Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3457/CT-BNN-VP

Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC TRIỂN KHAI THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 63/2010/NĐ-CP NGÀY 08 THÁNG 6 NĂM 2010 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Trong quá trình thực hiện Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 (Đề án 30), Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu các đơn vị phải thực hiện việc xin ý kiến nội dung thủ tục hành chính quy định trong các dự thảo văn bản pháp luật; thống kê, công bố thủ tục hành chính mới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã ban hành Chỉ thị số 3657/CT-BNN-VP ngày 09/11/2009 về việc tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai có hiệu quả Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính, công văn số 137/BNN-VP ngày 13/01/2009 về việc xin ý kiến nội dung thủ tục hành chính, thống kê Biểu mẫu 1, công bố nội dung thủ tục hành chính mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, có nhiều Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ (sau đây gọi tắt là đơn vị) không thực hiện việc xin ý kiến nội dung thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản pháp luật, thống kê Biểu mẫu 1 gửi về Bộ. Đối với những đơn vị đã thực hiện, một số đơn vị làm một cách qua loa, chiếu lệ, biểu hiện như sau:

- Không đủ thành phần hồ sơ;

- Nội dung thủ tục hành chính không theo hướng dẫn, không đầy đủ các bộ phận cấu thành, thậm chí chỉ có tên gọi mà không có quy định chi tiết các bộ phận cấu thành thủ tục hành chính;

- Thiếu phối hợp chặt chẽ với bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính của Văn phòng Bộ.

Tình hình trên dẫn đến nhiều nội dung thủ tục hành chính trong các văn bản pháp luật của Bộ vừa ban hành đã không phù hợp, không đúng với các quy định về cải cách thủ tục hành chính và yêu cầu đơn giản hóa, rõ ràng, minh bạch, có chi phí tuân thủ thấp nhất.

Để việc triển khai thi hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP và tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số 20/2008/NĐ-CP thực sự hiệu quả, Bộ trưởng yêu cầu:

1. Thủ trưởng các đơn vị gấp rút triển khai thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Phổ biến, quán triệt nội dung các Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP đến tất cả các đơn vị thành viên, cán bộ, công chức; tạo mọi điều kiện để cán bộ, công chức trong đơn vị chấp hành nghiêm nội dung các Nghị định trên;

- Phân công bộ phận (hoặc chỉ định công chức phụ trách) kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; gửi danh sách về Văn phòng Bộ trước ngày 01/11/2010;

- Cử cán bộ đúng thành phần tham dự các buổi tập huấn về kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính do đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ mở; tổ chức tập huấn tại đơn vị cho các đối tượng liên quan;

- Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xây dựng dự thảo văn bản pháp luật có quy định thủ tục hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính chấp hành nghiêm nội dung Nghị định 63/2010/NĐ-CP; đặc biệt coi trọng các nội dung sau: quy định đủ các bộ phận cấu thành thủ tục hành chính, đủ hồ sơ xin ý kiến, đảm bảo đúng thời gian, trình tự;

- Công khai các thủ tục hành chính đã công bố, các văn bản pháp luật liên quan, tên đơn vị, người trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, các số điện thoại liên hệ trên website và các địa điểm tiếp doanh nghiệp, tổ chức, người dân của cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ sở trực thuộc đặt tại các địa phương; công khai các ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, tổ chức về quy định hành chính và kết quả giải quyết của cấp có thẩm quyền;

- Chủ động hoặc phối hợp đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ tiến hành lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về dự thảo nội dung thủ tục hành chính, kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các nội dung thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính tại các đơn vị trực thuộc, các địa phương; kịp thời báo cáo Bộ và đề xuất phương án xử lý;

- Bố trí đủ kinh phí từ nguồn ngân sách của đơn vị phục vụ triển khai kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính. Chủ động huy động các nguồn hợp pháp khác để bổ sung kinh phí cho việc thực hiện các nội dung trên;

- Kịp thời khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, phê bình các tổ chức, cá nhân không nghiêm túc trong triển khai Nghị định 63/2010/NĐ-CP. Nghị định số 20/2008/NĐ-CP; áp dụng các chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức trực tiếp tham gia. Các nội dung trên phải được thể hiện đầy đủ, chi tiết, kịp thời trong các báo cáo của đơn vị với Bộ;

- Chủ động thực hiện và phối hợp với Văn phòng Bộ, các cơ quan báo, tạp chí của Bộ, các phương tiện truyền thông Trung ương, địa phương tuyên truyền về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP tại đơn vị;

- Chủ động, thường xuyên báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách khối về các nội dung liên quan đến việc thực hiện Nghị định 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

2. Chánh Văn phòng Bộ:

- Chủ trì, phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ thành lập và chuẩn bị mọi điều kiện (đặc biệt là bố trí đủ nhân lực, có trình độ đáp ứng công việc) để đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính sớm hoạt động có hiệu quả theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ;

- Tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ cho các đơn vị;

- Từ thời điểm 15/10/2010, kiên quyết không nhận hồ sơ xin ý kiến về nội dung thủ tục hành chính nếu thành phần hồ sơ không đầy đủ, đúng trình tự, thời gian như quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; không trình Lãnh đạo Bộ ký văn bản khi hồ sơ trình ký chưa có bản góp ý của đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính và văn bản tiếp thu riêng của cơ quan soạn thảo (đối với những văn bản có quy định thủ tục hành chính);

- Chuyển tất cả các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính về đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính để thực hiện theo quy định của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP; chuyển các văn bản phát hành của Bộ (bản chính hoặc bản sao) có quy định thủ tục hành chính về đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính để theo dõi, thực hiện theo thẩm quyền;

- Kiểm tra, khảo sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, về tình hình giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại một số địa phương trên cả nước, các đơn vị thuộc Bộ;

- Theo dõi, đề xuất với Bộ trưởng khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực, thực hiện có hiệu quả Nghị định 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP, có hình thức kỷ luật phù hợp đối với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị không thực hiện theo đúng nội dung chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ;

- Đề xuất với Bộ trưởng huy động các nguồn lực, nhất là sự hỗ trợ trực tiếp của các Dự án cải cách hành chính trong Bộ đối với việc thực hiện các nội dung Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP.

3. Vụ trưởng Vụ Pháp chế:

- Chủ động phối hợp với Văn phòng Bộ về những nội dung liên quan đến thủ tục hành chính trong công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật.

- Chỉ đạo không tiếp nhận, thẩm định các dự thảo văn bản pháp luật khi chưa có đầy đủ hồ sơ xin ý kiến về nội dung thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP.

- Phối hợp Văn phòng Bộ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn khi đã có văn bản giải quyết của cấp có thẩm quyền.

4. Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, các báo, tạp chí khác cử phóng viên phụ trách việc theo dõi, chủ động đưa tin về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP tại Bộ và các cơ quan, đơn vị, về thực trạng thực hiện thủ tục hành chính trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ý kiến của các cơ quan, tổ chức cấp cơ sở, của người dân, doanh nghiệp, chuyển cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết theo thẩm quyền.

5. Chánh Văn phòng Bộ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo tình hình, kinh tế triển khai thực hiện các nội dung của Chỉ thị này; triển khai công tác truyền thông về cải cách thủ tục hành chính của Bộ; đảm bảo các điều kiện để công tác kiểm soát thủ tục hành chính, tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính có hiệu quả.

6. Các tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thuộc Bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Điều lệ, Quy chế hoạt động của mình chủ động tham gia triển khai thực hiện Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 20/2008/NĐ-CP với các hình thức thích hợp, hiệu quả./.

 

 

Nơi nhận:
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Ban ĐMDN NN, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ;
- Các Trung tâm, các Ban Quản lý Dự án;
- Đảng ủy Bộ;
- Công đoàn ngành NN PTNT;
- Công đoàn, Đoàn TN cơ quan Bộ;
- Báo NNVN, Tạp chí NNPTNT, Cổng TTĐT của Bộ;
- Lưu VT, VPCCHC.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát