Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3480/CT-BNN-PC

Hà Nội, ngày 30 tháng 09 năm 2013

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC SOẠN THẢO, BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Trong thời gian qua, chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là QPPL) của Bộ đã từng bước được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực văn bản QPPL, cũng như hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ và phát triển của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, việc soạn thảo ban hành văn bản QPPL của Bộ vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Một là, tình trạng nợ đọng văn bản, việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết chưa được ban hành kịp thời để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của văn bản được hướng dẫn. Hai là, tính khả thi của một số văn bản chưa cao, một số văn bản mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung. Ba là, một số đơn vị còn lúng túng trong việc xác định sự cần thiết ban hành văn bản và thiếu quyết liệt trong việc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản, thường xuyên đề nghị điều chỉnh kế hoạch xây dựng ban hành văn bản. Bốn là, sự phối hợp giữa các đơn vị trong công tác xây dựng văn bản thiếu chặt chẽ.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản QPPL của Bộ, nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 101/NQ-CP ngày 20/8/2013 của Chính phủ Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu:

1. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ:

a) Đề cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, bố trí đủ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản QPPL, đẩy mạnh công tác phối hợp, tranh thủ ý kiến chuyên gia trong quá trình soạn thảo;

b) Bám sát tiến độ trình các dự thảo văn bản QPPL đã được Bộ trưởng phê duyệt trong Quyết định phê duyệt chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ hàng năm để triển khai thực hiện;

c) Đảm bảo thực hiện việc xây dựng văn bản QPPL theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật về ban hành văn bản QPPL; xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng đối với dự thảo văn bản QPPL trước khi gửi lấy ý kiến rộng rãi, gửi Bộ Tư pháp thẩm định hoặc trình Bộ trưởng (đối với Thông tư, Thông tư liên tịch), cơ quan có thẩm quyền (đối với các văn bản cấp trên) để xem xét, ban hành.

Đối với các thông tư có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đơn vị chủ trì soạn thảo cần thực hiện đúng quy trình và chủ động lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành có liên quan trước khi trình Bộ trưởng xem xét, ban hành.

2. Vụ Pháp chế

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ lập dự kiến Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ trình Bộ trưởng quyết định đảm bảo tính cần thiết ban hành; khả thi; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL của Bộ tuân thủ quy trình, đảm bảo chất lượng, tiến độ.

b) Tăng cường năng lực thẩm định và kiểm tra các văn bản QPPL, bảo đảm văn bản QPPL ban hành hợp hiến, hợp pháp và có tính khả thi cao.

3. Vụ Tài chính

Bố trí, phân bổ đủ kinh phí để các đơn vị thực hiện xây dựng văn bản QPPL; hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ thực hiện tốt các nội dung nêu trên, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết quả cũng như khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Chỉ thị này để kịp thời giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Bộ Tư pháp;
- Lãnh đạo Bộ NNPTNT;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu VT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát