- 1 Quyết định 78/2016/QĐ-UBND bãi bỏ Chỉ thị quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành
- 2 Quyết định 442/QĐ-UBND năm 2017 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016 hết hiệu lực toàn bộ và hết hiệu lực một phần do tỉnh An Giang ban hành
- 3 Quyết định 357/QĐ-UBND năm 2019 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh An Giang kỳ 2014-2018
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2003/CT-UB | Long xuyên, ngày 25 tháng 12 năm 2003 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH XÂY DỰNG CÁC HỢP TÁC XÃ VÀ TRANG TRẠI NÔNG LÂM NGƯ NGHIỆP VÀ THỦY SẢN.
Thực hiện Đề án phát triển Hợp tác xã giai đoạn 2001 - 2005 ban hành ngày 18 tháng 9 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 123 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 11 hợp tác xã thủy sản. Số hợp tác xã thành lập mới sau khi có Đề án là 32 hợp tác xã (có 06 HTX thủy sản) đảm bảo tính tự nguyện, xã viên tự góp vốn và đi vào hoạt động có hiệu quả. Ngoài ra, thành lập mới 03 câu lạc bộ cá bè và mô hình sản xuất kinh doanh theo dạng trang trại cũng phát triển rất nhanh. Có 92 trang trại được cấp chứng nhận ưu đãi đầu tư.
Nội dung hoạt động của hợp tác xã về cơ bản là sự liên kết bốn nhà trong quá trình sản xuất, tồn trữ, chế biến và tiêu thụ, nghĩa là bảo đảm đầu vào cho sản xuất và đầu ra của sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh ngày càng cao. Trong đó việc thực hiện ký hợp đồng kinh tế giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, giữa hợp tác xã với xã viên và nông dân là cơ sở pháp lý có tính bền vững. Ngày 24 tháng 6 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg càng khẳng định chủ trương và tính pháp lý của Đề án phát triển hợp tác xã của UBND tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, cùng với việc chăm lo xây dựng mô hình hợp tác xã và trang trại với kết quả như nói trên, năm 2003 các doanh nghiệp (có 01 doanh nghiệp tư nhân) ký hợp đồng tiêu thụ lúa chất lượng cao với hợp tác xã và tổ liên kết sản xuất được trên 55 ngàn ha, vụ Đông Xuân 2003 - 2004 trên 13 ngàn ha lúa đặc sản. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản ký hợp đồng tiêu thụ cho một số thành viên câu lạc bộ và hợp tác xã thủy sản. Nhận thức được nhược điểm của sản xuất tỉnh ta là áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn ít quá, hàm lượng chất xám trong sản phẩm không cao, cùng với trình độ quản trị kinh doanh của các chủ trang trại, chủ nhiệm hợp tác xã còn yếu nên tỉnh chủ trương thực hiện chương trình “trí thức hóa nông dân” bằng nhiều hình thức. Đến nay, thông qua chương trình khuyến nông đã đào tạo ngắn hạn được gần 10 ngàn nông dân, trong đó có trên 4.300 nông dân nghèo loại A, đào tạo miễn phí cho 207 sinh viên Đại học An Giang đăng ký tình nguyện ra trường làm việc cho hợp tác xã và trang trại; đào tạo cấp tốc cho 458 người làm quản trị hợp tác xã và đã có nhiều người được đào tạo, kể cả Đại học đang làm Giám đốc hợp tác xã. Đặc biệt, Đài Phát thanh Truyền hình An Giang và Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang đã phối hợp với Hội Nông dân thực hiện Chương trình “Gặp gỡ bốn nhà” hai tuần một lần trực tiếp trên Đài Phát thanh Truyền hình An Giang, đến nay chương trình này đã tròn một năm.
Chỉ hơn hai năm thực hiện Đề án phát triển hợp tác xã, tổ chức lại sản xuất, đạt những kết quả nêu trên là do có sự nhận thức thống nhất, thông suốt và phối hợp hành động tích cực của các cấp, nổi bật là cấp xã, huyện, các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, Đài Phát thanh Truyền hình, Trường Đại học An Giang, Trường chính trị Tôn Đức Thắng, Liên minh Hợp tác xã, các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang. Riêng chương trình “Gặp gỡ bốn nhà” truyền hình trực tiếp là sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ có hiệu quả của Đài, Công ty và Hội, trong đó các diễn giả là cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, nhà doanh nghiệp cùng những nông dân tiên tiến đã tích cực tham gia, nội dung chương trình thường xuyên được cải tiến nâng chất lượng với nhiều chủ đề và nội dung phong phú, được người xem trong và ngoài tỉnh ưa thích.
Thành tích trong tổ chức lại sản xuất hơn 2 năm qua là to lớn, mang lại kết quả rõ rệt. Song cũng còn nhiều yếu kém, khuyết điểm cần chấn chỉnh, bổ sung để hoàn thiện nhanh, kịp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1- Về nhận thức tư tưởng, cần khẳng định: để đưa nông dân tham gia quá trình hội nhập kinh tế thế giới chỉ có con đường hợp tác hóa, tổ chức lại sản xuất dưới hai hình thức chủ yếu là hợp tác xã và trang trại là thích hợp nhất. Tổ chức lại sản xuất đồng thời với việc nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật và năng lực quản trị kinh doanh (trí thức hóa) đại bộ phận nông dân và thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn, dịch chuyển nhanh lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Các cấp, các ngành, nhất là Hội Nông dân, Đảng ủy và Uỷ ban nhân dân cấp xã phải thường xuyên làm thông suốt, có kế hoạch thực hiện cụ thể và định kỳ kiểm điểm đánh giá rút kinh nghiệm. Phải xem việc tổ chức lại sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Đảng bộ và chính quyền cấp xã.
2- Nội dung hoạt động và chất lượng hợp tác xã, trang trại tùy thuộc vào sự liên kết bốn nhà bảo đảm đầu vào cho sản xuất, ký hợp đồng mua, tổ chức tồn trữ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm (đầu ra) . Hợp tác xã phải tìm và tổ chức sản xuất để bán giống xác nhận cho xã viên và nông dân; tìm nguồn phân, thuốc tốt và rẻ để hướng dẫn nông dân mua hoặc tổ chức đại lý cung ứng; tổ chức các dịch vụ làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật…. Những việc này hợp tác xã và chính quyền cấp xã phải chịu trách nhiệm tổ chức và lãnh đạo. Không đươc ỷ lại, trông chờ Nhà nước (ngành Nông nghiệp và các doanh nghiệp Nhà nước) mà Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm lo giống gốc (nguyên chủng), vật tư các loại được ổn định trên thị trường. Các doanh nghiệp Nhà nước và cả doanh nghiệp tư nhân quan hệ với hợp tác xã trên cơ sở hợp đồng kinh tế. Chính quyền, đoàn thể cấp xã và nông dân phải thông suốt việc này để cùng nhau có trách nhiệm lo toan. Tránh đổ thừa lẫn nhau và đòi hỏi Nhà nước phải làm những việc mà mình phải làm.
Hợp tác xã còn phải tiến lên làm các dịch vụ khác như: tổ chức cung cấp nước sạch, xây dựng, vận tải, tín dụng nông thôn… nghĩa là toàn bộ các hoạt động sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn nông thôn, các hợp tác xã đều có thể làm được, và như vậy mới thực sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa bàn cơ sở.
3- Vấn đề nổi lên hàng đầu hiện nay là xây dựng đội ngũ cán bộ quản trị kinh doanh (bao gồm Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm và Giám đốc như hiện nay), kế toán và kiểm sát viên là những người được đào tạo cơ bản (có cấp bằng hoặc chứng chỉ) từ đội ngũ nông dân trẻ tuổi. Ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã phải đi sát từng hợp tác xã, giúp Đảng ủy và UBND xã chọn lựa, đề cử người, chú ý số sinh viên Đại học An Giang đã đăng ký về làm việc cho hợp tác xã. Không được áp đặt người vào Ban quản trị Hợp tác xã, phải để xã viên bầu chọn người mà họ tín nhiệm vì vốn của họ góp vào, họ có trách nhiệm hơn ai hết, riêng chức danh Giám đốc và kế toán thì Đảng ủy và UBND xã phải chọn người đã được đào tạo và đề cử cho Ban Quản trị Hợp tác xã ký hợp đồng giao việc và giao quyền cụ thể, có chế độ quản lý và kiểm tra tài chính rõ ràng, minh bạch. Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Liên minh Hợp tác xã tỉnh giúp UBND xã thiết kế mô hình quản lý Hợp tác xã gần giống như quản lý Công ty cổ phần, nghĩa là có Hội đồng Quản trị (Ban Quản trị theo Luật Hợp tác xã sửa đổi). Ban Quản trị do xã viên bầu, Giám đốc (theo Luật Hợp tác xã hiện nay là Chủ nhiệm điều hành) và kế toán phải thuê và báo cáo Đại hội xã viên.
4- UBND các cấp cần tập trung chấn chỉnh công tác kế toán hợp tác xã nông nghiệp, làm minh bạch tài chính hợp tác xã để củng cố lòng tin của xã viên và nông dân, tạo uy tín làm ăn lâu dài với các đối tác. Các hợp tác xã phải thực hiện đầy đủ sổ sách kế toán và báo cáo tài chính theo luật định.
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã và Sở Tài chính phối hợp giúp đào tạo đội ngũ kế toán cho các hợp tác xã và thực hiện chế độ kiểm toán nội bộ các hợp tác xã. Đây là khâu quản lý cơ bản nhất, quyết định nhất thể hiện chất lượng hoạt động của các hợp tác xã.
5- Chương trình "gặp gỡ bốn nhà" của Đài Phát thanh Truyền hình và Công ty Dịch vụ bảo vệ thực vật cần rút kinh nghiệm, nâng cao chất lượng nhằm đạt bốn yêu cầu là: trao đổi thông tin, nâng cao kiến thức, tăng cường trách nhiệm và thắt chặt sự liên kết giữa bốn nhà; bảo đảm năm nội dung của chương trình là: khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, khuyến học và khuyến thiện; cuối cùng là phải đạt mục đích: đưa sản phẩm của nông dân tham gia hội nhập thị trường thế giới, bảo đảm tính cạnh tranh. Thực chất của chương trình là làm công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhận thức, tư tưởng và hành động dưới hình thức gặp gỡ, giao lưu, đấu tranh xây dựng, phục vụ cho chuyển dịch nông thôn của tỉnh là: trí thức hóa nông dân, hợp tác hóa sản xuất - dịch vụ, công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Qua một năm phát sóng, đã tổ chức rút kinh nghiệm, cần đưa diễn đàn xuống tận cơ sở xóm, ấp, đồng ruộng, nhà máy, trường học… Mỗi kỳ có một chủ đề thiết thực (một trong năm nội dung nêu trên) trên cái nền nông nghiệp - nông thôn. Các cán bộ thuộc thành phần bốn nhà được mời tham gia diễn giả phải thấy được trách nhiệm, tích cực tham gia, không được thoái thác. Các doanh nghiệp, ngoài kinh phí do Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật và ngân sách Nhà nước cấp cần nghiên cứu có sự tham gia để bảo đảm chương trình hoạt động được lâu dài - khi nông dân còn thấy cần thiết.
6- Về tổ chức trang trại, căn cứ vào tiêu chí hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và thực tế tình hình, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng những tiêu chí cụ thể, trình UBND tỉnh ban hành. Từ tiêu chí đó xây dựng Đề án tổ chức, giúp cho loại hình kinh tế này phát triển. Kinh tế trang trại thực chất là tổ chức sản xuất lớn như một doanh nghiệp vừa và nhỏ, dưới hình thức gia đình, gắn kết hoạt động thuộc các lĩnh vực: nông - lâm - ngư. công nghiệp, thương mại, dịch vụ…; có giải quyết lao động; trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại trên mảnh đất, mặt nước cụ thể; là loại hình sản xuất lớn, có khả năng hội nhập thị trường dễ dàng hơn hộ sản xuất.
Cần nghiên cứu mô hình liên kết trang trại dưới hình thức giản đơn là câu lạc bộ, tiến lên Hợp tác xã các trang trại hoặc Công ty cổ phần để tăng thêm sức mạnh.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức sơ kết 2 năm (2002, 2003) thực hiện Đề án phát triển Hợp tác xã của UBND tỉnh và quán triệt tinh thần Chỉ thị này, xây dựng kế hoạch cho 2 năm tiếp theo (2004, 2005). Cần nghiên cứu Luật Hợp tác xã (sửa đổi) Quốc hội vừa mới thông qua khi xây dựng Điều lệ và thiết kế mô hình tổ chức. Trong đó chú ý: Luật chỉ cho phép các Liên hiệp Hợp tác xã có mô hình Hội đồng Quản trị và Giám đốc, hợp tác xã chỉ có Trưởng ban Quản trị và Chủ nhiệm điều hành (như chức danh Giám đốc của ta hiện có). Vấn đề này không làm thay đổi bản chất của mô hình tổ chức trong Đề án năm 2001 của tỉnh, chỉ có thay đổi danh xưng: Ban Chủ nhiệm nay gọi là Ban Quản trị, Giám đốc nay gọi là Chủ nhiệm điều hành.
Chỉ thị này được triển khai đến cơ sở xã, phường, thị trấn. Quá trình thực hiện phải bảo đảm chế độ thông tin báo cáo và kiểm tra, uốn nắn kịp thời theo quy định. Giao Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn làm đầu mối theo dõi triển khai, báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển hợp tác xã và Chỉ thị này của UBND tỉnh.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG |