Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 35-CT/TW

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 1998

 

CHỈ THỊ

VỀ ĐỔI MỚI CÔNG TÁC THI ĐUA - KHEN THƯỞNG TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào hành động cách mạng của toàn dân dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, chúng ta có thể khẳng định rằng những thành quả to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cách mạng Việt Nam trong mấy chục năm qua gắn liền với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua ái quốc trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với các phong trào thi đua bị buông lỏng. Công tác thi đua - khen thưởng chưa thật sự trở thành động lực mạnh mẽ động viên, cổ vũ mọi tầng lớp nhân dân ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng và bảo vệ đất nước. Khen thưởng chưa được gắn chặt với công tác thi đua. Đối tượng, tiêu chí, tiêu chuẩn khen thưởng và các chế độ kèm theo chậm được đổi mới, làm giảm tác dụng và ý nghĩa to lớn của công tác này.

Bác Hồ thường nhắc nhở chúng ta: "Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày". Trong giai đoạn xây dựng đất nước hiện nay, trước những thời cơ và thách thức vô cùng to lớn, công tác thi đua - khen thưởng càng có vị trí hết sức quan trọng. Để thực hiện lời dạy của Bác một cách thiết thực, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương củng cố tăng cường và đổi mới công tác thi đua - khen thưởng nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ đảng, đảng đoàn, Ban cán sự đảng Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, và các đoàn thể chỉ đạo thực hiện tốt một số việc sau đây:

1. Tiến hành tổng kết công tác thi đua - khen thưởng 50 năm qua từ cơ sở, rút ra những bài học kinh nghiệm của công tác thi đua - khen thưởng qua các giai đoạn cách mạng, biểu dương những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác thi đua - khen thưởng. Cần đặc biệt chú ý phân tích tìm ra nguyên nhân của việc coi nhẹ, buông lỏng công tác thi đua - khen thưởng trong những năm gần đây, tập trung làm rõ nguyên nhân từ phía lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác này và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng và các cơ quan chuyên trách làm tham mưu cho các cấp uỷ đảng và chính quyền và sự phối kết hợp giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, các chương trình quốc gia, các dự án với công tác thi đua về công tác thi đua - khen thưởng.

2. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm của 50 năm qua, các cấp uỷ đảng cần chỉ đạo tiến hành đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới tập trung vào các vấn đề cơ bản như: làm rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác thi đua - khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với công tác thi đua - khen thưởng; kiện toàn và đổi mới tổ chức - cán bộ của các cơ quan tham mưu thi đua - khen thưởng, đổi mới nội dung và hình thức thi đua - khen thưởng, quy trình phát hiện, xem xét, lựa chọn, phong tặng các danh hiệu thi đua và những vấn đề có liên quan tới việc khen thưởng như: tiêu chuẩn, danh hiệu, đối tượng khen thưởng.

3. Xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ về chất trong lĩnh vực công tác thi đua - khen thưởng, dấy lên phong trào thi đua sôi nổi nhằm phát huy cao độ tính tích cực trong mọi ngành, mọi giới, các dân tộc, các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang, các thành phần kinh tế, rộng khắp trong cả nước, tạo ra động lực tinh thần vật chất mới hăng hái tham gia lao động, sản xuất, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cần kiệm, sáng tạo, cống hiến sức lực, trí tuệ, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Khẩu hiệu thi đua chung trong giai đoạn mới này là: "Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh". Căn cứ vào tinh thần này, các cấp, các ngành, các đoàn thể cần cụ thể hoá và chỉ đạo phong trào thi đua cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và nội dung yêu cầu của cấp, ngành và đoàn thể mình, đẩy mạnh các phong trào thi đua hiện có trong cả nước.

4. Tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm trong 3 năm 1998 - 2000 việc xem xét khen thưởng đối với các loại hình thành tích trong hai cuộc kháng chiến.

5. Tích cực chuẩn bị Luật "Thi đua - khen thưởng nhà nước" để trình Quốc hội trong năm 1999, chuẩn bị mọi mặt để tiến tới Đại hội thi đua toàn quốc vào năm 2000.

6. Trước mắt cần chỉ đạo làm ngay một số việc:

- Tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc ở các địa phương và tại thủ đô Hà Nội và phát động phong trào thi đua ái quốc trong giai đoạn mới. Qua đó khẳng định vai trò to lớn của công tác thi đua - khen thưởng trong các giai đoạn cách mạng vừa qua, chỉ ra những hạn chế của công tác này trong những năm gần đây và sự cần thiết phải tiến hành đổi mới công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.

- Lập lại Hội đồng thi đua - khen thưởng Trung ương do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch. Lãnh đạo một số bộ, ngành, Văn phòng Chủ tịch nước, đoàn thể quần chúng làm uỷ viên. Viện Thi đua - khen thưởng Nhà nước là cơ quan giúp việc của Hội đồng. Các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương thành lập lại Hội đồng thi đua khen thưởng của mình theo tinh thần mới gọn, nhẹ, hiệu quả, không tăng biên chế.

- Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Bộ Văn hoá - Thông tin cần có kế hoạch chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng về việc tuyên truyền sâu rộng cho công tác thi đua - khen thưởng. Thường xuyên và kịp thời thông tin về việc đổi mới các hoạt động thi đua - khen thưởng và nêu gương những điển hình tiên tiến, các mô hình mới hoạt động có hiệu quả.

Ban cán sự đảng Chính phủ, các bộ, ngành, các đoàn thể và Mặt trận Tổ quốc tổ chức thực hiện Chỉ thị này để không ngừng nâng cao chất lượng công tác thi đua - khen thưởng đáp ứng những đòi hỏi của giai đoạn mới. Ban cán sự đảng Chính phủ giúp Bộ Chính trị theo dõi kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này.

 

 

T/M BỘ CHÍNH TRỊ




Phạm Thế Duyệt