Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35/2005/CT-TTG

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2005 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH THƯ KYOTO THUỘC CÔNG ƯỚC KHUNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu nhằm ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển để bảo vệ hệ thống khí hậu trên trái đất, bảo đảm an ninh lương thực và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của loài người một cách bền vững.

Nghị định thư Kyoto của Công ước khí hậu là văn bản pháp lý để thực hiện Công ước khí hậu, đã có hiệu lực thi hành từ ngày 16 tháng 02 năm 2005. Nội dung quan trọng của Nghị định thư Kyoto là đưa ra chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính có tính ràng buộc pháp lý đối với các nước phát triển và cơ chế giúp các nước đang phát triển đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững thông qua thực hiện ''Cơ chế phát triển sạch'' (CDM). Dự án CDM được đầu tư vào các lĩnh vực như: năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp và quản lý chất thải.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khí hậu và Nghị định thư Kyoto nên được hưởng những quyền lợi dành cho các nước đang phát triển trong việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ mới từ các nước phát triển thông qua các dự án CDM.

Để triển khai có hiệu quả Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, ngành liên quan thực hiện các việc sau:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan đầu mối của Chính phủ Việt Nam tham gia và thực hiện Nghị định thư Kyoto, có trách nhiệm tổ chức thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ vào quý IV năm 2005 kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định thư Kyoto cho giai đoạn 2006 - 2010, có xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2006 - 2010;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu dự báo thị trường buôn bán các ''Giảm phát thải được chứng nhận - CERs'' và hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng dự án CDM tại Việt Nam trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đảm bảo lồng ghép các hoạt động thực hiện CDM với các hoạt động thực hiện các công ước hoặc cam kết quốc tế khác về môi trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết.

2. Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp xã hội về những hiểm hoạ do biến đổi khí hậu gây ra, về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia thực hiện Nghị định thư Kyoto và CDM.

3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành, địa phương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để trình cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện Nghị định thư Kyoto; Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ công việc trên vào quý I năm 2006.

4. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án "Cơ chế tài chính cho Dự án CDM" quy định biện pháp ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn tín dụng Nhà nước, trợ giá để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các dự án CDM tại Việt Nam. Bộ Tài chính trình Chính phủ đề án này vào quý IV năm 2006.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công nghiệp, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án CDM trong các lĩnh vực: năng lượng, công nghiệp, quản lý chất thải, giao thông vận tải, nông nghiệp, lâm nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch này vào quý IV năm 2006.

6. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động lồng ghép các hoạt động thực hiện CDM vào các kế hoạch phát triển của ngành, địa phương.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý nhằm khuyến khích thực hiện CDM.

7. Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các Bộ có liên quan chỉ đạo, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp xây dựng dự án CDM thuộc quyền quản lý của địa phương.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Chỉ thị này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện Hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (5b). Trang 310

 

THỦ TƯỚNG




Phan Văn Khải