Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35/2001/CT-UB

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2001 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Để đảm bảo cho các bản án và Quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; mọi người và đơn vị liên quan phải nghiêm chỉnh thi hành.;

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ “về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự” trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ thị;

1. Ban chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự Thành phố sớm ổn định về tổ chức và đi vào hoạt động, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan thi hành án dân sự Thành phố với các cấp, các ngành, đẩy nhanh tiến độ thi hành án; tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố.

2. Sở Tư pháp khẩn trương củng cố về mặt tổ chức của Phòng Thi hành án dân sự Thành phố; Đội thi hành án dân sự các quận, huyện, đảm bảo số lượng cũng như chất lượng đội ngũ chấp hành viên cho các cơ quan Thi hành án; có tiêu chí cụ thể để tuyển chọn về trình độ pháp luật, nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan Thi hành án dân sự trong Thành phố thực hiện quy chế dân chủ với công dân trong quá trình giải quyết việc Thi hành án; xử lý nghiêm các hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự Thành phố những khó khăn, vướng mắc trong công tác Thi hành án để có biện pháp tháo gỡ.

3. Phòng Thi hành án dân sự Thành phố cần chủ động kiểm tra phân loại án tồn đọng tại Phòng và ở các Đội Thi hành án; có kế hoạch cụ thể để giải quyết cơ bản các án tồn đọng; Chỉ đạo các đội Thi hành án dân sự quận, huyện có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thi hành án ở các quận, huyện.

Báo cáo Bộ Tư pháp bổ sung kinh phí đảm bảo phương tiện, cơ sở vật chất điều kiện làm việc cho Phòng và các Đội Thi hành án; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc cho các Đội Thi hành án quận, huyện hiện chưa có trụ sở làm việc ổn định.

4. Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự tại địa phương, phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp, huy động lực lượng các cơ quan hữu quan của bộ máy chính quyền, phối hợp các đoàn thể địa phương, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện thành lập Ban chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự của quận, huyện mình do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác Thi hành án tại địa phương.

5. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Thành phố, Sở Văn hóa Thông tin chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng của Thành phố tiếp tục tuyên truyền phổ biến pháp luật về Thi hành án dân sự, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong việc thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

6. Công an Thành phố chỉ đạo công an các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ để đảm bảo cho việc cưỡng chế thi hành án đạt hiệu quả tốt.

7. Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện trong phạm vi quyền hạn, nhiệM vụ của mình có kế hoạch cụ thể, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này; định kỳ 6 tháng báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội về công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố ./.

 

 

TM/UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH
 


 
Hoàng Văn Nghiên