thanh toán về mua, bán vẫn do các công ty cung ứng vật tư, công ty thương nghiệp hoặc cửa hàng thương nghiệp và phòng lương thực huyện thực hiện trực tiếp với ngành dọc theo chế độ hiện hành.
4. Đồng chí phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách Ban vật tư – thương nghiệp - đời sống huyện và các đồng chí chủ nhiệm công ty cung ứng vật tư, chủ nhiệm công ty thương nghiệp hoặc cửa hàng trưởng cửa hàng thương nghiệp và trưởng phòng lương thực huyện chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân huyện và Ủy ban nhân dân huyện chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc bảo đảm thu mua đầy đủ khối lượng nông sản tương ứng với khối lượng vật tư, hàng hóa của Nhà nước đã bán cho nông dân theo hợp đồng kinh tế hai chiều đã ký.
5. Các Bộ Nông nghiệp, Lương thực và thực phẩm, Nội thương, Vật tư, các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm giao nhanh kế hoạch cụ thể về thu mua và cung ứng vật tư, hàng hóa cho từng huyện và hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; đồng thời phải cử cán bộ có năng lực giúp Ủy ban nhân dân huyện tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.
Văn phòng Phủ thủ tướng và Ban tổ chức của Chính phủ có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi và đôn đốc việc thực hiện.
| K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |